Điều đặc biệt của nữ sinh lớp 6 viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh

GD&TĐ - Đang học lớp 6 Trường quốc tế Dewey Tây Hồ Tây (Hà Nội), Nguyễn Khánh Chi vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay “Magic Runs Wild” bằng tiếng Anh.

Tác giả nhí Nguyễn Khánh Chi bên tiểu thuyết đầu tay “Magic Runs Wild”. Ảnh: NVCC
Tác giả nhí Nguyễn Khánh Chi bên tiểu thuyết đầu tay “Magic Runs Wild”. Ảnh: NVCC

Thành quả ngọt ngào

Cuốn sách “Magic Runs Wild” (Phép thuật hoang dại) dày hơn 100 trang của tác giả Kaitlyn Nguyen - tên thật là Nguyễn Khánh Chi được Nhà xuất bản Ukiyoto tại Canada phát hành toàn cầu vào cuối tháng 9 vừa qua. Tác phẩm này cũng được đăng tải trên các kênh phát hành sách quốc tế khác như: Google book, Library wala.

Nội dung cuốn tiểu thuyết xoay quanh một ngôi trường của những nàng tiên - nơi học sinh được phân vào các nhà khác nhau theo khả năng phép thuật của họ: Nước, Lửa, Thiên nhiên, Băng, Bóng tối và Ánh sáng.

Hai nhân vật chính gồm Lysandra và Isadora là học sinh mới được lựa chọn vào nhà Ánh sáng. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân và cùng trải qua nhiều mâu thuẫn với các bạn khác trong quá trình học tập. Khi ngôi trường gặp biến cố, Lysandra và Isadora đã bất chấp quy định, dùng tất cả khả năng để bảo vệ sự an toàn cho trường học.

Khánh Chi tâm sự, em được truyền cảm hứng từ tình yêu dành cho những câu chuyện phép thuật, đặc biệt là Harry Potter. “Chính điều đó đã khơi dậy trí tưởng tượng của em. Em muốn tạo ra một thế giới của riêng mình, nơi phép thuật tự do diễn ra và các nhân vật phải đối mặt với những thử thách thú vị. Quá trình xây dựng thế giới đó và phát triển các nhân vật đã thúc đẩy em tiếp tục viết và đưa Magic Runs Wild vào cuộc sống”, nữ tác giả nhí vui vẻ nói.

Khánh Chi muốn cho độc giả thấy rằng, ngay cả khi chúng ta có tài năng đặc biệt hay phải đối mặt với những thử thách lớn, điều thực sự quan trọng là cách sử dụng điểm mạnh để giúp đỡ người khác và thành thật với chính mình. Đó là sự trưởng thành và tầm quan trọng của lòng tốt. Nó cũng cho thấy vai trò của tình bạn và lòng dũng cảm trong thời điểm khó khăn.

Với một cô học trò mới 11 tuổi, hành trình sáng tác “Magic Runs Wild” cũng không kém phần thú vị và thử thách. Một trong những thách thức lớn nhất mà Khánh Chi phải đối mặt là thiếu ý tưởng để viết, bởi đôi khi em không biết nên viết gì tiếp theo hay câu chuyện sẽ tiếp tục theo hướng nào. Dù vậy, Khánh Chi chưa từng gặp khó khăn về mặt từ vựng hay ngữ pháp, mà cảm thấy khá thoải mái khi viết bằng tiếng Anh.

Khi tiểu thuyết đầu tay được xuất bản và phát hành toàn cầu, Khánh Chi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào, bởi đây là điều nữ sinh này chưa bao giờ nghĩ đến. “Thật thú vị khi biết rằng độc giả trên toàn thế giới sẽ trải nghiệm câu chuyện của em theo cách riêng của họ. Trên hết, em muốn gửi lời cảm ơn tới gia đình và những người đã giúp đỡ em trong suốt chặng đường vừa qua”, Khánh Chi bày tỏ.

dieu-dac-biet-cua-nu-sinh-lop-6-viet-tieu-thuyet-bang-tieng-anh-2-3583.jpg
Nhà văn Kiều Bích Hậu (phải) tặng hoa chúc mừng Khánh Chi khi tác phẩm đầu tay được xuất bản toàn cầu. Ảnh: NVCC

Tạo động lực để bước tiếp

Chia sẻ về con gái của mình, ông Nguyễn Tiến Thắng cho hay, ngay từ khi còn nhỏ, vào buổi tối trước khi đi ngủ, Chi đều có thói quen viết lên tấm bảng trắng trong phòng mẩu truyện ngắn bằng tiếng Anh. Không chỉ có đam mê viết lách, Khánh Chi còn yêu thích đọc sách, vẽ tranh và múa ba lê.

Khánh Chi thường đọc sách lịch sử, truyện giả tưởng và kinh dị. Những cuốn sách này góp phần truyền cảm hứng cho tác phẩm, giúp em có nhiều ý tưởng mới. Âm nhạc tạo nên cảm xúc cho những buổi sáng tác, vẽ tranh giúp em hình dung rõ nét hơn về các nhân vật cũng như bối cảnh.

“Ở gia đình hay trên lớp, con đều thể hiện khả năng và niềm đam mê mãnh liệt với những con chữ, đặc biệt là tiếng Anh. Bố mẹ không tạo áp lực hay kỳ vọng quá lớn, chủ yếu để con tự do phát triển theo năng lực, sở thích để tự định hình con đường sự nghiệp trong tương lai. Gia đình luôn yêu thương, tạo mọi điều kiện cho con thỏa sức đam mê của mình”, ông Thắng chia sẻ.

dieu-dac-biet-cua-nu-sinh-lop-6-viet-tieu-thuyet-bang-tieng-anh-1-5520.jpg
Khánh Chi cùng anh trai. Ảnh: NVCC

Mẹ của Khánh Chi cũng bộc bạch, biết sở thích của con nên gia đình đã mua khá nhiều sách cho Chi và anh trai. Từ năm lớp 4, thấy con gái đọc truyện “Harry Potter” nhiều cuốn liền và luyện khả năng viết trên máy tính, mẹ chỉ động viên con chứ không kỳ vọng nhiều bởi Khánh Chi là một cô bé có tính cách hướng nội nhiều hơn.

Từ tháng 4 năm nay, Khánh Chi bắt đầu viết tiểu thuyết “Magic Runs Wild” tranh thủ vào buổi tối các ngày cuối tuần do phải cân đối thời gian học trên lớp. Trong tháng 6 và 7 khi được nghỉ hè, nữ sinh dành nhiều thời gian để tập trung hoàn thành tác phẩm này với rất nhiều tâm huyết và niềm đam mê.

Theo đại diện gia đình, dù đam mê viết văn nhưng mục tiêu sau này của nữ sinh Nguyễn Khánh Chi vẫn muốn theo nghề luật sư để bảo vệ, hỗ trợ về pháp lý cho người yếu thế trong xã hội. Trong thời gian tới, Chi tiếp tục ấp ủ để cho ra đời thêm nhiều tác phẩm hay, phục vụ độc giả.

Với vai trò người kết nối tiểu thuyết “Magic Runs Wild” đến với nhà xuất bản quốc tế - nhà văn Kiều Bích Hậu cho rằng: “Với một cô bé mới 11 tuổi, đam mê viết văn, lại viết bằng tiếng Anh, vốn từ đa dạng, ít bị lỗi ngữ pháp như Khánh Chi thực sự rất hiếm. Chi được học ở môi trường quốc tế nên có nhiều lợi thế khi giao tiếp thường xuyên bằng tiếng Anh và cũng là một hình thức du học tại chỗ, đem lại nhiều giá trị”.

Nữ nhà văn đánh giá, đây là một tác phẩm hấp dẫn khi đưa người đọc vào hành trình kỳ diệu của tình bạn, lòng can đảm, giúp kích thích trí tưởng tượng của lứa tuổi học sinh. Trong tiểu thuyết này, các câu văn được tác giả diễn đạt tốt, những chi tiết miêu tả cũng được thực hiện rất tỉ mỉ và sáng tạo. Điều này là minh chứng cho thấy Khánh Chi là một tài năng viết văn từ nhỏ.

“Khánh Chi mới chỉ học lớp 6, viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh khá trôi chảy là một điều rất đáng mừng. Điều này giúp tác giả có thể diễn đạt được hết ý tưởng của mình vào tác phẩm mà không cần phải dịch khi xuất bản ra nước ngoài. Em có đầy đủ tố chất trở thành công dân toàn cầu. Đây là tín hiệu tích cực để những tác giả, tác phẩm hay của Việt Nam tự tin bước ra văn đàn thế giới”, nhà văn Kiều Bích Hậu bày tỏ.

Thầy Michael Leonard - giáo viên chủ nhiệm lớp 6 Manchester Trường quốc tế Dewey Tây Hồ Tây nhận xét, Khánh Chi khá trầm tính, ít nói nhưng lại rất giỏi quan sát. Khi cảm thấy thoải mái, cô bé có một trí tưởng tượng vô cùng tuyệt vời và có rất nhiều ý tưởng hay. Thầy giáo nhận thấy, viết lách là cách để cô bé bộc lộ suy nghĩ nội tâm và những ý tưởng ẩn sâu bên trong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.