Cùng con chọn bạn

GD&TĐ - Trên bước đường phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi đứa trẻ, không thể không kể đến ảnh hưởng từ những người bạn. Nhiều phụ huynh đã dành quan tâm thích đáng cho việc cùng con chọn bạn để kết thân. 

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Đầu tư cho tình bạn đẹp

Qua gần một học kỳ lớp 6 của con gái, khi có dịp chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm về đứa con nhút nhát, trầm tính của mình, chị Thu Nga (quận Long Biên, Hà Nội) được biết con gái chơi thân với 2 bạn trong lớp, cùng ít nói và ngoan hiền. Bé Cẩm cũng thường xuyên “điểm danh” các bạn trong những câu chuyện kể với mẹ về tình hình trường lớp.

“Thấy con nhắc nhiều đến bạn với sự trìu mến và đầy tự hào, tôi biết các con kết thân với nhau. Bản thân tôi thường xuyên hỏi han con về các bạn, đồng thời khuyến khích con cùng các bạn thi đua học tập. Tôi cũng rất muốn gặp mặt các bạn của con để tạo sự gần gũi nhưng chưa có cơ hội”, chị Thu Nga cho hay.

Năm học lớp 7, do điều kiện gia đình nên bé Cẩm được bố mẹ cho chuyển trường, lớp 8 lại trở về học cùng các bạn lớp cũ. Tuy nhiên, không vì gián đoạn mà tình cảm của các con bị ảnh hưởng. Ngược lại, mối quan hệ càng chặt chẽ hơn với việc cập nhật tình hình học tập tại hai môi trường khác nhau.

Đến một ngày, khi nhận cuộc điện thọai của mẹ một bạn trong nhóm của con, chị Thu Nga biết thêm rằng, chuyện quan tâm đến bạn bè của con không phải của riêng chị.

Lý do cuộc điện thọai làm quen từ chị Thu Vân - phụ huynh của bạn con rất đơn giản nhưng thể hiện rõ sự quan tâm chân thành và sâu sắc: Lứa tuổi trung học cơ sở, với nhiều thay đổi về tâm sinh lý, sự dõi theo của cha mẹ vô cùng quan trọng. Tình bạn thân thiết và tốt đẹp của lứa tuổi này sẽ theo mỗi người đến lúc trưởng thành.

“Tôi nghe con gái kể nhiều về bạn Cẩm và gia đình nên muốn trò chuyện và hi vọng phụ huynh có thể kết giao để ủng hộ tình bạn của các con. Chúng ta còn cần biết nhiều hơn về con mình khi chúng lớn hơn, chia sẻ nhiều hơn với bạn thân thay vì chuyện trò cùng bố mẹ. Tôi có nhóm 7 bạn gái chơi thân với nhau từ thời học cấp hai, đến nay 7 gia đình vẫn chơi thân với nhau, tương trợ nhau trong cuộc sống, nên tôi mong con mình cũng có tình bạn đẹp như vậy”, chị Thu Vân tâm sự

Theo cô giáo Lê Thanh Thủy - người có hơn 20 năm làm công tác chủ nhiệm bậc THCS: Nhiều tình bạn đẹp bắt đầu từ những năm học cấp hai. Xu hướng chọn bạn của trẻ trong độ tuổi này đúng kiểu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” nên rất cần sự đồng hành, quan tâm của các bậc cha mẹ.

Có những nhóm bạn khiến giáo viên và phụ huynh hoàn toàn an tâm vì các con tương đồng tính cách, hỗ trợ nhau rất tốt trong học tập. Ở lứa tuổi mà sự phát triển tâm sinh lý trong giai đoạn nhiều biến động, không ít trẻ bốc đồng, a dua theo thói xấu và đi chệch hướng. Bởi vậy, khi xuất hiện những nhóm chơi có dấu hiệu bất ổn, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi ngay với phụ huynh học sinh để kịp thời điều chỉnh và định hướng các con.

Học cách để thành người bạn tốt

Danh ngôn có câu đại ý rằng “Muốn biết anh thế nào, chỉ cần xem anh chơi với ai”; “Giàu vì bạn, sang vì vợ”;… Nhiều người thành công chia sẻ rằng, bí quyết của họ đơn giản chỉ là biết “chọn bạn mà chơi”. Họ chọn chơi với những người tương đồng tính cách, giỏi hơn, có ý chí hơn… Cách chọn này không phải để lợi dụng, mà là để làm động lực tiến lên, cùng chinh phục những mục tiêu tốt đẹp trong cuộc sống.

Thực tế cho thấy, tính cách - hành vi có xu hướng lây lan. Những thói quen tốt hay xấu đều hình thành từ môi trường tương ứng.

Khi dạy con về cách chọn bạn, cha mẹ có thể minh họa bằng các mối quan hệ bạn bè của mình hay những người mà con biết. Đó sẽ là ví dụ minh họa điển hình và sinh động nhất, giúp con mau chóng có những lựa chọn theo đúng định hướng.

Hãy dạy cho con biết thế nào là một người bạn tốt và giúp con học cách để trở thành một người bạn tốt. Bố mẹ đừng quên cho con biết, cốt lõi của việc chọn bạn mà chơi là hãy chọn người mà mình có thể tin và hãy luôn tin vào người đồng hành với mình trong lúc khó khăn nhất.

Chị Thu Nga kể: Có lần tôi hỏi con, vì sao con chơi thân với nhóm bạn của mình? Lý do của con là: Thấy bạn luôn có những phản ứng giống con trong cùng một tình huống. Có đôi lần bạn lên tiếng bảo vệ con khi con chưa dám nói ra điều ấm ức của mình. Chúng con đều “không ưa” một số bạn có hành vi cư xử không chuẩn mực trong lớp…

“Bấy nhiêu lý do cũng đủ làm tôi an tâm vì con bước đầu đã chọn đúng bạn để kết thân. Những người bạn luôn khiến con có thể thổ lộ tâm tình, cùng chia sẻ niềm vui và tháo gỡ những vướng mắc, nhất định là những người khiến con cảm thấy an toàn và tin cậy. Và đó thực sự là những người bạn tốt của con. Vậy nên tôi luôn đồng hành, động viên con gìn giữ tình bạn này. Có lẽ những câu chuyện thường ngày về tình bạn mà tôi hay thủ thỉ với con đã cho con bài học kinh nghiệm để lựa chọn đúng bạn để chơi”, chị Thu Nga cho hay.

Theo chuyên gia Trịnh Trọng Dương (Công ty Giáo dục và Đào tạo True Success): Khi đã phân tích và giúp con chọn được bạn để kết thân, bố mẹ đừng quên nhấn mạnh: Với những người bạn con không thích chơi, cũng nên giữ thái độ hoà nhã và tôn trọng. Con cần biết chấp nhận người khác, chấp nhận sự khác biệt và đa dạng về con người xung quanh. Mỗi người có những thế mạnh, sở trường và kênh quan tâm không giống nhau. Những người khác ta về tính cách, quan điểm cũng có thể cho ta những bài học quý.

Đặc biệt, bố mẹ đừng quên thường xuyên nhắc nhở trẻ: Muốn có một người bạn tốt, trước tiên con cũng phải học cách để trở thành một người bạn tốt.

Chuyên gia Trịnh Trọng Dương cho rằng: Lựa chọn đã khó, gìn giữ và bồi dưỡng tình bạn đẹp càng không phải việc dễ. Cha mẹ hãy nhắc nhở con rằng, không nên đòi hỏi sự hoàn hảo từ một người khác. Đừng trách móc hay buồn nếu bạn chưa quan tâm con mà hãy chủ động chia sẻ với bạn khi con cảm thấy không vui. Bố mẹ có thể cho con mời bạn bè về nhà chơi. Tranh thủ thời gian này để tìm hiểu về bạn của con, chỉ cho con biết những ưu điểm của bạn, những điều các con nên cùng nhau hoàn thiện… Tình bạn chân thành xuất phát từ sự tôn trọng, cảm thông, chia sẻ lẫn nhau giữa con và bạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm nghiên cứu sử dụng một loại AI có tên là mạng nơ-ron sâu. Qua đó, dự đoán giá trị lỗi khúc xạ của mắt trong các lần quét võng mạc. Ảnh: INT

AI sàng lọc bệnh cận thị

GD&TĐ - Theo báo cáo 'Vision Atlas' của Cơ quan Phòng chống Mù lòa Quốc tế (IAPB), tình trạng mất thị lực dự kiến tăng tới 55% trong 30 năm tới.