Điện Biên: Tham vọng phát triển điện mặt trời áp mái

GD&TĐ - Điện Biên đặt mục tiêu những năm tới đạt mức tiết kiệm năng lượng khoảng 3 - 5% tổng tiêu thụ năng lượng so với dự báo.

Cán bộ điện lực hỗ trợ người dân thực hiện mô hình điện mặt trời áp mái.
Cán bộ điện lực hỗ trợ người dân thực hiện mô hình điện mặt trời áp mái.

Địa phương này cũng khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới. Đó cũng là lý do mô hình điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) tại tỉnh vùng cao này đang được nhân rộng.

Tham vọng trị giá… 7%

UBND tỉnh Điện Biên vừa có quyết định ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu của kế hoạch để góp phần thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), giai đoạn 2019 - 2030 chung của quốc gia.

Hình thành thói quen SDNLTK&HQ trong mọi hoạt động của xã hội. Cùng với đó là giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế.

Tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng. Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương.

Địa phương này cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng khoảng 3 - 5% tổng tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng. Giảm tổn thất điện năng xuống khoảng 6% vào năm 2025 (năm 2020 khoảng 6,5%). Thay thế các thiết bị lạc hậu, sử dụng nhiều năng lượng bằng các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tiết kiệm năng lượng khoảng 7% tổng tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng. Giảm tổn thất điện năng xuống khoảng 5,5%.

Để kế hoạch được thực hiện có hiệu quả, tỉnh Điện Biên đã đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Trong đó, tập trung nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước về SDNLTK&HQ. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy SDNLTK&HQ, bảo vệ môi trường.

Tìm kiếm nguồn năng lượng “sạch”

ÐMTAM là mô hình được lắp đặt trên các mái nhà, sân thượng của hộ dân. Mô hình này sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời có chức năng hấp thụ ánh sáng, chuyển đổi quang năng thành điện năng để đưa vào sử dụng. Với nhiều lợi ích thiết thực, bước đầu ÐMTAM đã được nhiều hộ dân, doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Kết quả khảo sát mới đây của Công ty Ðiện lực Ðiện Biên, trên địa bàn tỉnh có trên 50% mái nhà có khả năng lắp đặt ÐMTAM hiệu quả.

“Ðiện Biên là tỉnh có nhiều nắng, khoảng từ 115 - 215 giờ/tháng và 1.820 - 2.035 giờ/năm. Các tháng có giờ nắng thấp là tháng 6 - 7; các tháng có giờ nắng cao thường là 3, 4, 8 và tháng 9. Còn theo Bản đồ bức xạ mặt trời Việt Nam, Ðiện Biên thuộc nhóm tỉnh có thời gian bức xạ nhiệt trong ngày lớn thứ tư trên cả nước với 4,5 - 4,7 kwh/m2/ngày và là một trong hai tỉnh (cùng với Sơn La) có bức xạ nhiệt trong ngày lớn nhất miền Bắc.

Ðây là lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời, góp phần tiết kiệm điện năng, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên”, ông Trần Đức Dũng - Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên cho biết.

Theo ông Dũng, giá bán điện mặt trời năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện. Các hệ thống ÐMTAM hiện nay có hiệu suất đạt 80% trở lên trong vòng 25 năm. Lợi ích trực tiếp cho hộ gia đình là cắt giảm chi phí tiền điện và có thêm thu nhập, cách nhiệt mái nhà trong mùa nắng nóng.

“Có rất nhiều lợi ích mà ÐMTAM đem lại cho cả Nhà nước và người tiêu dùng. Ðối với Nhà nước có thêm một nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao, giảm tối đa nguồn vốn ngân sách phải đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện.

ÐMTAM góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống điện lưới, giảm tiền điện cho người tiêu dùng do giảm điện năng tiêu thụ từ lưới điện, số điện năng sử dụng thừa có thể bán lại cho Công ty Ðiện lực”, ông Trần Đức Dũng cho biết thêm.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới phát lên hệ thống lưới điện quốc gia phù hợp với quy định về vận hành hệ thống điện và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành điện.

Tại Điện Biên, hiện nay, tại Công ty Ðiện lực Ðiện Biên có 272 khách hàng sử dụng ÐMTAM với tổng công suất 9.072,97 kWp. Sản lượng đạt 466.603 kWh/tháng. Ðây là con số còn khiêm tốn song bước đầu người dân, doanh nghiệp đã nắm bắt được những thông tin về lợi ích khi sử dụng mô hình này.

Theo tính toán, một hộ gia đình lắp đặt hệ thống ÐMTAM diện tích từ 15m2 sẽ cho công suất 3 kWp. Suất đầu tư cho 1 kWp hơn 13 triệu đồng. Trung bình lượng điện sản sinh được sử dụng tại chỗ 20%, 80% còn lại được bán cho công ty điện lực với giá hợp lý thì thời gian thu hồi vốn khoảng 5 - 6 năm.

“Sau khi khách hàng hoàn thiện đăng ký sử dụng ÐMTAM, đơn vị sẽ làm thủ tục đấu nối mua bán điện, lắp đặt công tơ 2 chiều. Thời điểm không có nắng, khách hàng vẫn có thể sử dụng điện cho sinh hoạt bằng cách đổi từ ÐMTAM sang điện lưới.

Rào cản lớn nhất khi lắp đặt hệ thống này là chi phí không nhỏ, trung bình 13 triệu đồng/1kWp. Song lợi ích lâu dài về kinh tế thì sau khoảng 5 - 6 năm người lắp đặt sẽ hoàn vốn, trong khi thiết bị được bảo hành trong thời gian dài”, ông Trần Ngọc Bình – Phó Giám đốc Điện lực TP Điện Biên Phủ cho biết.

Theo khuyến cáo của ngành điện lực, lắp đặt ĐMTAM là một trong những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sống. Giải pháp này vừa tiết kiệm năng lượng sử dụng lại vừa hòa vào lưới điện quốc gia, góp phần tạo ra nguồn điện năng cho đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.