Nó gần với hương của xôi nếp nhưng chắc chắn không phải đâu nhé. Là canh diếp thơm vườn nhà.
Mẹ bảo, đây là một loại rau để nấu canh vừa lành vừa sạch. Lành vì ai ăn cũng được, chứ không phải kiêng cữ như rau muống nếu ăn lúc bị đứt tay chân vì sẹo sẽ bị lồi hay người bị chứng phong thấp thì chớ có ăn bí ngô, sẽ bị rấm rứt cả ngày… Tất nhiên, những điều này đều do mẹ căn dặn theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng cộng với từ những gì mẹ đã trải qua.
Còn về chuyện sạch là bởi nhẽ dù lúc nào diếp thơm cũng diện tấm áo xanh mướt, mỡ màng nhưng không loài sâu nào có thể ký sinh lên đó. Và chỉ cần được trồng xuống luống đất băm tơi, chăm chỉ tưới nước hàng ngày thì sang tuần có thể tỉa lá mà nấu canh. Rồi lá lại đơm lá, vươn dài như những cánh tay ra đón từ gió, từ mùa heo may se lạnh cho đến gió bấc buốt giá.
Lý giải về sức “đề kháng” kỳ diệu này, mẹ bẻ cuộng, bảo nó hãy quan sát. Một dòng nhựa trắng rỉ đều và mẹ gọi đó là “áo giáp” bảo vệ cho diếp thơm, không loài sâu nào dám bén mảng tới. Nhờ đó, rau cứ lớn thôi thổi, thuần chất sinh sôi từ nguồn dinh dưỡng của đất, của nước mà không cần phải phun bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
Cứ khi heo may là mẹ bắt đầu xới đất để trồng. Bữa nào mẹ nấu canh diếp thơm với tép khô hay gion là biết ngay vì hương nếp cứ thoảng đưa. Nó lại lon ton nhón chân, “vén” mũi mà hít hà. Vị canh có chút ngai ngái như thể bởi dòng nhựa đặc trưng kia nhưng nó vẫn thích mê.
Nay nó cũng hí hửng bắc nồi canh diếp thơm với moi biển vì lần đầu ra chợ “gặp lại” rau xưa. Vừa hít hà hương vị thân quen, nó vừa nhớ lại lúc ở chợ nghe một người tỏ ý lo lắng không biết loại rau này có lành sạch không vì nhìn mơn mởn thế kia. Nó liền chia sẻ những điều mẹ nói năm xưa để rồi bâng khuâng…