Dù đạt chuẩn trình độ đào tạo và hàng chục năm đứng trên bục giảng nhưng nhiều giáo viên vẫn lo ngại mất cơ hội tăng lương vì khó đáp ứng quy định về số năm có bằng đại học.
Vẫn còn băn khoăn
Ngày 14/4, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số: 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư số 01 – 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (Thông tư 08). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5.
Sau khi Thông tư 08 có hiệu lực, Trường Tiểu học Đông Phương (Đông Hưng, Thái Bình) đã làm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên hạng III lên hạng II. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Hiền cho biết, có 7 hồ sơ gửi lên Phòng Nội vụ và đều được xét duyệt thông qua.
“Huyện không yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học đủ 9 năm mà chỉ yêu cầu thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 9 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến thời hạn nộp hồ sơ” – cô Hiền cho hay.
Tuy nhiên, mới đây Báo Giáo dục & Thời đại nhận được thư của thầy giáo Nguyễn Tiếp ở Hà Nội, có địa chỉ (khanhthuong*** @gmail.com). Trong thư thầy Tiếp phản ánh, là viên chức giáo dục từ năm 2005 và có mã chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (V.07.03.29). Năm 2018, thầy học đại học và đến năm 2020 thầy nhận bằng cử nhân.
“Vừa rồi, phòng GD&ĐT yêu cầu lập danh sách những người có đủ điều kiện để tổ chức thăng hạng II nhưng hồ sơ của tôi không được duyệt. Lý do là, tôi có bằng đại học nhưng chưa đủ 9 năm tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ” – thầy Tiếp phản ánh, đồng thời cho rằng, quy định này khiến thầy và nhiều đồng nghiệp bị thiệt thòi dù đã nhiều năm đứng trên bục giảng.
Dù chưa nhận được ý kiến nào phản ánh về bất cập trong việc xét, thi thăng hạng giáo viên nhưng bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - cho hay, qua trao đổi với một số thầy, cô giáo, nhiều người có thâm niên công tác nhưng họ mới có bằng đại học cách đây vài ba năm.
Vì thế, nếu quy định cứng phải có bằng đại học từ đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ, vô hình trung sẽ gây thiệt thòi cho giáo viên khi làm hồ sơ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Sẽ có văn bản hướng dẫn
Mới đây, hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã kiến nghị, quy định tại Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT đã khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến. Trong đó, có những giáo viên 28 năm làm nghề, chờ gần 9 năm để nhận lương bậc đại học vẫn “hụt” vì thiếu 2 tháng. Nếu chờ tiếp, có những giáo viên đến tuổi nghỉ hưu cũng không còn cơ hội tăng lương.
Ảnh minh hoạ/ INT |
Đồng quan điểm, ông Đào Đức Tuấn – Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định - cho hay, chưa triển khai tổ chức, thi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình, nếu quy định giáo viên phải có bằng đại học 9 năm tính đến hết thời điểm nộp hồ sơ thì sẽ có nhiều thầy/cô không đáp ứng tiêu chuẩn này, dù họ có thâm niên đến hàng chục năm trong nghề.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định phân tích, theo lộ trình nâng chuẩn, đến năm 2030, 100% giáo viên mầm non, tiểu học, THCS phải đạt chuẩn trình độ chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019. Vì thế, có thể nhiều giáo viên mới có bằng cử nhân cách đây ít năm hoặc vẫn đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn theo lộ trình.
“Chỉ nên yêu cầu giáo viên có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 9 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng. Không nên yêu cầu về số năm có bằng đại học” - ông Đào Đức Tuấn đề xuất.
Trước ý kiến của nhiều giáo viên về việc lo mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến, TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết, Cục đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn các địa phương, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tốt nhất của giáo viên. Dự kiến trong tuần này sẽ phát hành văn bản này để các địa phương có cơ sở thực hiện và thầy, cô giáo yên tâm công tác.
TS Vũ Minh Đức trao đổi, theo dự thảo văn bản nói trên, những ai trước đây đã đủ tiêu chuẩn sẽ tiếp tục được giữ nguyên chuẩn. Quy trình ban hành văn bản phải trên cơ sở thống nhất ý kiến của Bộ Nội vụ quy định. Cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành văn bản cũng bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật khác nên nhiều điều Bộ GD&ĐT mong muốn nhưng chưa thực hiện được, ví như lương, phụ cấp cho nhà giáo.
Đặc biệt, trong quá trình ban hành văn bản, có thể cơ quan quản lý không lường trước các tình huống xảy ra trong thực tiễn. Chẳng hạn, có thầy cô không được thi tuyển hoặc thi tuyển nhưng không đỗ… Khi phát hiện những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong thực tiễn, cần điều chỉnh ngay, đảm bảo phù hợp với khách quan và quyền lợi chính đáng của giáo viên.
“Với tinh thần cầu thị và mong muốn những gì tốt nhất cho giáo viên nên trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có tình huống phát sinh, chúng tôi sẽ tiếp thu và tiếp tục điều chỉnh để chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Đây là việc hết sức bình thường” - TS Vũ Minh Đức bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh, việc điều chỉnh sẽ trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tối đa cho đội ngũ giáo viên nên mong giáo viên yên tâm công tác.
Nhiều giáo viên kiến nghị, Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh Thông tư 08 theo hướng: Yêu cầu giáo viên có bằng đại học 1 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng và có đủ 9 năm giữ hạng tương đương hạng III được nộp hồ sơ dự thăng hạng bổ sung trong đợt này.