Trên kênh truyền hình Pháp LIC, ông Peskov đã được hỏi liệu Moscow có cân nhắc việc cắt đứt quan hệ sau khi hàng chục đặc phái viên của mình bị tuyên bố không còn tư cách ở thủ đô các nước thuộc NATO.
“Có một nguy cơ tiềm ẩn như thế, hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với những hành động như vậy. Trục xuất các nhà ngoại giao Nga là một quyết định đóng lại cánh cửa quan hệ ngoại giao” – ông Peskov trả lời.
Italy, Tây Ban Nha và Đan Mạch đã trục xuất tổng cộng 70 đại diện của Nga hôm 5/4. Trước đó Đức và Pháp cũng lần lượt trục xuất 35 và 40 nhà ngoại giao Nga.
Việc trục xuất được thực hiện sau khi hình ảnh của thường dân được cho là thiệt mạng ở Bucha, phía bắc Kiev được chính phủ Ukraine và các phương tiện truyền thông phương Tây công bố. Kiev cáo buộc quân đội Nga tàn sát dân thường theo cách mà họ cho là hành động diệt chủng. Moscow phủ nhận cáo buộc này và cho biết Ukraine và một số nước ủng hộ đang tiến hành một chiến dịch đưa tin giả.
Tuy nhiên, các nước phương Tây đã bắt đầu trục xuất các nhà ngoại giao Nga thậm chí trước khi có tuyên bố về Bucha. Hơn 40 nhân viên Ngoại giao Nga đã bị trục xuất từ Bỉ, Hà Lan và Ireland ngày 29/3.
Ba Lan không chỉ trục xuất 45 nhà ngoại giao khi cho rằng họ là gián điệp mà còn đóng băng tài khoản của đại sứ quán Nga vào ngày 3/3. Nga cho đây là vi phạm Công ước Vienna vốn điều tiết quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.
Mặc dù Mỹ và đồng minh đều không chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow sau sự leo thang của xung đột ở Ukraine, nhưng họ đã đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt và hạn chế để loại bỏ Nga khỏi những gì họ mô tả là “cộng đồng quốc tế”.
Các lực lượng Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2 trong hoạt động mà Moscow cho rằng nhằm phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” Ukraine.
Ukraine bác bỏ đây là cuộc tấn công vô cớ. Nhiều quốc gia trên thế giới phản đối cuộc tấn công này và áp lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế và các cá nhân Nga.