Kỹ năng ứng phó từng độ tuổi của trẻ

GD&TĐ - Tùy từng độ tuổi, trẻ có những biểu hiện khác nhau về tâm lý. Cha mẹ cần ghi nhớ những kỹ năng cơ bản để khiến trẻ nghe lời hơn.

Tuỳ từng độ tuổi của trẻ, cha mẹ sẽ có phương pháp khác nhau để con nghe lời hơn. Ảnh minh họa.
Tuỳ từng độ tuổi của trẻ, cha mẹ sẽ có phương pháp khác nhau để con nghe lời hơn. Ảnh minh họa.

TS tâm lý Nguyễn Thị Hà (Trung tâm Tư vấn tâm lý học đường Hà Nội) cho rằng, mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ lại có những phản ứng khác nhau. Do đó, cần hiểu đúng tâm tư ở từng giai đoạn phát triển của con để có phương pháp dạy dỗ khiến trẻ biết nghe lời.

Trẻ 1 tuổi: Chưa phân biệt đúng - sai

Trẻ 1 tuổi sẽ có những lúc bướng bỉnh, không nghe lời, làm trái ý cha mẹ. Đây là độ tuổi khá hiếu động, rất giàu năng lượng và vô cùng tò mò khám phá thế giới xung quanh. Trẻ muốn được tiếp xúc, tìm hiểu những điều mới lạ mà mình cảm thấy hứng thú.

Bên cạnh đó, trẻ 1 tuổi cũng chưa biết phân biệt đúng sai, việc gì được làm và không được làm. Đồng thời, trẻ cũng chưa hiểu hết những điều mà người lớn nói, chưa thực sự ghi nhớ được lâu dài những gì cha mẹ căn dặn. Vì vậy, trẻ luôn muốn được làm theo ý mình.

Có thể đôi lúc cha mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi, bực tức vì trẻ không chịu nghe lời, ương bướng. Thế nhưng, hãy hiểu cho độ tuổi này của trẻ và tìm cách giáo dục đúng đắn để không làm ảnh hưởng tới sự phát triển và tâm sinh lý của trẻ.

Việc cần làm là nghiêm giọng giảng giải việc con đã làm là không tốt và hậu quả của việc bướng bỉnh, không nghe lời. Điều này sẽ giúp trẻ dần hiểu việc mình làm là sai và dần dần khắc phục.

Mặc dù trẻ mới 1 tuổi chưa hiểu hết nhưng cũng có thể phân biệt được thái độ của người lớn. Khi cha mẹ dùng ánh mắt nghiêm túc để nói chuyện, trẻ sẽ tập trung và nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề. Từ đó lắng nghe những gì cha mẹ nói.

Trong quá trình dạy trẻ 1 tuổi biết nghe lời có một số điều mà cha mẹ cần chú ý để đảm bảo mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Hãy trao đổi cùng gia đình để thống nhất về cách dạy con, tránh gây ra xung đột.

Trẻ 3 tuổi: Bắt đầu phản ứng

3 tuổi là độ tuổi các bé đang có những hoàn thiện về não bộ và khả năng nhận thức. Lúc này, trẻ đôi khi sẽ có những suy nghĩ hành động theo ý của mình và không thích phụ thuộc vào người lớn nên bắt đầu sẽ có những phản ứng chống đối lại người lớn.

Theo chuyên gia, khi 3 tuổi, bộ não và hệ thần kinh đã hoàn thiện được 80%. Từ đó, tư duy và suy nghĩ của các bé cũng đã phát triển dần và có sự nhận thức độc lập mang tính cá nhân đối với các sự việc bên ngoài. Trẻ bắt đầu có phản ứng với việc thích hay không thích những điều gì đó. Nếu bố mẹ cứ để như thế và chiều theo ý của các bé sẽ dần dẫn đến biểu hiện không ngoan, luôn cho rằng mình là đúng, mọi người phải theo. Điều này, lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến tính cách của các bé về sau.

Vì vậy, cha mẹ cần biết cách giáo dục trẻ đúng cách, dạy cho bé cách biết lắng nghe học hỏi, phân biệt được đâu là đúng là sai để bé trưởng thành tốt hơn. Một cách dạy trẻ 3 tuổi ngoan, biết nghe lời hiệu quả đó là kết nối, trở thành người bạn đồng hành cùng các bé trong quá trình học hỏi và trưởng thành.

Đối với hầu hết các trường hợp, trong cách dạy trẻ 3 tuổi bướng bỉnh không hiệu quả, là do trẻ chưa thật sự nhận thức được mọi việc đúng hay sai. Vì thế mà, việc giáo dục bằng các câu chuyện nhân văn, ngụ ngôn chưa bao giờ là lỗi thời.

Các bé 3 tuổi đã có thể dần dần hiểu được những ngôn từ của bố mẹ và bắt đầu có khả năng tiếp thu, tư duy, học hỏi từ bố mẹ mình. Vậy nên cha mẹ nên chú ý trong khi sử dụng ngôn từ, truyền đạt những điều tích cực đến các bé; hạn chế các từ ngữ tiêu cực có thể làm tổn thương và ảnh hưởng đến tính cách của các bé sau này.

Kiên nhẫn với trẻ 7 tuổi

Ở giai đoạn 7 - 12 tuổi chính là thời kỳ tâm lý trẻ đang có nhiều rối loạn dẫn đến sự bướng bỉnh biểu lộ ra bên ngoài. Vì vậy, trẻ thường ra sức giải nghĩa mọi việc để phân định đúng - sai.

Sự phản đối, không nghe lời của trẻ xuất phát từ việc trẻ nhận thấy tính mâu thuẫn của vấn đề và chưa được làm rõ các ý nghĩa cũng như những cam đoan của người lớn trước đó.

Bên cạnh đó, trẻ bướng bỉnh, cáu kỉnh, không chịu nghe lời, giận dữ,… cũng bởi trẻ chưa đủ nhận thức để hiểu tại sao người lớn lại làm thế này hoặc thế kia với mình.

Khi trẻ còn nhỏ, tất cả mọi người đều dành tình yêu thương tập trung vào trẻ. Nhưng sau khi trẻ vào lớp 1 tức là sau 6 tuổi, cha mẹ sẽ có động thái đảm bảo sự cân bằng trong sinh hoạt nhưng lại chưa biết cách cho trẻ làm quen với sự thay đổi.

Những cách dạy trẻ 7 tuổi biết nghe lời không phải là không có nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và nhẫn nhịn của cha mẹ và sự giáo dục của nhà trường.

Khi trẻ không nghe lời, nói lớn tiếng và không kiểm soát được hành động của mình với người đối diện, cha mẹ cần nghĩ rằng con vẫn là một đứa trẻ. Con cần thời gian để bình tĩnh, cha mẹ cũng cần thời gian để ngăn bản thân không bộc phát sự nóng nảy dẫn đến các thái độ quá gay gắt với trẻ.

Trước khi áp dụng một quy định nào đó, hãy giải thích với con về việc con sẽ bị phạt thế nào nếu con vi phạm. Với những quy tắc đã đặt ra, cha mẹ có thể viết ra rồi dán ở những vị trí dễ thấy như tủ lạnh, bàn học hoặc trong phòng ngủ. Những vị trí này phải bảo đảm con có thể đọc được hằng ngày.

Hãy chọn hình phạt có đủ tính răn đe và quan trọng với trẻ để trẻ có thể nghe lời. Bởi đôi khi hình phạt có hiệu quả với đứa trẻ này nhưng không có hiệu quả với đứa trẻ khác.

Việc áp dụng hình phạt này giúp con làm quen với việc con sẽ phải chịu những trách nhiệm với hành động của mình, giúp con biết mình được phép hoặc không được phép làm gì, ba mẹ cũng giảm đi những lần phải la hét, cáu gắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ