Điện năng lượng mặt trời mái nhà ở Kon Tum: Doanh nghiệp lao đao vì bị cắt giảm gần 60% sản lượng

GD&TĐ - Trước việc Công ty Điện lực Kon Tum gửi thư ngỏ về việc giảm công suất huy động điện, các nhà đầu tư lo lắng, lao đao vì sẽ không đủ kinh phí trả tiền lãi ngân hàng, chưa kể trả tiền gốc và lương công nhân.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời lao đao khi bị cắt giảm 
gần 60% công suất huy động.
Doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời lao đao khi bị cắt giảm gần 60% công suất huy động.

Theo tìm hiểu, toàn tỉnh Kon Tum hiện có 1.445 doanh nghiệp, cá nhân đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái, với tổng công suất khoảng 150MW.

Tuy nhiên, thời gian gần đây hàng chục doanh nghiệp, nhà đầu tư điện năng lượng mặt trời mái nhà đã gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương khi Công ty Điện lực Kon Tum có thư ngỏ về việc giảm công suất huy động điện.

Theo các nhà đầu tư, vào ngày 20/9, Công ty Điện lực Kon Tum đã gửi thư ngỏ về việc dự kiến phương thức huy động công suất điện từ điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2021. Cụ thể, công suất huy động giảm 59,32% cho mỗi dự án. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, mặc dù chưa có đồng thuận nhưng Công ty Điện lực Kon Tum đã tiến hành cắt giảm sản lượng.

Ông Nguyễn Diên Tư, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hòa Bình Kon Tum, đại diện các nhà đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà, cho biết, việc Công ty Điện lực Kon Tum đơn phương cắt giảm sản lượng là đi ngược lại với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Tư, trong hợp đồng kinh tế giữa đơn vị và Công ty Điện lực Kon Tum không có điều khoản quy định việc cắt giảm công suất huy động. Do đó, việc Công ty Điện lực Kon Tum tự ý cắt giảm công suất huy động khi chưa làm việc với các nhà đầu tư là vi phạm hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa các bên.

Tương tự, ông Phạm Nguyễn Quốc Hoàng, Giám đốc Công ty Công nghệ Smart home, cho biết, các dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà có tổng mức đầu tư tương đối lớn, bình quân từ 15 - 20 tỷ đồng/1MW. Trong khi đó cơ cấu vốn vay chiếm tỷ lệ từ 70 - 80% tổng mức đầu tư. Đồng thời lãi suất vay vốn dao động từ 9% - 12%/năm.

Nhưng bình quân mỗi dự án có công suất 1MW sẽ có doanh thu từ 280 - 300 triệu đồng/tháng, đối với mùa nắng. Còn vào mùa mưa, 1MW sẽ đạt doanh thu từ 200 - 230 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tiền lãi vay mà các nhà đầu tư phải trả hàng tháng dao động từ 80 - 150 triệu đồng.

Tiền nợ gốc phải trả dao động từ 100 - 150 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn một số chi phí phát sinh như vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thuế GTGT, thuế TNCN… Do đó, nếu bị giảm gần 60% công suất huy động thì thu nhập hàng tháng các nhà nhà đầu tư sẽ không đủ tiền trả lãi ngân hàng, chưa kể trả lương cho công nhân. Việc này gián tiếp đẩy các doanh nghiệp và nhà đầu tư đi đến bờ vực phá sản.

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum, cho hay, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ…

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất phát lên hệ thống. Do đó, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh hệ thống điện quốc gia. Chính vì vậy, ngành điện phải thực hiện giảm huy động các nguồn năng lượng phát lên hệ thống, trong đó có điện mặt trời áp mái.

Theo ông Giáp, hiện đơn vị đang thực hiện theo kế hoạch huy động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, không xảy ra sự cố. Tuy nhiên, việc giảm huy động công suất gần 60% mới chỉ là dự kiến còn phía công ty chưa thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.