Người học nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp “lạ”

GD&TĐ - Người học nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp “lạ”, vì thực tiễn nhiều chục năm qua của giáo dục Việt Nam đã chứng minh sự hợp lý của tổ hợp đối với từng khối ngành, đặc biệt là những khối ngành đòi hỏi kiến thức đặc thù. 

Người học nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn tổ hợp “lạ”

Nếu người học vẫn lựa chọn tổ hợp phi truyền thống thì cần phải có quyết tâm cao trong quá trình học tập vì học sinh đó có xu hướng năng lực khác với hầu hết các bạn cùng lớp.

Đó là lời khuyên của TS. Trần Bá Tiến, Trưởng phòng Đào tạo của Trường đại học Vinh với thí sinh trước hiện tượng một số trường đưa ra những tổ hợp xét tuyển khiến dư luận băn khoăn trong kỳ tuyển sinh năm nay.

- Hiện nay các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, trong đó có việc tự chủ trong lựa chọn các tổ hợp xét tuyển vào từng ngành nghề đào tạo. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?

Tự chủ đại học là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay và giáo dục Việt Nam cũng đang trên con đường hướng đến tự chủ đại học. Chủ trương của Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự chủ trong việc xác định tổ hợp xét tuyển thể hiện tinh thần tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam. Đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế của Việt Nam hiện nay.

- Ông nghĩ sao khi năm nay có trường đại học đưa ra một số tổ hợp bộ môn xét tuyển khiến xã hội băn khoăn - những tổ hợp xét tuyển rất ít liên quan đến ngành đào tạo?

Việc nhiều trường đưa ra những tổ hợp bộ môn xét tuyển có thể nhìn nhận từ 2 phía. Đối với học sinh, thì việc này sẽ tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

Nhiều tổ hợp xét tuyển là thể hiện quan điểm giáo dục phổ thông toàn diện, tránh thiên lệch quá mức dẫn đến hiện tượng học sinh chỉ biết 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển mà gần như bỏ bê các khối kiến thức và kỹ năng khác vốn cũng rất cần cho cuộc sống và làm việc. Tuy nhiên sinh viên được xét tuyển theo tổ hợp phi truyền thống có thể gặp khó khăn hơn trong quá trình học tập.

Việc xét tuyển với một số tổ hợp chỉ lấy các môn xã hội cho các ngành kỹ thuật hoặc xét tuyển ngành ngoại ngữ mà không xét môn ngoại ngữ như trên có thể bất cập. Những sinh viên xét theo tổ hợp như vậy sẽ không có kiến thức nền tảng của ngành để theo kịp chương trình vốn được thiết kế theo xu hướng tổ hợp truyền thống.

Việc đưa ra quá nhiều tổ hợp xét tuyển giúp các trường đa dạng nguồn tuyển nhưng cũng gây nhiễu quá trình xét tuyển, gây tâm lý băn khoăn cho phụ huynh và học sinh! Do đó theo tôi khi phê duyệt đề án tuyển sinh của các trường Bộ GD&ĐT có thể yêu cầu các trường đảm bảo sự ổn định tương đối của công tác tuyển sinh.

- Theo ông, việc xác định tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo gây khó khăn gì cho quá trình đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo nói riêng?

Có một số ngành đặc thù cần phải có kiến thức nền tảng nhất định (ví dụ: kiến thức Toán cho ngành kỹ thuật). Nếu học sinh không có kiến thức cơ bản về môn đó sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập. Khi thiết kế chương trình đào tạo, nhà trường dựa vào hồ sơ năng lực cần hình thành cho người học.

Nếu người học yếu về môn học mà ngành đào tạo yêu cầu cần nắm vững sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập cá nhân và chất lượng đào tạo nói chung. Việc tổ chức dạy học cho lớp học phần mà trình độ sinh viên không đồng đều chức chắn sẽ có nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

- Xin cảm ơn ông!

“Tuyển sinh là phải làm sao chọn được nguời có năng lực, khả năng để học ngành đó. Nếu chọn tổ hợp không phù hợp thì rõ ràng tiêu chí tuyển chọn không đáp ứng yêu cầu so với mục tiêu tuyển chọn. Hiện nay, các trường buộc phải công khai phương án tuyển sinh. Nếu trường nào đưa ra những tổ hợp xét tuyển phi lý, tôi cho rằng, bản thân phụ huynh, người học chắc chắn sẽ nhận thấy điều đó; từ đó ảnh hưởng đến quyết định có chọn trường đó, ngành đó nữa hay không.

Theo Luật Giáo dục ĐH, các trường được quyền tự quyết phương án tuyển sinh. Điều này là đúng nhưng không phải trường nào cũng thực thi đúng quyền của mình trong tuyển sinh. Tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn cho các trường về việc xác định tổ hợp xét tuyển. Nếu đã hướng dẫn mà các trường không làm thì phải có chế tài, thậm chí cấm, không công nhận phương thức tuyển sinh như vậy”.


TS. Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Ủy viên thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hợp nhất để vượt trội

GD&TĐ - Sau hơn ba năm, ngành công nghiệp chế tạo ô tô trên thế giới lại manh nha có sự biến đổi lớn.