Theo một nghiên cứu mới đây, con người đầu tiên bị cảm lạnh dường như đã bị truyền bệnh từ một con lạc đà. Điều này có nghĩa là, bệnh cảm lạnh thông thường bắt nguồn từ cùng một loài động vật với loại virus chết người của Hội chứng Hô hấp Trung Đông – còn được gọi là MERS.
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Bonn, Đức đã phát hiện được khám phá bất ngờ này khi họ đang nghiên cứu về MERS. Giáo sư Christian Drosten – một thành viên của nhóm nghiên cứu – cho biết:
“Trong các cuộc điều tra về MERS này, chúng tôi đã kiểm tra virus corona cho khoảng 1.000 con lạc đà, và chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy mầm bệnh có liên quan đến loại virus cảm lạnh thông thường ở con người là HCoV – 229E nằm trong gần 6% của các trường hợp này”.
Để tìm hiểu xem liệu đây có phải chỉ là một trường hợp của loại virus tương tự trên tất cả các loài vật, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một bước so sánh phân tử của virus cảm lạnh thông thường ở lạc đà, người và dơi – loài vật vẫn được biết đến là có thể truyền bệnh cho con người. Kết quả cho thấy, virus cảm lạnh này không phải chỉ là sự tương tự ở người và lạc đà – mà ở một số thời điểm nào đó trong quá khứ, nó đã nhảy vọt từ lạc đà sang con người.
Các nhà khoa học đã lấy mẫu của virus cảm lạnh ở lạc đà và phát hiện ra rằng chúng có khả năng lây nhiễm cho con người. Nhưng các xét nghiệm cho thấy, không có mối nguy hiểm rõ ràng của một dịch bệnh cảm lạnh mới, bởi vì hệ thống miễn dịch của chúng ta đã được trang bị để chống lại nó.
Một số căn bệnh ở người được cho là ban đầu đã bị lây nhiễm từ các loài động vật khác, trước đó đã biến đổi gen một cách ngẫu nhiên để có được các đặc tính cho phép chúng có thể lây nhiễm sang con người.
Chẳng hạn như, bệnh cúm được cho là đã nhảy từ các loài chim sang người vài lần trong quá khứ. Các dịch bệnh bùng phát lúc ban đầu có thể nặng vì khi đó con người không có bất kỳ khả năng miễn dịch nào. Cuộc bùng phát dịch bệnh gọi là đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã giết chết khoảng 3-5% dân số thế giới theo ước tính.
Tuy nhiên, những virus cực kỳ nguy hiểm thường có xu hướng chết đi theo thời gian, vì chúng giết chết vật chủ quá nhanh nên đã tạo ra áp lực tiến hóa cho những căn bệnh nhẹ hơn, làm cho con người bị ốm những vẫn giữ họ còn sống để cho phép virus lây lan sang những người khác.
MERS được tìm thấy ở người lần đầu tiên vào năm 2012, căn bệnh này gây nhiễm trùng nghiêm trọng và bệnh nhân thường bị tử vong. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phát triển thành một dạng dễ lây truyền từ người sang người.
Giáo sư Drosten cho biết: “Virus MERS là một tác nhân gây bệnh rất lạ lung: nhỏ hơn, chỉ bùng phát trong một khu vực hạn chế, chẳng hạn như trong các bệnh viện. May mắn thay, loại virus này vẫn chưa thích nghi đủ với cơ thể con người, và do đó, đến bây giờ nó vẫn chưa thể lan rộng ra khắp toàn cầu”.
Tuy nhiên, ông cũng nói thêm về sự lan rộng trên toàn cầu của virus cảm lạnh cũng cho thấy khả năng một ngày nào đó MERS cũng có thể trở thành vấn đề trên toàn thế giới: “Nghiên cứu hiện nay của chúng tôi đã đưa ra cho chúng ta một dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ của một đại dịch MERS – vì MERS cũng có thể làm được những gì mà HCoV – 229 đã làm”.
Một loại vắc-xin MERS cũng đã được lên kế hoạch cho các thử nghiệm lâm sàng bắt đầu vào năm tới. Hy vọng rằng, các nhà nghiên cứu sẽ đạt được những hiểu biết rõ ràng hơn về MERS và hệ thống hoạt động của nó, khi đó họ sẽ có thể tìm được phương pháp mới để xử lý cách lây nhiễm và có những biện pháp tốt hơn để ngăn không cho nó lan rộng.
Con người cũng có thể truyền bệnh sang cho các loài khác. Các nhà khoa học cho rằng chúng ta đã truyền một loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn sang loài khi khi cho chúng ăn đậu phộng hoặc khi tiếp xúc với chúng ở Gambia.