1. Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Trải qua hơn 600 năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, Thành nhà Hồ vừa là một biểu tượng vương quyền, vừa là một kiệt tác xây dựng, cũng lại là nơi chứa đựng nhiều bí ẩn. Trong đó phải kể đến kỹ thuật xây thành, đôi rồng đá bị mất đầu và ngôi mộ táng khổng lồ ở đàn tế Nam Giao…
Cho tới nay, Thành nhà Hồ vẫn là công trình kiến trúc bằng đá độc nhất vô nhị tại Việt Nam. Thành được Hồ Quý Ly cho xây vào mùa xuân năm 1397, còn gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, Hà Nội). Nơi đây từng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa vào cuối triều Trần và kinh đô của nước Đại Ngu trong khoảng 7 năm, từ 1400 - 1407.
Người được cho là đã xác định vị trí xây dựng Thành nhà Hồ là Thượng thư Bộ Lại kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh. Vị trí ngôi thành được cho là nhằm chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến lâu dài chống nguy cơ xâm lược từ phương Bắc.
Với mục đích ấy, ngôi thành tọa lạc tại một địa thế hiểm yếu, có đường đi từ Bắc vào Nam và sang Lào. Xung quanh được án ngữ bởi nhiều ngọn núi cao, hai mặt Nam -Bắc có sông Mã và sông Bưởi chảy qua để bảo vệ trước những cuộc tấn công đến từ bên ngoài.
Cũng như các tòa thành khác thời bấy giờ, Thành nhà Hồ gồm 3 bộ phận, La thành, Hào thành và Hoàng thành. Hoàng thành là công trình đồ sộ nhất, toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá xanh, đục đẽo vuông vức, xếp chồng khít lên nhau.
Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6 mét, ước nặng 20 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu.
Thời gian trôi qua, cho dù tòa thành đá vô cùng kiên cố thì ngày nay người ta cũng không còn được chiêm ngưỡng điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ, Đông cung, Tây Thái Miếu, Đông Thái Miếu... Tất cả mơ hồ trong màn sương mù thời gian càng gợi nỗi u hoài cho người đời sau.
Tương tự những tòa tháp Chăm, người đời sau lấy làm ngạc nhiên khi giữa các phiến đá xây thành không có bất kỳ chất kết dính nào, trong khi theo giới khoa học nó có thể chịu đựng nổi nhiều tác động của địa chấn, kể cả bom đạn.
Sử sách ghi lại, tòa thành xây dựng chỉ vỏn vẹn 3 tháng (từ tháng 1/1397 - 3/1397). Nhưng theo các chuyên gia xây dựng, khoảng thời gian ngắn ngủi đó không thể nào có thể dựng được một tòa thành đá đồ sộ như Thành nhà Hồ.
Vậy thì người xưa xây thành như thế nào? Đó là một câu hỏi tới nay vẫn có câu trả lời. Kể cả kết quả khảo cổ học mới nhất thì cũng chỉ là giả thuyết.
2. Trong lần khai quật mới đây, các nhà khoa học thực hiện cắt tường thành phía Đông - Bắc Thành nhà Hồ. Tổng diện tích các hố đào rộng 400m2, nhằm mục đích làm rõ hơn về kỹ thuật gia cố lớp đất đắp trên tường thành, lớp móng, nền gia cố chân tường thành.
Di vật đặc trưng tìm thấy gồm các loại hình vật liệu gạch vồ đỏ, xám thời Lê, gạch chữ nhật đỏ thời Lý - Trần - Hồ, ngói phẳng thời Trần, ngói cong lòng máng thời Lê và nhiều mảnh sành, sứ thời Trần - Lê.
Tiến sâu vào khu vực bề mặt tường thành, tìm thấy lớp vật liệu sỏi cuội và đất sét đầm, đây là lớp gia cố phía trên, độ rộng tường từ 8,5 - 9m với kỹ thuật đầm, lèn sỏi cuội và đất sét thành 29 lớp, dày 1,7m kiên cố.
Theo TS Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ thì đặc trưng đầm tường thành thể hiện với kết cấu sỏi cuội, sét vàng, đỏ, xám xanh và sạn cát hạt thô, kỹ thuật đầm tạo lớp rõ, kết cấu các lớp chắc chắn, chặt.
Người ta cũng tìm thấy lớp dăm đá kích thước nhỏ, trung bình từ 1cm - 1,5cm, màu xanh thẫm, cạnh sắc, lớp dăm phủ kín toàn bộ bề mặt nền đá tạo độ kết dính bền chặt, độ dày trung bình 7 - 10cm và hệ thống đá tảng, đá khối kích thước lớn xếp tạo nền gia cố. Kích thước móng tường thành rộng 2,5m, dày 1,15 - 1,2m với 5 lớp đá khối kích thước nhỏ và trung bình gia cố vô cùng công phu.
Còn theo PGS.TS Tống Trung Tín - Viện Khảo cổ học Việt Nam thì từ xưa tới nay chưa bao giờ có cuộc nghiên cứu kỹ thuật xây đắp toà thành nào được thực hiện.
Kể cả thời kỳ chuyên gia nổi tiếng người Pháp Louis Berzacier chuyên nghiên cứu về kiến trúc Đông Dương hiểu rất sâu về Thành nhà Hồ nhưng ông chưa có đợt khai quật nào đào vào giữa toà thành để hiểu tường tận về kỹ thuật. Và như vậy, muốn trả lời câu hỏi về kỹ thuật xây Thành nhà Hồ thì rất cần một cuộc khai quật công phu, nhưng không phải lúc nào muốn đào cũng được bởi vì di sản hiện nay rất hoàn chỉnh.
Cách đây chưa lâu có hỏng trên lớp mặt thành là bởi trước đó người dân lấy khá nhiều đá, khiến mưa gió xói dần, mất điểm tựa vào nhau mới sụt, lở.
Ông Tín cho rằng, việc đầu tiên cần bù lại những lớp đất đã mất bằng đúng kỹ thuật, loại đất sét trộn sỏi để nhồi cho đầy đủ, đúng độ cao nguyên trạng của tòa thành. Có nghĩa là phải khôi phục lại toàn bộ các điểm thành bị sụt lở nhằm đảm bảo độ kiên cố, vững chắc như nguyên thuỷ.
3. Cùng với bí mật về kỹ thuật xây thành thì đôi rồng đá mất đầu cũng là câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng. Nằm ở trung tâm tòa thành, hai con rồng mất đầu nằm song song hai bên đường đi xuyên qua thành nối từ cổng Nam lên cổng Bắc.
Nhà Hồ thất thủ, đôi rồng đá mất tích bí ẩn. Năm 1938, tượng rồng đầu tiên được một nông dân phát hiện khi đang cày ruộng trong thành. Cho rằng đã là tượng rồng ở cung vua thì nhất thiết phải có cặp nên các chức dịch trong làng đã cho đào bới khắp vùng mới tìm được tượng rồng đá thứ hai.
Cặp rồng được chạm khắc rất tỉ mỉ. Thân rồng thon nhỏ dần về phía đuôi, uốn 7 khúc, phủ kín vảy. Rồng có 4 chân, mỗi chân 3 móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng hiện đã bị mất nhưng vẫn còn phần bờm dài lượn 9 nếp.
Vậy, ai đã chặt đầu rồng? Chặt với mục đích gì? Đầu rồng hiện trôi dạt phương nào? Theo TS Phạm Văn Đấu (Hội Sử học Thanh Hoá), sử cũ không ghi chép cũng không ai biết đôi rồng đá bị mất đầu từ bao giờ, nhưng giả thiết sau khi xâm lược nước ta, quân Minh cho chặt đầu rồng mang về báo công được nhiều người chấp nhận.