Điều bố mẹ cần làm khi trẻ không nghe lời

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi trẻ không nghe lời, cha mẹ cần bình tĩnh và tìm hiểu lý do vì sao tình trạng này xảy ra.

Cha mẹ cần chú ý và lắng nghe trẻ. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần chú ý và lắng nghe trẻ. Ảnh minh họa

Trẻ trong giai đoạn 7 - 12 tuổi thường dễ bị khủng hoảng tâm lý và có khuynh hướng thích bộc lộ tính cách. Do đó, việc trẻ phản đối và không nghe lời xuất phát từ sự nhận thấy mâu thuẫn trong vấn đề, nhưng chưa biết cách làm rõ ý nghĩa với người lớn.

Khi trẻ không nghe lời, cha mẹ cần bình tĩnh và tìm hiểu lý do vì sao tình trạng này xảy ra. Cha mẹ có thể tự hỏi liệu mình có bao giờ đưa ra những lời nói, hành động khiến trẻ không nghe lời? Bởi, thực tế, không ít người nghĩ rằng, trẻ thật phiền hà và rắc rối khi làm ngược lại những điều cha mẹ muốn.

Giai đoạn dễ khủng hoảng

Ở bất cứ độ tuổi nào, trẻ cũng đều có những lúc bướng bỉnh, không nghe lời cha mẹ. Theo một nghiên cứu về sự phát triển trẻ em của TS John Sargent - bác sĩ tâm lý trẻ em, đồng thời là Giáo sư Khoa Tâm thần học và Khoa học hành vi tại Trường Đại học Y Baylor (Mỹ), trẻ ở độ 2 - 3 tuổi tranh cãi với cha mẹ từ 20 - 25 lần mỗi giờ.

“Trẻ ở độ tuổi này đang bắt đầu nhận thức được rằng, chúng có thể tự khẳng định mình. Do đó, tranh luận với cha mẹ là cách để trẻ có được sự tự tin. Nói cách khác, thế giới vẫn là một cái gì đó rộng lớn và đầy bí ẩn đối với trẻ. Vì vậy, trẻ thường cảm thấy khá bất lực khi ở trong đó. Khi đó, chống đối, ăn vạ là những phương thức giúp trẻ có được sự kiểm soát nhất định”, TS Sargent giải thích.

Hầu hết, đứa trẻ nào cũng có những suy nghĩ cơ bản như: Ai cũng nghe theo giác quan của bản thân đầu tiên, chả có lý do gì phải nghe theo lời ai cả; Những lời giáo huấn của cha mẹ chán ngắt, thậm chí cha mẹ bắt con bỏ điện thoại nhưng lại vẫn sử dụng. Đôi khi, trẻ cũng có thể nghĩ rằng, cha mẹ nhiều khi cũng làm hỏng tivi, đánh vỡ bát chứ đâu phải riêng mình… Hầu hết không có đứa trẻ nào tự khai nhận về suy nghĩ của mình như các điều trên. Song, đó lại là sự hiển nhiên nảy sinh trong đầu các bé, nhất là đối với trẻ lớn. Bởi, ở tuổi này, nhận thức của trẻ càng ngày càng có chiều sâu hơn.

Nhà tâm lý học Jean Piaget (1896 - 1980) - người đưa ra Lý thuyết Phát triển nhận thức - đã chỉ ra rằng: Trẻ trong giai đoạn 7 - 12 tuổi thường dễ bị khủng hoảng tâm lý và có khuynh hướng thích bộc lộ tính cách của mình. Biểu hiện của trẻ trong giai đoạn này là thường ra sức để giải thích đúng - sai. Do đó, việc trẻ cố phản đối và không nghe lời phụ huynh xuất phát từ sự nhận thấy mâu thuẫn trong vấn đề nhưng chưa biết cách làm rõ ý nghĩa với người lớn.

Mặt khác, phụ huynh thường ít giải thích với trẻ tại sao lại làm cái này, tại sao lại làm cái kia. Phụ huynh cũng rất ít khi giúp trẻ biết cách làm quen với những sự thay đổi mới. Ví dụ như việc trẻ chuyển từ cấp mầm non lên tiểu học. Vì thế, để giúp trẻ vượt qua được những thay đổi tâm lý ở từng giai đoạn, cha mẹ nên có động thái đảm bảo sự cân bằng trong sinh hoạt cho trẻ. Đồng thời, giải thích mọi thứ trước khi yêu cầu trẻ làm một việc nào đó.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên yên tâm một điều rằng, khủng hoảng lứa tuổi diễn ra ở hầu hết mọi đứa trẻ. Tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất khi cha mẹ giúp trẻ có những nhận thức đúng đắn trong mọi trường hợp.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không nghe lời cha mẹ. Ảnh minh họa.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không nghe lời cha mẹ. Ảnh minh họa.

“Uốn” con từ từ

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng là đất nước có nền giáo dục tuyệt vời. Đặc biệt, trẻ em Nhật Bản vô cùng nghe lời cha mẹ. Có thể nhiều người cho rằng, theo văn hóa những đứa trẻ ở Nhật Bản sinh ra đã biết nghe lời cha mẹ, tự động tuân theo những quy tắc xử sự một cách chính xác. Tuy nhiên, người Nhật có cách dạy con hết sức đặc biệt để trẻ ngoan ngoãn và có những hành vi ứng xử phù hợp khi ở nơi công cộng.

Khi con khóc ở nơi đông người, nhiều phụ huynh thường dỗ dành, ẵm con, chiều chuộng để trẻ không khóc nữa. Hay bằng cách khác, một số người mẹ lại cau mày, mắng mỏ, dọa nạt hoặc dùng biện pháp mạnh hơn như đánh con. Tuy nhiên, cha mẹ Nhật Bản lại không làm thế.

Khi con quấy khóc ở nơi công cộng, họ dường như không bận tâm về điều đó. Họ không dỗ dành và cũng không tức giận. Người Nhật để cho con khóc và không hề can thiệp. Người Nhật đặc biệt coi trọng quy tắc này nếu con đang trong khoảng 2 tuổi. Họ gọi đây là “Ma no Nisai”, tức là tuổi cáu kỉnh. Người châu Âu cũng có cụm từ tương tự là “The Terrible Two”, có thể hiểu là “Khủng hoảng tuổi lên 2”.

Trong trường hợp trẻ vứt rác nơi công cộng, nhiều phụ huynh thường mắng con, bắt con tự đi vứt. Trong khi đó, có người lại tự làm việc đó vì nghĩ con còn nhỏ, chưa biết đúng sai. Song, đối với người Nhật, khi con có hành vi không tốt ở nơi công cộng, cha mẹ sẽ đợi đến khi có không gian riêng tư mới nói chuyện với trẻ. Ở công viên, họ đưa con đến các góc yên tĩnh, hoặc nói chuyện nhỏ nhẹ với trẻ khi chúng đã lên xe ô tô của cha mẹ. Tất nhiên, dù là ở nơi riêng tư thì cũng không có bất kỳ lời quát tháo nào.

Phụ huynh Nhật Bản nói nhỏ nhẹ, khuyên giải và chia sẻ với con. Họ đồng thời chỉ cho con cách làm đúng nhất trong trường hợp đó để trẻ tự thay đổi nếu gặp lại trường hợp tương tự. Người Nhật cho rằng, việc nói chuyện với con trong những không gian riêng tư sẽ giúp trẻ thay đổi hành vi ứng xử của bé nơi công cộng.

Việc này giúp họ giữ “thể diện” cho đứa trẻ và cả cho mình. Vì thế, thay vì nổi trận lôi đình quát mắng trẻ ở chốn đông người, họ sẽ đợi đến khi có không gian riêng tư và khuyên trẻ về những hành vi mà con nên làm nơi công cộng. Cha mẹ sẽ tạo nền nếp cho những hành vi tốt và loại bỏ dần những hành vi xấu.

Cha mẹ Nhật sẽ dạy con những hành vi phù hợp và lặp đi lặp lại nhiều lần để trở thành một thói quen hằng ngày của trẻ. Thêm vào đó, nếu trẻ có những hành vi sai trái, cha mẹ sẽ nói chuyện riêng tư với con để bé thay đổi.

Ở các trường mẫu giáo Nhật Bản, các bé thường tuân theo những quy tắc chuẩn mực và sẽ thực hiện hằng ngày để trở thành thói quen. Các bài hát hay giáo dục về phẩm chất, trò chơi tích cực hoặc những hành động ứng xử đúng mực như đặt dép gọn gàng, ngồi ngay ngắn đều trở thành một nếp sống quen thuộc từ khi trẻ còn nhỏ.

Đòn roi, quát mắng không phải cách làm hiệu quả để trẻ nghe lời. Ảnh minh họa.

Đòn roi, quát mắng không phải cách làm hiệu quả để trẻ nghe lời. Ảnh minh họa.

Tìm hiểu “ngọn nguồn”

Theo chị Nghiêm Thúy - giáo viên bộ môn FasTracKids STEM tại Hệ thống Giáo dục kỹ năng sống Cara, khi trẻ không nghe lời, cha mẹ cần bình tĩnh và tìm hiểu lý do vì sao tình trạng này xảy ra. Từ đó, để mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn. Bởi, đó cũng là một kỹ năng sống giúp trẻ tự tin.

Theo nữ giáo viên này, phụ huynh cần đặt câu hỏi rằng, liệu mình có bao giờ đưa ra những lời nói, hành động khiến trẻ không nghe lời? Bởi, thực tế, không ít phụ huynh thường chỉ nghĩ rằng, trẻ thật phiền hà và rắc rối mỗi khi làm ngược lại những điều cha mẹ muốn.

Do đó, trước hết, cha mẹ cần đặt câu hỏi rằng: Mình đã thật sự là một tấm gương lắng nghe tốt? Nếu cha mẹ hay bị phân tâm khi nói chuyện với trẻ, chẳng hạn như đang dán mắt vào màn hình tivi hoặc máy tính, hay nhắn tin thì con cảm thấy không được chú ý.

Trong trường hợp này, cha mẹ không nên ngạc nhiên khi trẻ không nghe lời. Bởi, phụ huynh cần nhớ rằng, trẻ bắt chước hành động hơn là lời nói của chúng ta. Hơn hết, hành động bao giờ cũng mạnh hơn lời nói.

“Lắng nghe và tập trung luôn là một trong những kỹ năng sống trẻ em cần được chú trọng. Vì thế, trước hết cha mẹ hãy là tấm gương tốt trong việc lắng nghe để giúp con học theo”, chị Nghiêm Thúy nhấn mạnh.

Một yếu tố khác khiến trẻ không nghe lời có thể là do cha mẹ thường bắt đầu câu với “Nếu” và “Thì”. Bởi, những từ này ngăn chặn sự lắng nghe. Khi sử dụng chúng để bắt đầu nói điều gì mình muốn truyền tải với trẻ, cha mẹ thường không nhận lại kết quả như mong đợi.

“Nếu con không học bài thì mẹ…”… những câu nói như vậy như một mối đe dọa. Từ đó, khiến trẻ cảm thấy sợ hãi mỗi khi làm bất kì điều gì. Lâu dần, những câu nói như vậy sẽ khiến trẻ không muốn nghe. Khi muốn con nghe lời, cha mẹ nên bỏ cách nói với 2 từ trên nếu đưa ra yêu cầu. Như vậy, trẻ sẽ dễ tiếp thu và thực hiện hơn.

Ngoài ra, việc cha mẹ không giữ lời hứa cũng có thể khiến trẻ không nghe lời. Chị Nghiêm Thúy lấy ví dụ, cha mẹ thường đưa ra điều kiện cho con như: “Con học bài xong mẹ/cha hứa sẽ đưa con đi chơi”… Tuy nhiên, khi trẻ đã hoàn thành mục tiêu đề ra, cha mẹ lại lảng tránh và đưa ra vô vàn lý do “Mẹ bận quá… mẹ mệt quá… để khi khác nhé!”. Trẻ rất muốn được cha mẹ ghi nhận. Sự ghi nhận kịp thời ấy sẽ khiến trẻ cảm thấy tin tưởng vào cha mẹ. Khi đó, trẻ sẽ tiếp thu và cố gắng thể hiện bản thân tốt hơn, trau dồi kỹ năng sống.

Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ không nghe lời nếu phụ huynh thường la hét. Theo chị Nghiêm Thúy, mỗi khi con không nghe lời, hầu hết phụ huynh đều có cảm giác bực tức. Khi đó, ngay lập tức, cha mẹ sẽ la hét, quát mắng để yêu cầu con thực hiện yêu cầu của mình. Tuy nhiên, hành động này của cha mẹ sẽ chỉ khiến mọi việc tệ thêm.

“Các chuyên gia giáo dục khuyên cha mẹ nên làm điều ngược lại. Thay vì la hét con, phụ huynh nên ngồi xuống bằng tầm mắt con, nói nhẹ nhàng… Thực tế, khi cha mẹ nói mềm mỏng, âm điệu đầy yêu thương sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và dường như dễ dàng ngừng lại để lắng nghe hơn.

Ngoài ra, để trẻ rèn luyện được tính kỷ luật và các thói quen tốt, phụ huynh có thể cho trẻ tham gia các trại hè bán trú. Từ đó, giúp trẻ có môi trường học tập, làm quen với những mối quan hệ mới và được vận dụng kỹ năng sống một cách thuần thục”, giáo viên Nghiêm Thúy chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ