Điều chế thành công vắc xin cúm mùa và cúm A/H5N1: Việt Nam sẵn sàng ứng phó với đại dịch

GD&TĐ - Cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm có khả năng đe dọa lớn đối với con người. Không những gây bất lợi về mặt sức khỏe cho người dân, khi thay đổi thành chủng độc lực cao virus cúm để lại hậu quả khó lường. Câu chuyện mà Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế chia sẻ giúp chúng ta phần nào hình dung được quá trình điều chế vắc xin cùng những thử thách mà ông và đồng nghiệp trải qua.  

Điều chế vắc xin từ trứng gà sạch đã kiểm soát được dịch bệnh
Điều chế vắc xin từ trứng gà sạch đã kiểm soát được dịch bệnh

Mầm bệnh truyền nhiễm đáng sợ

Hàng năm có khoảng một tỷ người trên thế giới mắc bệnh cúm, trong đó có khoảng 3 - 5 triệu người mắc bệnh nặng phải nhập viện, 290 - 650 nghìn người tử vong. Trong thế kỷ trước, nhân loại đã trải qua 4 vụ đại dịch cúm với hàng trăm triệu người mắc, hàng chục triệu người tử vong. Mỗi một đại dịch như vậy tiêu tốn khoảng 0,5% - 4,8% GDP toàn cầu.

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 1,2 đến 1,5 triệu người mắc hội chứng cúm, trong đó 20% - 30% là do virus cúm mùa (H1N1, H3N2, cúm B) gây ra. Đối với bệnh cúm A/H5N1, số ca mắc /chết ở Việt Nam từ 2003 đến tháng 12/2015 là 127/64 ca, đứng thứ 3 trên thế giới sau Ai Cập và

Indonesia. Các virus cúm gia cầm H7N9, H9N2, H5N1(x) đang hiện hữu gây bệnh lẻ tẻ trên người, nguy cơ đại dịch trong tương lai là rất có thể.

Là một trong những người có bề dày gắn bó với các công trình nghiên cứu vắc xin phòng bệnh của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Bé, Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết:

Ngay từ năm 2003 khi dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước nghiên cứu, điều chế vắc xin. Năm 2005, được sự hỗ trợ của Bộ KHCN, Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) đã thực hiện đề tài nhánh cấp Nhà nước nghiên cứu vắc xin cúm A/H5N1 bằng công nghệ trên trứng gà có phôi.

Hướng nghiên cứu này phù hợp với mục tiêu chiến lược của Tổ chức Y tế Thế giới trong Chương trình hành động toàn cầu phòng chống đại dịch cúm (GAP) thiết lập năm 2006.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Bộ Y tế, Bộ KHCN trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, những hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), PATH và Cơ quan nghiên cứu và phát triển tiên tiến về y tế (BARDA - Hoa Kỳ), IVAC đã phát triển thành công vắc xin cúm mùa 3 chủng H1N1, H3N2 và B, và vắc xin tiền đại dịch A/H5N1.

Theo Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế: “Hiện nay IVAC đang kiên trì mục tiêu phát triển bền vững bằng cách thương mại hóa vắc xin cúm mùa để duy trì và phát triển cơ sở vật chất, công nghệ, các nguồn lực khác sẵn sàng ứng phó nguy cơ đại dịch cúm, đáp ứng vắc xin cho công chúng trong một thời gian ngắn”.

Điều chế vắc xin trong phòng thí nghiệm
  • Điều chế vắc xin trong phòng thí nghiệm

Thách thức trong quá trình nghiên cứu

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Bé trải lòng: Làm công tác nghiên cứu khoa học luôn đòi hỏi sự tận tâm và cẩn trọng trong bất kỳ khâu nào, nhất là trong việc nghiên cứu và điều chế các loại vắc xin phòng bệnh. Cả ê kíp phải tuân thủ đầy đủ các quy trình từ vô trùng cho tới phòng chống sự lây nhiễm các loại virus.

Chia sẻ về công tác nghiên cứu và điều chế vắc xin, Phó Giáo sư Lê Văn Bé cho biết: Thuận lợi cơ bản là, chúng tôi có sự chuyển giao về công nghệ của Tổ chức Y tế Thế giới, sự hỗ trợ của tổ chức PATH. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu của chúng tôi vấp phải khá nhiều khó khăn, trở ngại.

Lúc đầu khi nghiên cứu chúng tôi sử dụng trứng gà lấy từ các trang trại chăn nuôi, nhưng kết quả thử nghiệm đã không thành công. Nguyên nhân là bởi trong quá trình nuôi gà, người dân đã không đảm bảo vệ sinh nên tỉ lệ nhiễm vi sinh vật ở vỏ trứng rất cao. Để khắc phục vấn đề này, chúng tôi đã phải xây dựng trang trại chăn nuôi gà riêng để kiểm soát dịch bệnh, sản xuất trứng sạch phục vụ cho quá trình nghiên cứu.

Tiếp theo, chúng tôi phải xác định và lọc tạp chất thô trong nước phôi gà, thường loại lọc được lại cho hiệu suất không cao. Chúng tôi lại phải thí nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Điều đặc biệt khó khăn tiếp theo là, một số động vật đặc thù để thử nghiệm như chồn sương ở Việt Nam không có. Vì vậy, nhóm đã gửi mẫu vắc xin cúm A/H5N1qua Mỹ để nhờ thử nghiệm.

Kết quả cho thấy, chất lượng vắc xin tốt khi thử thách trên chồn sương với chủng virus hoang dại. Điều mà chúng tôi tự hào nhất khi điều chế ra các loại vắc xin này là: Vắc xin của Việt Nam đảm bảo chất lượng cao, song giá thành lại chỉ từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (thấp hơn một nửa so với vắc xin ngoại nhập).

Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã sẵn sàng sản xuất vắc xin cúm mùa và đang chờ sự cấp phép của Bộ Y tế. “Việc chúng ta nghiên cứu thành công và sản xuất vắc xin cúm mùa sẽ đem lại những ích lợi trong cộng đồng. Đối với dân chúng, vắc xin cùm mùa H1N1, H3N2 và chủng cúm B sẽ đóng vai trò quan trọng trong phòng tránh dịch, bảo vệ sức khỏe.

Khi duy trì được sản xuất cúm mùa, chúng ta sẽ có cơ hội về nhân lực, cơ sở vật chất, quy trình để sản xuất ngăn ngừa đại dịch nếu có những biến thể mới gây dịch. Dân chúng khi đã sử dụng vắc xin cúm mùa nếu có đại dịch, có sự khuyến cáo của các cơ sở y tế họ sẽ không gặp trở ngại về tâm lý” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Bé khẳng định.

Hai loại vắc xin cúm A/H5N1 (IVACFLU-A/H5N1) và vắc xin cúm mùa (IVACFLU-S) do IVAC sản xuất đã hoàn thành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đúng quy định của Bộ Y tế và có sự giám sát chặt chẽ của các tổ chức độc lập quốc tế. Cụ thể đối với vắc xin cúm A/H5N1 do IVAC sản xuất được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 75 người trưởng thành khỏe mạnh tại Trung tâm Y tế Huyện Bến Lức (Long An) và được nghiệm thu tháng 3/2015. Tiếp theo, IVACFLU-A/H5N1 được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3 trên 930 đối tượng tuổi từ 18 - 60, tại Khánh Hòa và Hải Phòng và được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Bộ Y tế nghiệm thu vào ngày 24/8/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ