Ánh điện thay sao
Lăng Lương là một trong hai điểm trường thôn thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) được trang bị giàn điện năng lượng mặt trời. Các điểm trường còn lại, chỉ có điểm trường Tắk Rối là có điện lưới quốc gia. 4 điểm trường thôn khác, dù đã được các tổ chức, cá nhân tặng giàn điện năng lượng mặt trời nhưng do công suất nhỏ nên sau một thời gian sử dụng đã bị hư hỏng.
Thầy Hiệu trưởng Lê Huy Phương cùng các thầy giáo Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập tranh thủ làm hệ thống điện tại điểm trường Lăng Lương kịp trước ngày học sinh tựu trường. |
Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập cho biết: “Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND huyện Nam Trà My, các thầy giáo trong trường chủ động lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời tại điểm trường Lăng Lương, kéo dây, trang bị bóng đèn… tại 2 phòng học và phòng ở công vụ cho giáo viên kịp trước ngày học sinh tựu trường”.
Điện rực sáng một góc núi rừng Lăng Lương nhờ bộ đèn năng lượng mặt trời do một nhóm nhà hảo tâm ở Đà Nẵng tài trợ. |
Áo mới cùng em đến trường
Năm học 2023 – 2024, điểm trường Lăng Lương có 6 em học sinh lớp 1 và 8 em học sinh lớp 2, 17 học sinh lớp mẫu giáo. Cô giáo Trà Thị Thu sẽ đảm trách dạy lớp ghép ở điểm trường này. Cô Thu được nhắc đến với bộ ảnh khai giảng giản dị nhưng xúc động, truyền cảm hứng ở điểm trường Tắk Pổ năm học 2019 – 2020.
Trong ngày tựu trường, học sinh điểm trường Lăng Lương được một nhà hảo tâm ở Đà Nẵng tặng mỗi em một bộ đồng phục mới. Ngoài ra, các em còn nhận thêm quà về cho gia đình, gồm dầu ăn, tép khô, đồ gia vị…
Niềm vui của học sinh điểm trường Lăng Lương trong ngày tựu trường khi nhận được quà của một nhà hảo tâm ở Đà Nẵng gửi tặng. |
Dạy học ở điểm trường thôn sẽ vất vả và khó khăn hơn so với điểm trường chính, từ điều kiện giao thông đường sá, cơ sở vật chất, môi trường sống… 100% học sinh là người dân tộc thiểu số nên vốn tiếng Việt của các em còn ít, vất vả hơn cho giáo viên trong việc truyền tải kiến thức.
Dạy lớp ghép, giáo viên buộc phải nói nhiều, di chuyển nhiều. Các bước lên lớp cũng phải tính toán sao cho không để thời gian “chết”, cô giáo giảng bài cho lớp này thì HS lớp kia đang phải làm bài tập hoặc đọc dò lẫn nhau’ – cô Trà Thị Thu cho biết.
Các bé mẫu giáo ở điểm trường Lăng Lương trong ngày tựu trường. |
Thuận lợi nhất là đường vào điểm trường Lăng Lương vừa được phóng tuyến mở đường đất. “Trời nắng thì có thể đi xe máy vào tận điểm trường. Trời mưa thì sẽ hơi lầy vì bùn đất, phải tay lái vững thì mới có thể chạy xe được. Thế nhưng, nếu có phải đi bộ thì chỉ khoảng 1km vì từ đường nhựa vào cũng không quá xa”.
Cùng "bắn tim" chào năm học mới 2023 - 2024. |
Mong muốn của cô giáo trẻ ở điểm trường Lăng Lương vẫn là các em học sinh của mình được đọc thông viết thạo, không đau ốm bệnh tật gì trong suốt một năm học. Hành trang đến với Lăng Lương của cô giáo Trà Thị Thu, ngoài áo quần, sách vở, lương thực… còn có cả những loại thuốc chữa một số bệnh thông dụng như bệnh ngoài da, đau bụng, sổ mũi…
"Với tấm lòng tận tụy của mỗi giáo viên thì cho dù học sinh có tiếp thu chậm nhưng nếu thầy, cô cố gắng và nỗ lực, có phương pháp dạy học phù hợp thì rồi các em sẽ tiến bộ và đáp ứng được chuẩn đầu ra" - cô Trà Thị Thu chia sẻ.