Điều cha mẹ tuyệt đối không làm khi phát hiện trẻ có 'bí mật'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh phát hiện, con càng lớn càng xa cách và giữ bí mật với cha mẹ. Vậy thì cần làm gì khi con giữ bí mật?

Phụ huynh cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ để suy nghĩ. Ảnh minh họa
Phụ huynh cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ để suy nghĩ. Ảnh minh họa

Thông thường, khi còn nhỏ, trẻ sẽ kể hết tất cả mọi chuyện của mình cho cha mẹ nghe. Song, khi lớn hơn, sự gần gũi giữa cha mẹ và con trở thành một giá trị thiêng liêng. Đó cũng là khi nhiều phụ huynh phát hiện, con đang ngày càng xa cách và giữ bí mật với cha mẹ. Vậy thì cần làm gì khi con giữ bí mật?

Tâm sự với trẻ sẽ giúp con hiểu tình yêu của cha mẹ. Phụ huynh cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện cha mẹ đã làm khi bằng tuổi trẻ. Có như vậy, trẻ mới tin tưởng kể về chuyện học hành, tình cảm, những lo lắng, suy tư đang diễn ra.

Giai đoạn khó khăn

Khi lớn lên, trẻ em bắt đầu một quá trình xa cách mà đỉnh điểm là sau tuổi vị thành niên. Có lẽ, tuổi dậy thì là giai đoạn khó khăn nhất trong mối quan hệ cha mẹ - con. Đôi khi, bí mật mà trẻ giữ đối với cha mẹ chính là dấu hiệu đầu tiên của quá trình này.

Sự thay đổi này thậm chí có thể hơi đột ngột. Trong khi đó, việc trẻ giữ kín thông tin về một điều gì đó có thể khiến cha mẹ cảm thấy tồi tệ, không được coi trọng. Thậm chí, phụ huynh có thể nghĩ rằng, trẻ cảm thấy cha mẹ không đáng tin cậy.

Song, theo các chuyên gia, thực tế, trẻ em ở độ tuổi này đang phát triển và có sự thay đổi trong suy nghĩ. Trong quá trình đó, nhiều trẻ dần tách khỏi cha mẹ và tạo ra thế giới riêng.

Để thực sự hiểu tâm lý của trẻ và tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp, cha mẹ cần nỗ lực trong việc trao đổi với con. Bởi, sau khi bước vào thế giới nội tâm của trẻ, cha mẹ và con có thể hòa hợp với nhau hơn. Tâm sự với trẻ sẽ giúp con hiểu tình yêu của cha mẹ.

Phụ huynh cũng có thể kể cho con nghe những câu chuyện cha mẹ đã làm khi bằng tuổi trẻ. Có như vậy, trẻ mới tin tưởng kể về chuyện học hành, tình cảm, những lo lắng, suy tư đang diễn ra. Thông qua đó, cha mẹ có thể đưa ra những lời khuyên chân thành, giúp con giải quyết các khúc mắc trong cuộc sống.

Chị Mỹ Bình - phụ huynh em Minh Anh (quận Ba Đình, Hà Nội) - chia sẻ: “Tôi thấy hiếm có công thức chung nào đó để xây dựng mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con. Bởi, không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Vì vậy, một người mẹ như mình vẫn học hỏi cách làm bạn với con mỗi ngày”.

Theo phụ huynh này, để trở thành bạn của con, việc quan trọng nhất là tạo được mối liên kết mạnh mẽ.

Từ khi Minh Anh còn nhỏ, chị Bình đã thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Do đó, từ tiểu học, Minh Anh đã có thói quen viết email hằng ngày để hỏi thăm khi mẹ vắng nhà. Mỗi chiều đi học về, Minh Anh thường kể cho chị Bình nghe về một ngày đến trường của mình.

“Tôi thích dành nhiều thời gian cho con và tâm sự như hai người bạn. Tôi lắng nghe, không phán xét. Đồng thời, luôn bình tĩnh, không cáu gắt hoặc dọa nạt con trong mọi tình huống. Khi con gặp vấn đề, cha mẹ chỉ nên đưa ra lời khuyên, chứ không áp đặt giải quyết theo cách của mình”, chị Mỹ Bình kể.

Nữ phụ huynh này chia sẻ, đó cũng là một “bí quyết” để Minh Anh luôn chia sẻ mọi chuyện với chị. Do đó, chị không lo về việc con sẽ giữ bí mật và có khoảng cách với cha mẹ.

Nói về việc nếu trẻ có bí mật, chị Mỹ Bình cho rằng, cha mẹ nên tin tưởng và để con có không gian riêng.

“Giống như các bạn khác, con đang trong quá trình hoàn thiện bản thân. Ở lứa tuổi này, con có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Do vậy, việc làm bạn với con càng quan trọng. Tôi tin, chỉ cần cha mẹ duy trì thói quen chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu thì con sẽ đi đúng hướng. Khi đó, cha mẹ sẽ trở thành những người bạn thân thiết của con”, chị Bình cho biết.

Cha mẹ nên trở thành người lắng nghe tâm tư của trẻ. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên trở thành người lắng nghe tâm tư của trẻ. Ảnh minh họa.

Yếu tố tạo ra khoảng cách

Không ít phụ huynh lo lắng và buồn lòng khi phát hiện con mình có những bí mật. Thậm chí, mối quan hệ cha mẹ và con có thể trở nên ngày càng xa cách.

Theo chuyên gia trị liệu tâm lý Nguyễn Thị Lanh – Học viện Minh Trí Thành, có một số nguyên nhân khiến cha mẹ và trẻ xa cách. Đầu tiên có thể là do cha mẹ không quan tâm đến con. Đây có thể coi là nguyên nhân lớn nhất “châm ngòi” cho vấn đề.

Do sự phát triển quá nhanh của xã hội, cha mẹ vội vã và bận rộn để kiếm thu nhập cho gia đình và quên mất chăm lo, bỏ bê con. Từ đó, trẻ dần xao nhãng việc học hành, cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Càng lâu dài, trẻ sẽ ngày càng khó mở lời để chia sẻ với cha mẹ.

Lý do khác là cha mẹ không lắng nghe, luôn áp đặt suy nghĩ với con. Cha mẹ thường hay tự đặt ra mục tiêu và tiêu chuẩn mà mình mong muốn lên con. Ví dụ, con phải học giỏi, chăm ngoan, đứng thứ 2 ở lớp… Khi trẻ không đạt được yêu cầu đề ra, cha mẹ sẽ mắng, thậm chí nói những lời lẽ khó chịu, gây tổn thương con.

Yếu tố khác là cha mẹ để con sử dụng thiết bị công nghệ quá sớm. “Những món đồ này rất thông minh. Nó đáp ứng những gì con muốn và không bao giờ la mắng nên trẻ rất thích thú. Dành nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ, con dần dà sẽ phụ thuộc và không dành thời gian để chia sẻ với cha mẹ nữa”, nữ chuyên gia chia sẻ.

Quan điểm khác nhau về định hướng tương lai giữa cha mẹ và trẻ cũng có thể là một lý do. Khi còn nhỏ, trẻ thường nghe theo cha mẹ. Tuy nhiên, khi lớn hơn, ở độ tuổi thành niên, trẻ tự ý thức được mình thích gì, đam mê gì và sẽ muốn học thêm để phát triển kỹ năng, thế mạnh của mình. Song, cha mẹ lại thấy việc đó không cần thiết, chỉ muốn con học theo ý mình. Hoặc, phụ huynh và trẻ dần xa cách do cha mẹ quá quan tâm đời tư của con.

Theo bà Nguyễn Thị Lanh, bất cứ ai cũng cần có một khoảng “bí mật” riêng. Người lớn có và trẻ nhỏ cũng vậy, không muốn ai xâm phạm vào đó. Song, nghiễm nhiên các phụ huynh tự cho mình quyền kiểm soát con từ việc nhỏ nhặt nhất như: Ăn gì, mặc gì, làm gì, chơi với ai…

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho rằng, mình luôn đúng và yêu cầu con phải nghe lời. Thậm chí, cha mẹ không cho con giải thích, không quan tâm cảm xúc của trẻ. Điều đó cũng sẽ kéo dài khoảng cách yêu thương giữa con và cha mẹ.

Khi còn nhỏ, trẻ thường chia sẻ mọi chuyện với cha mẹ. Ảnh minh họa.

Khi còn nhỏ, trẻ thường chia sẻ mọi chuyện với cha mẹ. Ảnh minh họa.

Tôn trọng “khoảng trời riêng”

Để kéo gần khoảng cách với con, phụ huynh được khuyến khích cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ để suy nghĩ. Bởi, người lớn từng là trẻ em, nhưng trẻ em chưa bao giờ là người lớn. Do đó, phụ huynh không nên vội trách móc khi con làm trái ý.

Thay vào đó, cha mẹ cần bình tĩnh và nhớ lại bản thân khi bằng tuổi con bây giờ, mình cảm thấy như thế nào, hành xử ra sao? Tuổi mới lớn của ai cũng sẽ đầy bất ổn, có chút nổi loạn và luôn muốn chứng tỏ bản thân. Vì vậy, nếu thấu hiểu được tâm sinh lý của con, cha mẹ sẽ có thể dễ dàng nói chuyện và kết nối với trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tôn trọng sự riêng tư, độc lập của con. “Tâm lý chung của cha mẹ là luôn xem con mình còn nhỏ cần đến sự chăm sóc, trông coi từng li, từng tí mà quên mất rằng, trẻ đã có những ý kiến và suy nghĩ riêng”, nữ chuyên gia cho biết.

Do đó, khi có xung đột về quan điểm, cha mẹ cần đối xử với con như người đồng trang lứa, cùng thái độ tôn trọng và lịch sự. Phụ huynh cũng cần chấp nhận việc con đang lớn và cần có không gian riêng. Do đó, những xa cách nhất định với gia đình là điều không thể tránh khỏi.

Cha mẹ không nên ép buộc con phải tham gia tất cả các hoạt động của gia đình. Song, hãy cho trẻ hiểu vai trò của con trong những sự kiện trọng đại.

Phụ huynh cũng nên thay đổi cách quan tâm con. Càng lớn, trẻ có thể càng trở nên nhạy cảm. Những lời hỏi han thường ngày của cha mẹ như “Con ăn cơm chưa?”, “Hôm nay đi học thế nào?” có thể mang đầy tính tra khảo.

Con trẻ ở độ tuổi mới lớn đang là giai đoạn hình thành cái tôi mạnh mẽ, luôn vùng vẫy và muốn hướng đến sự độc lập. Sự quan tâm của cha mẹ từ những điều nhỏ nhặt nhất sẽ có thể được con xem là biểu hiện của việc không công nhận sự trưởng thành của trẻ.

Vì vậy, cha mẹ cần khéo léo hơn trong việc thể hiện sự quan tâm đến con. Thay vì những câu hỏi mà đối với con mang tính tra khảo, cha mẹ có thể biến nó thành hành động. Ví dụ, cha mẹ có thể gửi tin nhắn động viên con, hoặc chuẩn bị sẵn đồ ăn, pha cho trẻ một ly sữa và để lại lời nhắn. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể chủ động tìm hiểu sở thích của con và cùng trẻ chia sẻ về những điều con hứng thú.

“Thay vì bắt ép con làm theo những điều mình muốn, cha mẹ có thể đưa ra cho trẻ nhiều sự lựa chọn. Ở mỗi lựa chọn, hãy kiên nhẫn giải thích cho con nghe ưu và nhược điểm để trẻ tự quyết định. Hãy chuyện trò cùng con như hai người bạn, sẵn sàng lắng nghe khi trẻ nói và chủ động khơi gợi để con mở lòng”, nữ chuyên gia chia sẻ.

>>> Mời quý độc giản đón xem Bài 2: Bố mẹ nên làm gì để con có thể chia sẻ mọi bí mật của mình?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ