Đây là một xu thế tất yếu của nhân loại vì tận dụng được nguồn năng lượng sẵn có trong tự nhiên. Tuy nhiên, cùng với vấn đề về giá thì việc sử dụng năng lượng mặt trời cũng sẽ khiến cho môi trường sống bị ô nhiễm.
Bài toán ô nhiễm
Thông tin tại hội thảo “Năng lượng mặt trời tại Việt Nam tích hợp với mạng lưới điện: Cơ hội và thách thức” vừa diễn ra mới đây cho biết, theo báo cáo của Bộ Công Thương cả nước có 121 dự án điện mặt trời được phê duyệt, trong đó 25 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN.
Ngoài ra, còn hàng trăm dự án khác đang chờ phê duyệt. Nhiều nhà kinh tế dự đoán rằng, đến năm 2025, sẽ có khoảng 12 tỷ USD và đến năm 2035 có 42 tỷ USD đầu tư vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
Có thể thấy rằng, việc đầu tư và khai thác năng lượng mặt trời là rất giàu tiềm năng nhưng theo các chuyên gia môi trường, điện mặt trời sẽ gây nhiều phiền toái đến môi trường sống của con người. PGS.TS Phạm Hoàng Lương, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (VJIIST) băn khoăn, việc xử lý các vấn đề hậu điện mặt trời như thế nào sau khi thu hồi các tấm pin mặt trời (PMT) rất cần được quan tâm.
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất PMT, nhà sản xuất sử dụng axit HF để làm sạch tấm nền, xử lý bề mặt, người lao động không được trang bị bảo hộ đạt chuẩn sẽ khiến các mô bị phá hủy, giảm canxi trong xương.
Ngoài ra, sau khi tấm PMT hư hỏng, cũng trở thành nguồn rác thải ảnh hưởng môi trường, cần phải xử lý để hạn chế ô nhiễm. Đối diện với việc giải quyết ô nhiễm từ tấm loại PMT cũng đang khiến nhiều quốc gia đau đầu.
Ngay như Nhật Bản, dự báo đến năm 2040 là 800.000 tấn. Còn theo cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế, đến năm 2050 trên toàn cầu sẽ có 78 triệu tấn tấm PMT.
GS.TSKH Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Bây giờ sử dụng năng lượng tái tạo là đúng, vấn đề đặt ra đó là giá thành. Hơn nữa, chúng ta sử dụng năng lượng mặt trời cũng sẽ gây ô nhiễm nhất định đến môi trường bởi những dụng cụ, máy móc biến năng lượng mặt trời vào bảng chung, nhập rồi lưu trữ nó. Tức là những linh kiện lưu trữ và sản xuất ra năng lượng mặt trời cũng sẽ tạo ra ô nhiễm môi trường”.
Lợi thì vẫn lợi
Khi các nguồn năng lượng khác đang cạn kiệt dần, điện mặt trời sẽ là giải pháp. Việt Nam là quốc gia tiềm năng. Vì vậy, thị trường này trong thời gian tới sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư.
PGS.TS Nguyễn Đức Lương, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường (ĐH Xây dựng) chia sẻ: Việc thu thập năng lượng mặt trời, đặc biệt là qua các hệ thống quang điện đang bùng nổ tại Việt Nam và được trông đợi sẽ đạt tới những mức độ chưa từng thấy trong những năm tới. Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu xu hướng phát triển này ở khu vực Đông Nam Á.
Giả sử mỗi mái nhà được lắp đặt một trạm điện mặt trời công suất 1kWp thì Hà Nội có khoảng 1 triệu mái nhà, ứng với 1GW, lớn gấp chừng 1,5 lần công suất của Nhà máy thủy điện Yaly (720MW). TPHCM có khoảng 1,5 triệu mái nhà, ứng với công suất 1,5GW, xấp xỉ công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (khoảng 1,6 GW).
“Theo tôi, trong tất cả các dạng năng lượng, năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng dồi dào. Về mặt lý thuyết, các năng lượng tái tạo hiện nay cả thế giới đã tận dụng vì nó là nguồn tài nguyên vô tận. Song, thực tế không như vậy bởi đâu có phải chúng ta lấy nguồn ánh sáng xuống là nó đã thành điện ngay mà nó đòi hỏi cả quá trình kỹ thuật từ sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng”, GS Trương Quang Học chia sẻ.
Vấn đề điện mặt trời đã được đưa ra trong nhiều hội thảo. Các chuyên gia đã đưa ra những ý tưởng và giải pháp trong quy trình từ sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng năng lượng mặt trời. Đồng thời cũng đang hướng tới đối tượng sử dụng ở khu vực nông thôn, hộ gia đình lắp đặt hệ thống quang điện, các đơn vị kinh doanh và vận hành mạng lưới điện.
Điện mặt trời sẽ đem lại nguồn năng lượng từ thiên nhiên để phục vụ con người. Nó cũng có những giá trị tích cực nhưng cũng đặt ra cho chúng ta, đó là phải giải quyết triệt để khâu hậu điện mặt trời, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.