Điều gì khiến trẻ không nghe lời?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ không nghe lời cha mẹ. Trẻ có thể không nghe thấy, hoặc không hiểu yêu cầu của phụ huynh.

Giao tiếp bằng mắt là một kỹ thuật hiệu quả để thu hút sự chú ý của trẻ. Ảnh minh họa.
Giao tiếp bằng mắt là một kỹ thuật hiệu quả để thu hút sự chú ý của trẻ. Ảnh minh họa.

Trẻ có thể không nghe thấy, hoặc không hiểu yêu cầu của phụ huynh. Lý do khác là trẻ không thể làm được hoặc không muốn thực hiện điều đó.

Không ít cha mẹ gặp khó khăn trong việc để trẻ nghe lời. Họ thậm chí thường xuyên rơi vào bực bội khi phải lặp lại một yêu cầu với trẻ.

“Không phải mẹ đã dặn con không được chạm vào cái bát đó sao?”; “Đây là lần thứ năm mẹ yêu cầu con dọn bàn ăn”;... Đây là những câu có vẻ quen thuộc trong không ít gia đình. Cha mẹ thường thất vọng với một đứa trẻ không nghe lời. Họ cũng thường hỏi làm thế nào để kỷ luật con hoặc để trẻ nghe lời. Câu hỏi “Tại sao con tôi không nghe lời?” được nhiều phụ huynh đặt ra.

Khi còn nhỏ, trẻ có thể không nghe thấy hoặc hiểu những gì cha mẹ yêu cầu. Vì vậy, điều quan trọng là phụ huynh cần kiên nhẫn. Song, khi đến tuổi đi học, đôi khi, trẻ từ chối lắng nghe vì không muốn thực hiện yêu cầu của cha mẹ. Khi đó, phụ huynh thường trở nên thiếu kiên nhẫn, khó chịu và tức giận.

Thông thường, phản ứng đầu tiên của cha mẹ là nghĩ rằng, trẻ đang cố tình thách thức. Sau nhiều lần yêu cầu, phụ huynh thường không thể kiềm chế cảm xúc, la hét và giận dữ để thu hút sự chú ý cũng như khiến trẻ nghe theo.

Song, thực tế, la hét hiếm khi có tác dụng. Bởi, trẻ có xu hướng tuân thủ những yêu cầu được đưa ra một cách miễn cưỡng. Là cha mẹ, các phụ huynh cần dạy con lịch sự khi đưa ra yêu cầu. Tuy nhiên, khi yêu cầu trẻ lắng nghe, cha mẹ thường mất kiên nhẫn và quên cách cư xử lịch sự.

Tập trung vào sự tuân thủ ngắn hạn

Khi tập trung vào sự vâng lời ngắn hạn, cha mẹ thường đánh mất mục tiêu tổng thể của việc nuôi dạy con. Các nhà nghiên cứu phát hiện, những phụ huynh tập trung nhiều hơn vào việc tuân thủ ngắn hạn sẽ ít có khả năng nuôi dưỡng con hơn. Họ có xu hướng sử dụng ít lý luận và trừng phạt nhiều hơn để đạt được kết quả ngay lập tức.

Về lâu dài, các cha mẹ tập trung vào ngắn hạn có thể khiến con trở nên tiêu cực và ít hợp tác hơn.

Kiểm soát việc nuôi con

Trẻ em phải biết lắng nghe những điều nhất định. Ví dụ như những thứ liên quan đến an toàn và sức khỏe. Song, một số cha mẹ không chỉ kiểm soát những thứ như vậy. Trẻ bị cha mẹ kiểm soát quá mức không chỉ ít nghe lời hơn, mà còn hung hăng.

Phụ huynh không nên trừng phạt con vì đã đưa ra phán đoán sai. Ảnh minh họa.

Phụ huynh không nên trừng phạt con vì đã đưa ra phán đoán sai. Ảnh minh họa.

Mối quan hệ căng thẳng

Mối quan hệ thân thiết, tích cực khiến một người có nhiều khả năng lắng nghe yêu cầu của người khác hơn. Điều này cũng được áp dụng trong mối quan hệ cha mẹ và con. Kiểm soát hành vi, tranh cãi và trừng phạt nghiêm khắc đều có thể hủy hoại mối quan hệ. Đồng thời, khiến trẻ không muốn nghe lời cha mẹ.

Vậy, câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để kỷ luật một đứa trẻ không nghe lời? Khi trẻ không nghe lời, bước đầu tiên là cha mẹ cần hít một hơi thật sâu. Sau đó, thực hiện theo những lời khuyên dưới đây:

Thu hút sự chú ý của trẻ

Yêu cầu giao tiếp bằng mắt là một kỹ thuật hiệu quả để thu hút sự chú ý của trẻ, cho dù con là em bé mới biết đi hay thanh thiếu niên. Khi đang nhìn vào máy tính bảng hoặc điện thoại di động, thật khó để trẻ lắng nghe cha mẹ. Việc cha mẹ thu hút sự chú ý của con cũng sẽ giúp chúng phát triển kỹ năng lắng nghe tích cực. Nhờ đó, trẻ sẽ trở thành một người biết lắng nghe.

Kỷ luật để dạy, không để trừng phạt

Phụ huynh cần phân biệt kỷ luật với trừng phạt. Kỷ luật là dạy dỗ. Trừng phạt không phải là điều duy nhất có thể khiến trẻ học hỏi. Có nhiều cách dạy hiệu quả hơn là trừng phạt.

Suy cho cùng, tất cả cha mẹ đều muốn nuôi dạy những đứa trẻ có khả năng phán đoán tốt và làm điều đúng đắn khi phụ huynh không ở bên con. Tuy nhiên, làm thế nào trẻ có thể thực hiện điều đó mà không mắc sai lầm? Giống như việc té ngã là một phần không thể thiếu trong quá trình học cách đi, đưa ra những quyết định sai lầm là một phần không thể thiếu khi trẻ học cách đưa ra những lựa chọn đúng đắn.

Chúng ta không trừng phạt một đứa trẻ vì bị ngã khi con đang tập đi. Vì vậy, phụ huynh không nên trừng phạt con vì đã đưa ra phán đoán sai. Bởi, trẻ cần thực hành và trải nghiệm để hoàn thiện kỹ năng.

Có nhiều lý do khiến trẻ không muốn nghe lời cha mẹ. Ảnh minh họa.

Có nhiều lý do khiến trẻ không muốn nghe lời cha mẹ. Ảnh minh họa.

Kỷ luật theo quy trình

Phụ huynh hãy áp dụng phương pháp kỷ luật dựa trên việc sử dụng lý luận để giảng dạy một cách tích cực. Việc dạy trẻ em một quá trình ra quyết định đúng đắn sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với yêu cầu con vâng lời ngay lập tức. Các cha mẹ sử dụng phương pháp này thay vì trừng phạt (đặc biệt là đánh đòn) thường ghi nhận sự hợp tác cao hơn ở trẻ.

Khi không đồng ý với quyết định của trẻ, thay vì nói rằng con sai, cha mẹ hãy đặt câu hỏi cho bé. Hỏi trẻ tại sao lại làm mọi việc theo cách này. Sau đó, hãy hỏi trẻ xem con sẽ cảm thấy thế nào về những kết quả tiêu cực có thể xảy ra.

Đưa ra các kịch bản khác nhau để giúp trẻ suy nghĩ về tất cả kết quả có thể xảy ra. Giúp trẻ xác định các kết quả tiêu cực và hỏi xem con có thể thay đổi quyết định của mình để ngăn chặn điều đó không.

Nhờ vậy, cha mẹ sẽ dạy trẻ các kỹ năng tư duy phản biện và quy trình ra quyết định đúng đắn. Phụ huynh hãy thử giải thích nhiều hơn là ra lệnh.

Để trẻ chịu hậu quả

Khi trẻ không nghe lời về vấn đề không liên quan đến sự an toàn hoặc sức khỏe của bất kỳ ai, cha mẹ hãy để con tự chịu hậu quả. Trong hầu hết trường hợp, việc phải trải qua những hậu quả tự nhiên của việc ra quyết định tồi tệ cũng đủ để trẻ rút ra bài học.

Đặt hình phạt lên hàng đầu sẽ khiến trẻ mất tập trung vào việc tiếp thu bài học và chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Nếu cha mẹ trừng phạt con, trẻ sẽ bận tâm với sự tức giận. Khi đó, trẻ sẽ chuyển sự thất vọng về bản thân sang bất mãn với cha mẹ.

Đôi khi, cha mẹ kiểm soát vì muốn ngăn con mình khỏi thất bại. Tuy nhiên, khi làm như vậy, cha mẹ là trở ngại cho những hậu quả, cũng như niềm tin của trẻ. Trẻ sẽ không nhận ra hậu quả thực sự là gì khi bận chiến đấu với cha mẹ. Trẻ có thể không nhận ra rằng, lời cảnh báo của cha mẹ là thật.

Ví dụ, việc trẻ không làm bài tập về nhà sẽ khiến cha mẹ cảm thấy mình phải nhắc nhở. Nếu không, trẻ sẽ trượt ở trường. Song, việc cằn nhằn và la hét liên tục sẽ không có tác dụng với trẻ. Sớm hay muộn, những trẻ cứng đầu sẽ ngừng phản ứng với điều này và thực tế, chúng sẽ thất bại.

Khi trẻ mắc lỗi sớm, thất bại thường nhỏ hơn. Hậu quả cũng ít nghiêm trọng hơn. Trẻ cũng có nhiều khả năng rút ra bài học. Nếu làm như vậy là an toàn, cha mẹ có thể để trẻ thất bại. Bởi, sớm muộn gì trẻ cũng phải đưa ra những quyết định quan trọng trong đời.

Làm gương

Một cách khác để dạy và khiến trẻ lắng nghe là làm gương. Trong tương tác hằng ngày với con, cha mẹ có thường xuyên lắng nghe và chấp nhận yêu cầu hợp lý của trẻ không? Sẽ khó có thể mong đợi trẻ trả lời “có” nếu cha mẹ liên tục nói “không”. Cũng không thực tế khi mong đợi rằng, trẻ sẽ nói chuyện một cách lịch sự và tôn trọng nếu giọng điệu của cha mẹ luôn khó chịu.

Phụ huynh không nên chỉ tập trung vào hành vi tiêu cực của trẻ. Hãy dành cho trẻ sự quan tâm tích cực và khen ngợi khi con thể hiện hành vi tốt.

Tôn trọng sự bất đồng

Tôn trọng là một điều khác cha mẹ phải làm mẫu cho con. Sự tôn trọng không chỉ dành cho người lớn. Điều quan trọng là cả cha mẹ và con phải tôn trọng lẫn nhau ngay cả khi bất đồng ý kiến. Hãy tôn trọng ngay cả khi buồn.

Phụ huynh không nên có giọng điệu hung hăng hoặc thể hiện ngôn ngữ đối đầu. Khi một đứa trẻ cảm thấy được tôn trọng, chúng sẽ có nhiều khả năng lắng nghe hơn.

Nội quy gia đình

Cha mẹ đặt ra bao nhiêu quy tắc trong gia đình? Nếu trẻ dường như không bao giờ lắng nghe, rất có thể, chúng đang tận dụng mọi cơ hội để chống lại nỗ lực của phụ huynh trong việc kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống. Quá nhiều quy tắc là một dấu hiệu của việc kiểm soát con. Ngoài việc trẻ không nghe lời, cha mẹ kiểm soát có thể gây ra một loạt vấn đề về tinh thần ở con, bao gồm trầm cảm, lo lắng và lòng tự trọng thấp.

Những trẻ bị kiểm soát quá mức thường có xu hướng học kém do thiếu động lực. Do đó, trẻ có thể sẽ không lắng nghe lời yêu cầu chú trọng vào việc học từ cha mẹ.

Có quyền tự chủ là một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Do đó, phụ huynh hãy cho trẻ đủ tự do để đưa ra quyết định về những vấn đề không quan trọng. Khi đó, trẻ sẽ lắng nghe cha mẹ trước những vấn đề quan trọng.

Theo Parenting for brain

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ