Phải xem xét ngay để tiến tới đánh giá Covid-19 là bệnh đặc hữu hay không

GD&TĐ - Một số ý kiến chuyên gia cho rằng hiện nay tỉ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 ở Việt Nam đạt cao, số bệnh nhân nặng và tử vong giảm nên có thể nhìn nhận Covid-19 như bệnh đặc hữu, tức bệnh truyền nhiễm thông thường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và được biết, Việt Nam coi Covid-19 là bệnh đặc hữu bây giờ là quá sớm. Hiện dịch bệnh còn rất phức tạp, chúng ta không được chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam bày tỏ, Covid-19 đang được Bộ Y tế xếp vào các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (nhóm A). Hiện chưa thể coi bệnh này là đặc hữu hay bệnh cúm thông thường. Với tình hình như hiện nay, coi Covid-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường có thể dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.

“Tuy tỷ lệ F0 bệnh nặng và tỷ lệ tử vong ở nước ta gần đây không tăng, nhưng nếu ca bệnh tăng thì kéo theo các ca nặng và nhập viện tăng theo, gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, chúng ta chưa thể coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường được”, ông Phu nói.

Một số chuyên gia cũng cho rằng vẫn còn quá sớm để coi Covid-19 như cúm mùa thông thường. Để làm được điều đó phải tính toán tới rất nhiều yếu tố, trong đó, khả năng đáp ứng của hệ thống y tế trước dịch bệnh là rất quan trọng. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam vẫn đang rất khó lường, vì vậy, hiện chưa thể coi Covid-19 như cúm mùa.

Theo PGS-TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội, khi tiến tới việc thay đổi từ đại dịch sang bệnh đặc hữu thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do BHYT chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Cùng quan điểm rằng sẽ đến lúc Covid-19 cũng được coi bệnh đặc hữu, tuy nhiên, theo một chuyên gia dịch tễ trước làn sóng dịch mới, biến thể mới với số ca mắc tăng nhanh như thời gian qua thì việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu sẽ cần thêm nhiều thời gian.

Với số ca mắc và tử vong như hiện nay, sự đáp ứng của hệ thống y tế còn hạn chế, cùng với việc biến thể liên tục của chủng virus SARS-CoV-2 và hiệu quả của vắc-xin phòng bệnh chưa được chưa mong muốn, cuộc sống chưa trở lại bình thường thì chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Cũng phân tích về vấn đề này, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Thành viên Tổ tư vấn chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chúng ta phải xem xét ngay thời điểm này để tiến tới đánh giá Covid-19 là bệnh đặc hữu hay không. Bệnh đặc hữu được hiểu là bệnh có tính ổn định, không tạo ra làn sóng dịch và nắm được xu hướng của bệnh. Ngay cả khi tính ổn định duy trì ở số mắc cao, thiệt hại nhiều, tử vong lớn cũng không được chấp nhận. Với các tiêu chí trên, Covid-19 chưa thể là bệnh đặc hữu thời điểm này.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, thứ nhất, miễn dịch của Covid-19 tại Việt Nam vẫn chưa bền vững, do đó sẽ có khuynh hướng tạo làn sóng dịch.

Miễn dịch bền vững (từ người nhiễm bệnh) với Covid-19 hiện nay vẫn chưa đạt 100%, miễn dịch chủ yếu đến từ vắc xin (không bền vững). Nói một cách dễ hiểu là nước ta vẫn chưa đạt miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, không loại trừ nguy cơ SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện biến thể mới.

Thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh đang ở một làn sóng, có thể sẽ chấm dứt trong 3 tuần tới.  Sau đó, tiếp tục có thêm 1 lần nữa, chưa chấm dứt được. Những tính toán của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trong 5-6 tháng tới, Covid-19 mới đạt sự ổn định.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, chúng ta vẫn chưa thể duy trì sự ổn định của Covid-19. Để làm được yêu cầu trên, ngành y tế phải xây dựng hệ thống điều trị hiệu quả, có tính dự phòng, bảo vệ cho người nguy cơ cao, bệnh nền, lớn tuổi trước Covid-19. Mục tiêu là giảm ca nặng và tử vong, đảm bảo tính ổn định với thiệt hại thấp nhất...

Việc tiến tới xem Covid-19 là bệnh đặc hữu có giá trị vô cùng lớn. Người dân cần được trở lại cuộc sống bình thường, thoải mái, không còn kiểm soát bằng khai báo di chuyển. Đồng thời, không thể để cảnh học sinh đi học vài ngày, có ca nhiễm lại phải nghỉ. Cha mẹ cũng nghỉ làm chăm sóc con. 

Theo thống kê của Bộ Y tế số ca mắc mới Covid-19, bệnh nhân nặng đang gia tăng; Số ca mắc Covid-19 trung bình tuần qua là hơn 100.000 ca/ngày; Hơn 4.200 bệnh nhân nặng đang điều trị;...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ