Sự lo lắng của con không phải đều là lỗi của tôi nhưng một số phương pháp nuôi dạy con mà tôi từng tự hào nhất có thể vô tình khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Có giai đoạn tôi chăm sóc con quá nhiều. Khi con đi học về với những câu chuyện về những cô bạn gái xấu tính cùng lớp, những cậu bé hung hăng và những giáo viên thiếu nhạy cảm, vì quá thương con, tôi đã có một số hành động hơi thái quá.
Sau này tôi mới biết mình không nên làm như vậy. Tôi nhận ra con càng trở nên khổ sở hơn khi biết tôi đang lo lắng. Con cần tôi mạnh mẽ, nhưng thay vào đó tôi đã vô tình gửi đi thông điệp rằng lo lắng là phản ứng “đúng đắn” đối với những vấn đề của con.
Theo bản năng, tất cả chúng ta đều muốn bảo vệ con mình, nhưng hành động vội vàng đôi khi có thể làm tăng mức độ lo lắng. Sau này, tôi không đến trường của con và cố gắng giải quyết rắc rối ngay lập tức nữa. Thay vào đó, tôi ưu tiên việc giúp con tìm ra giải pháp mà con có thể tự thực hiện mà không cần sự giúp đỡ của mình.
Thi thoảng, tôi lại muốn bù đắp những điểm yếu của con. Chẳng hạn, khi thấy con bị điểm kém trong môn toán, tôi đã ngay lập tức nghĩ đến việc thuê một gia sư. Nhưng khi nhớ lại tuổi thơ của mình, tôi thấy bố mẹ không làm như vậy với tôi. Sự tự tin mà tôi có được không phải từ việc được bù đắp những điểm yếu, mà là biết cách tự khai thác những điểm mạnh của bản thân.
Không phải lúc nào con trẻ cũng có thể tránh được những điểm yếu của mình, nhưng bằng cách hướng dẫn con tập trung vào điểm mạnh, con sẽ xây dựng được sự tự tin cho mình. Thay vì thuê gia sư kèm toán cho con, tôi đã cân nhắc dành những cuối tuần để gợi ý con làm những việc mà con giỏi. Cảm giác tự tin và năng lực của con dần trở lại. Lên cấp 2, con thậm chí còn được chuyển sang lớp chuyên toán.
Sau đó, tôi không ngừng khuyến khích những giá trị tốt đẹp ở con. Tôi nghe thông tin trên mạng về việc một số thanh niên tự tử vì những sự cố mà lẽ ra không bao giờ có thể dẫn đến cái kết thương tâm như vậy.
Tôi nghĩ đến việc đôi khi con trẻ đưa ra những lựa chọn sai lầm và khi bị gia đình phát hiện, chúng thường nghĩ đến sự kết thúc. Tôi không bao giờ muốn con vướng phải những sai lầm như vậy.
Và để phòng tránh, tôi chủ động nói với con: “Mẹ biết rằng có rất nhiều điều trong cuộc sống mà con cho là giá trị và quan trọng, nhưng con nên cũng hiểu những thực tế và cám dỗ mà con sẽ phải đối mặt”. Mỗi ngày, tôi thủ thỉ với con một chút, với thái độ nhẹ nhàng, dễ chịu để con không cảm thấy lo lắng.
Con rất nhạy cảm, vì thế tôi không muốn giấu con bất cứ chuyện gì, vì càng cố giấu, con càng có xu hướng tự thổi phồng câu chuyện và rơi vào trạng thái u uất. Tôi nghĩ, không có gì sai khi mình thành thật với con về những vấn đề của mình. Ngay cả chuyện vợ chồng tôi thi thoảng không vui vẻ với nhau, con đều cảm nhận được và mong muốn được chia sẻ với tôi. Những lúc như thế, tôi luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của con. Tôi nghĩ, chia sẻ những điều khiến mình và con đang lo lắng chính là cách chúng tôi đang cùng nhau giải quyết.