Những ngôi trường được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Công trình phục vụ dân sinh như điện chiếu sáng, nước sạch, nhà sinh hoạt cộng đồng đều được xây dựng tại các thôn, bản... Tất cả như muốn nói lên một điều, cuộc sống ấm no, đủ đầy đang hiện diện ở vùng biên giới xa xôi này.
Sức sống mới, diện mạo mới
Nằm ở phía bắc của tỉnh Kon Tum, Đắk Glei là huyện miền núi, vùng cao, đất dốc, đồng thời là cửa ngõ của cực Bắc Tây Nguyên. Phía bắc giáp huyện Phước Sơn (Quảng Nam), phía tây có đường biên giới dài 130 km giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, phía Nam giáp huyện Ngọc Hồi và phía đông giáp huyện Đắk Tô.
Sau gần 10 năm trở lại vùng đất biên giới xa xôi này, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi huyện biên giới Đắk Glei khoác trên mình một diện mạo mới. Cửa khẩu quốc tế Bờ Y và tuyến đường Hồ Chí Minh đã biến Đắk Glei trở thành khu vực khởi đầu của hội nhập, điểm trung chuyển quan trọng trên tuyến thương mại quốc tế Việt Nam - Lào - Thái Lan, mở ra vận hội mới để Đắk Glei vươn lên, thoát cảnh đói, nghèo. Kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Nhưng có lẽ, những bước phát triển trong lĩnh vực GD-ĐT có ý nghĩa hơn cả.
Điều đáng vui mừng hơn cả là người dân đồng bào dân tộc thiểu số giảm bớt được gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” cho con em đi học, chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.
Chia sẻ về những bước phát triển của ngành GD-ĐT địa phương, thầy Lê Hải Lâm – Trưởng phòng GD&ĐT Đắk Glei phấn khởi nói: Cũng như nhiều huyện miền núi, biên giới khác trong cả nước, với địa hình hiểm trở lại bị sông núi chia cắt nên sự nghiệp phát triển giáo dục nơi đây gặp phải vô vàn khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngành GD-ĐT, cũng như tạo điều kiện giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chế độ, chính sách hỗ trợ rất kịp thời.
Nhất là trong lĩnh vực GD-ĐT, nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện, rồi chương trình SEQAP hỗ trợ bữa ăn bán trú cho HS, Nghị định 116… đã tạo nên một làn gió mới cho giáo dục vùng khó.
Các bé mẫu giáo ở huyện biên giới Đắk Glei đón khách quốc tế đến tham quan trường |
Khát vọng ngày mới
Thầy Lê Hải Lâm cho biết: Trong thời gian tới, với những chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, ngành GD-ĐT Đắk Glei tiếp tục tập trung vào nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò. Từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho HS.
Rà soát, điều chỉnh và tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; chú trọng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số và tích cực hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở các vùng khó khăn. Đẩy mạnh thực hiện rà soát, quy hoạch đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT...
Chặng đường phát triển GD-ĐT phía trước của huyện biên giới Đắk Glei vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách, tuy nhiên, với sự chuyển động đi lên tích cực của cả hệ thống chính trị sẽ khẳng định sự tiếp nối truyền thống, ý chí và nghị lực vươn lên chống chọi với thiên nhiên và hoàn cảnh khắc nghiệt để tiếp tục thực hiện sự nghiệp trồng người trên địa bàn vùng cao, biên giới.