Nỗi niềm của cô giáo đơn thân
Cô giáo Hà Thị Mai (37 tuổi, ở thị trấn Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa) là mẹ đơn thân, có con trai vừa tốt nghiệp THPT và 1 con gái học lớp 7.
Đầu tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa ký quyết định điều động cô Hà Thị Mai (Giáo viên Trường Mầm non Nam Xuân) đến nhận công tác tại Trường Mầm non Phú Sơn.
Sau khi nhận được quyết định điều động công tác, cô Mai phải xin chuyển trường cho con gái mình lên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) - THCS Phú Sơn, để tiện bề chăm sóc con.
"Từ nhà tôi đến Trường Mầm non Phú Sơn gần 30km. Vì vậy, để thi hành quyết định của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, tôi phải xin chuyển con gái từ Trường THCS Hồi Xuân lên học ở Trường PTDTBT - THCS Phú Sơn. Bởi lẽ, do sức khỏe hạn chế, tôi không tự đi xe máy một ngày 2 chiều được, mà phải đi xe khách. Vì vậy, không còn cách nào khác là đưa con gái cùng lên xã Phú Sơn.
Cũng may, khi lên đây công tác, mẹ con tôi được thầy Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Phú Sơn thương tình cho mượn phòng trọ tại khu nhà công vụ đang bỏ hoang của trường.
Dãy nhà này ở sát với Trường Mầm non, nên được Hiệu trưởng tạo điều kiện cho tôi nhờ điện sinh hoạt, còn nước sạch thì Trường Tiểu học Phú Sơn cho tôi sử dụng nhờ để tắm giặt hằng ngày", cô Mai nói.
Đến thăm khu nhà công vụ này, chúng tôi thấy đây là một dãy nhà bỏ hoang, không có điện, nước sinh hoạt. Hệ thống cửa chính, cửa phụ cũng đã xuống cấp. Bếp nấu ăn, khu vệ sinh cũng chưa thể sử dụng ngay được.
Trong căn phòng nhỏ, cô Mai mới mua sắm được 1 chiếc giường và tủ đựng quần áo.
Cô Hà Thị Mai lên lớp dạy trẻ ở Trường Mầm non Phú Sơn (Quan Hóa). (Ảnh: Hồng Đức) |
"Để có chỗ ở cho 2 mẹ con, tôi đang phải thuê người sửa chữa hệ thống điện sinh hoạt và nước sạch. Từ hôm lên đây, 2 mẹ con đang ăn uống và tắm giặt nhờ ở nhà bác Nhung (Hiệu trưởng). Tối đến, 2 mẹ con về ngủ ở dãy nhà công vụ", cô Mai cho hay.
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, nữ giáo viên đơn thân này không cầm được nước mắt, cô kể: “Một mình nuôi 2 đứa con, với đồng lương hàng tháng hiện nay được 6.340.000 đồng. Mỗi tháng, tôi phải trừ nợ ngân hàng vay để làm nhà ở, hết 4.592.000 đồng. Còn lại 1.748.000 đồng để chi tiêu và lo cho 2 đứa con. Vì thế, tôi phải chạy vạy, rồi nuôi thêm con gà, con lợn để kiếm thêm thu nhập và trang trải cho cuộc sống của 3 mẹ con”.
Theo cô Mai nhẩm tính, với cung đường từ nhà ở khu 3, thị trấn Hồi Xuân đến Trường Mầm non Phú Sơn gần 30km. Nếu cô đi được xe máy 2 chiều trong ngày, thì cũng mất khoảng 40.000 đồng tiền xăng mỗi ngày. Mỗi tháng đi làm 20 ngày, coi như chi phí tiền xăng xe khoảng gần 1 triệu đồng.
“Hơn nữa, năm 2015, khi đang làm việc tại Trường Mầm non Hiền Chung, tôi bị tai nạn lao động máy xay thịt nghiền đứt hai đốt ngón tay của bàn tay phải, nên việc đi lại bằng xe máy rất khó khăn. Do đó, tôi đành phải đi xe khách và ở lại đến cuối tuần mới về nhà 1 lần”, cô Mai cho biết.
Điều chuyển giáo viên có nhân văn?
Cùng nhận quyết định điều chuyển công tác với cô Hà Thị Mai, có cô giáo Hà Thị Đua, cũng là giáo viên Trường Mầm non Nam Xuân.
Cô Hà Thị Đua, quê ở xã Nam Xuân.
Trước đây, cô giáo này đã từng được điều động đi "chia khó" ở Trường Mầm non Nam Tiến, sau đó được điều động về Trường Mầm non Nam Xuân. Giờ đây, cô Đua lại tiếp tục nhận quyết định điều chuyển công tác lên Trường Mầm non Nam Tiến.
Sau khi nhận quyết định điều chuyển công tác, 2 nữ giáo viên này không chống đối, mà thực hiện nghiêm việc điều động của cấp trên.
Tuy nhiên, sau đó 2 cô giáo đã làm đơn đề nghị Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa giải thích rõ lý do vì sao lại điều chuyển công tác đối với họ.
Bởi lẽ, 2 cô nhận thấy việc điều động viên chức của Chủ tịch UBND huyện không minh bạch, không công bằng và có dấu hiệu mang tính trù dập cá nhân, vì 2 cô đã từng được điều động trước đây.
Trong khi đó, tại Trường Mầm non Nam Xuân, đang có tới 5 cô giáo vào ngành cùng thời điểm với cô Đua, nhưng huyện chưa điều động họ đi trường vùng khó lần nào.
Cô giáo Hà Thị Mai cho rằng, việc điều động viên chức năm học 2023 - 2024 của Chủ tịch UBND huyện đối với cô, là không theo thứ tự.
Bởi, trước khi nhận quyết định điều động, Trường Mầm non Nam Xuân không thực hiện thành lập hội đồng bình xét các trường hợp phải điều động khi dôi dư giáo viên theo Quyết định số 9656/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Quyết định điều động viên chức của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa. (Ảnh: Hồng Đức) |
“Tính từ 17/12/2012 cho đến nay, công tác trong ngành Giáo dục được hơn 10 năm, mà tôi đã được sự điều động của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa 3 lần.
Đối với 2 lần điều động trước, tôi không có ý kiến gì, nhưng lần điều động lần này tôi nhận thấy không phù hợp, không minh bạch, khách quan, công bằng, nên phải có ý kiến lên cấp trên, để được yên tâm công tác”, cô Mai nói.
Bà Cao Thị Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Nam Xuân (thời điểm Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa ban hành quyết định điều động 2 giáo viên Hà Thị Đua, Hà Thị Mai - PV), khẳng định, theo kế hoạch năm học 2023 - 2024, nhà trường có dôi dư 2 giáo viên.
“Nhà trường có lập danh sách những giáo viên của trường chưa được điều động lần nào và gửi về UBND huyện. Trong đó, có cả tên của cô Hà Thị Đua và Hà Thị Mai, là 2 giáo viên đã từng được điều động đi trước kia. Còn việc Chủ tịch UBND huyện điều động người nào, nhà trường chỉ biết thực hiện thôi”, bà Hương nói.
Trả lời PV Báo GD&TĐ, lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Quan Hóa cho rằng, việc tổng hợp, tham mưu để Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa ký quyết định điều động 2 giáo viên nêu trên, là do sự bàn bạc, thống nhất của lãnh đạo UBND huyện.
Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa, cũng thừa nhận Trường Mầm non Nam Xuân dôi dư 2 giáo viên.
Theo tìm hiểu, việc điều động, luân chuyển giáo viên trong hệ thống trường học ở Thanh Hóa cần mang tính ổn định, phát triển; xét đến yếu tố hợp lý hóa gia đình đối với giáo viên được điều động; tạo điều kiện cho giáo viên yên tâm công tác, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục từ nhà trường.
Tuy nhiên, việc điều động, luân chuyển 2 giáo viên mầm non của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa nêu trên khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đã thấu tình, đạt lý và mang tính nhân văn hay chưa?