Điều chỉnh hài hòa giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ

Ảnh minh họa/ineternet
Ảnh minh họa/ineternet

Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 (Thông tư 22), trong đó kế thừa, phát huy những ưu điểm và khắc phục những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện Thông tư 30.

Sau 2 năm học triển khai Thông tư 22, năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn công tác thực tế tại các tỉnh/thành trên cả nước nhằm khảo sát việc thực hiện Thông tư 22 và tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết, đánh giá việc triển khai Thông tư 22. Tại Hội nghị, các cán bộ quản lý và giáo viên đại diện cho các địa phương đã khẳng định những điểm điều chỉnh trong Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học là phù hợp với thực tế dạy học ở nhà trường tiểu học, cụ thể là:

Lượng hóa đánh giá thường xuyên thành các mức: "Hoàn thành tốt", "Hoàn thành", "Chưa hoàn thành" đối với từng môn học và hoạt động giáo dục; "Tốt", "Đạt", "Cần cố gắng" đối với từng năng lực, phẩm chất tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kỳ.

Điều này cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập và sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện, từ đó có những biện pháp giúp học sinh khắc phục hạn chế, phát huy tính tích cực và ngày một tiến bộ hơn.

Đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc có bài kiểm tra định kỳ được chấm điểm theo thang 10 điểm. Đề bài kiểm tra định kỳ phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, gồm các câu hỏi, bài tập thiết kế theo 4 mức để đo chính xác và tường minh mức độ nhận thức của học sinh.

Thêm bài kiểm tra định kỳ môn Toán, Tiếng Việt lớp 4, lớp 5 vào giữa học kỳ I và học kỳ II để học sinh quen dần với việc được chấm điểm và bắt nhịp với cách chấm điểm thường xuyên ở cấp THCS.

Như vậy, sự điều chỉnh hài hòa giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, lượng hóa đánh giá thường xuyên, cho điểm đối với bài kiểm tra định kỳ,... trong Thông tư 22 đã dần đi vào cuộc sống; góp phần khắc phục được hạn chế trong Thông tư 30; làm rõ các tiêu chí đánh giá trong các nội dung và cách thức đánh giá có phần còn chưa rõ ràng trong Thông tư 30. Từ đó, cha mẹ học sinh nắm bắt kịp thời mức độ học tập, rèn luyện của con em mình để phối hợp với nhà trường có các biện pháp giáo dục học sinh tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.