Diện mạo giáo dục đổi thay trên đỉnh Nà Đang

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đỉnh Nà Đang nằm ở xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, giáp với huyện biên Quan Sơn (Thanh Hóa).

Học sinh ở bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) sau giờ tan trường.
Học sinh ở bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) sau giờ tan trường.

Trước kia, Nà Đang cao vời vợi và khó khăn vô cùng. Giờ đây, cuộc sống người dân đổi thay từng ngày, học sinh có điểm trường mới để yên tâm học hành.

Nà Đang không còn... xa ngái

Chuyến công tác đầu Xuân vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại xã Lâm Phú, huyện miền núi Lang Chánh. Khi nghe kể về những lớp học ở đỉnh Nà Đang đã được “thay áo mới”, chúng tôi ngỏ ý lên thăm điểm trường này. Ông Phạm Văn Nhị - Chủ tịch UBND xã Lâm Phú - bảo: “Từ trung tâm xã lên tới đỉnh Nà Đang khoảng 17km. Hôm nay trời mưa Xuân, nên chạy xe phải thật thận trọng, vì đường đi nhiều dốc, cua và trơn trượt”.

Cung đường từ trung tâm xã Lâm Phú lên bản Nà Đang, quả là khó khăn, vất vả vô cùng. Nhiều khúc cua tay áo, dốc trơn trượt, khiến chiếc xe cứ chao nghiêng. Trên đường đi, ông Nhị cho biết, đường lên Nà Đang được như bây giờ là tốt lắm rồi. Trước kia, khi chưa được Nhà nước đầu tư, Nà Đang là điểm khó khăn, xa xôi nhất của huyện.

Nà Đang hiện có 56 hộ dân (đồng bào Thái), với hơn 260 nhân khẩu, trong đó còn 24 hộ nghèo. Đây là bản đặc biệt khó khăn, chưa bị điều chỉnh theo Quyết định 861/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cả bản chỉ có 36 ha đất cơ bản, bao gồm: Đất ở, đất vườn, ao nuôi cá và 6ha đất nghĩa địa, vỏn vẹn 14,9ha đất trồng lúa nước.

“Nà Đang là địa điểm xa xôi, khó khăn vào diện nhất nhì ở xã Lâm Phú và kể cả huyện Lang Chánh. Tuy nhiên, Nà Đang đã có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại và Internet, đường giao thông được cứng hóa... Nhờ đó, kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng thay đổi đáng kể so với trước kia”, Bí thư Chuẩn chia sẻ.

Khó khăn là vậy, song việc học của con em luôn được người dân quan tâm. Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Nà Đang Hà Văn Chuẩn nhẩm tính, đến thời điểm này, Nà Đang có 18 trẻ học mầm non, 32 học sinh tiểu học, 14 em học THCS và 6 học sinh đang theo học THPT. Ngoài ra, Nà Đang có 5 người học đại học, trong đó, 4 người đã tốt nghiệp đại học sư phạm và 1 người học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 1 người học Trung cấp Nông lâm.

Đến thăm Khu lẻ Mầm non Nà Đang, cô Nguyễn Thị Việt Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non Lâm Phú - cho hay: “Từ khi bản Nà Đang có điện lưới quốc gia. Các em được ngồi học dưới làn gió mát của quạt điện khi trời nóng và trong lớp có ánh điện sáng trưng. Cuộc sống của bà con đã thay đổi đáng kể. Các cô giáo cắm bản ở trên này cũng đỡ khó khăn hơn”.

Cũng theo nữ Hiệu trưởng Nguyễn Thị Việt Hà, điểm trường mầm non ở Nà Đang được nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện xây tặng cách đây mấy năm, cơ sở vật chất đã khá hơn trước. Đồ dùng học tập và trang thiết bị dạy học dù còn thiếu nhiều, nhưng nhà trường vẫn động viên giáo viên cố gắng khắc phục.

“Điểm trường có 18 trẻ, học trong phòng kiên cố rộng khoảng 50m2... Chúng tôi đã bố trí 2 giáo viên là người bản địa nên yên tâm trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Tại điểm lẻ này, các bé cũng được ăn bán trú. Mỗi ngày, phụ huynh đóng góp 14.000 đồng, hai cô giáo tự nấu ăn trưa cho trò”, cô Hà thông tin.

Thầy Lương Văn Xuân trò truyện với phóng viên Báo GD&TĐ.

Thầy Lương Văn Xuân trò truyện với phóng viên Báo GD&TĐ.

Điểm trường “thay áo mới”

Điểm trường Trường Tiểu học Lâm Phú cũng được “thay áo mới”. Các thầy giáo đã yên tâm hơn mỗi khi trời mưa gió, nắng nóng hay giá rét. Chủ tịch Phạm Văn Nhị cho biết thêm, điểm trường tiểu học được Nhà nước xây dựng từ năm 2002, theo Chương trình xóa phòng học tranh, tre, nứa, lá. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, do đường đi lối lại quá khó khăn, nên vận chuyển vật liệu vô cùng vất vả, cực nhọc. Vì thế, chất lượng công trình không tốt như bây giờ.

Đến năm 2014, do ngôi trường xuống cấp nên Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ gần 77 triệu đồng, người dân địa phương đóng góp hơn 22 triệu đồng, để lợp lại mái tôn, lát nền gạch men... Tuy nhiên, sau một thời gian, điểm trường tiếp tục hư hỏng nghiêm trọng. Năm 2022, UBND huyện Lang Chánh đã đầu tư khoảng 700 triệu đồng để xây dựng điểm trường này. Theo đó, dãy nhà lớp học có 3 phòng được “thay áo mới” khá kiên cố. Giáo viên cũng có nơi ngủ riêng chứ không phải ngủ chung lớp học như trước nữa.

“Do điều kiện ngân sách xã hạn hẹp, địa phương không thể tự chủ để hỗ trợ điểm trường làm sân, tường rào, trần nhà công vụ và hệ thống cửa nhà ở giáo viên trên khu Nà Đang. Kinh phí để xử lý một số hạng mục ở điểm trường Nà Đang hết khoảng 100 triệu đồng. Địa phương đang vận động nguồn xã hội hóa, sửa chữa 6 phòng học cho trường tiểu học ở khu chính, để sắp tới công nhận trường chuẩn quốc gia”, ông Nhị nói.

Cũng theo ông Nhị, hiện điểm trường tiểu học có 3 thầy giáo, trong đó 1 thầy là người ở bản, 2 người ở dưới bản trung tâm xã Lâm Phú lên đây “cắm bản”. Dù nhà cách trường khoảng 20 km, nhưng cả 2 thầy đều phải ở lại đến cuối tuần mới về. Bởi lẽ, đường đi quanh co, khúc khuỷu, trơn trượt rất vất vả, nên không ai dám mạo hiểm đi về trong ngày.

Thầy Phạm Văn Phán - Trưởng khu Nà Đang - cho biết, điểm trường có 32 học sinh, trong đó có 2 lớp ghép 2 - 3 và 4 - 5. “Những hôm mưa gió, thầy và trò không còn nơm nớp lo mái nhà sập xuống nữa. Từ khi có điểm trường mới, bà con dân bản cũng yên tâm hơn khi đưa con, em đến lớp học hàng ngày”, thầy Phán tâm sự.

Thầy Lương Văn Xuân, (SN 1963), là người lớn tuổi nhất ở điểm trường lên Nà Đang dạy học từ năm 1988. “Tôi sắp nghỉ hưu rồi, vì đã công tác trong ngành hơn 35 năm. Dù “cắm bản” từ năm 1988 nhưng giờ đây là thời điểm vui vẻ và an tâm nhất đối với tôi, vì điểm trường đã được kiên cố, an toàn. Mỗi sáng thức dậy, nhìn thấy học sinh ríu rít đến lớp, tôi thấy mình thật hạnh phúc, như vậy là mãn nguyện lắm rồi”, thầy Xuân bộc bạch.

Thầy Tạ Văn Biên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Phú - cho biết, mặc dù điều kiện khó khăn nhưng các thầy vẫn quyết tâm bám trường, lớp để truyền đạt kiến thức cho con, em đồng bào nơi đây. Dù có phòng học mới, nhà công vụ được sửa sang, nhưng chưa có trần, hệ thống cửa chính, cửa sổ của 2 gian nhà ở giáo viên bị hư hỏng. Sân trường chưa láng xi măng, tường rào. Vì vậy, nhà trường rất mong được hỗ trợ kinh phí làm tường rào xung quanh trường để giáo viên, học sinh yên tâm hơn nữa trong công tác dạy và học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.