Điển hình tích cực tại vùng cao

GD&TĐ - Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương về “Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT”; thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo nguyên lý “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các mô hình dạy học gắn với thực tiễn. Là một tỉnh miền núi tuy còn nhiều khó khăn, song nhiều cơ sở giáo dục tại Lao Cai đã thực hiện thành công các mô hình dạy học tích cực này.

Điển hình tích cực tại vùng cao

Đẩy mạnh mô hình nghiên cứu khoa học kĩ thuật

Trường THPT số 4 Văn Bàn, tỉnh Lào Cai là một trong những cơ sở GD&ĐT đi đầu trong việc áp dụng thực hiện mô hình trường học gắn liền với thực tiễn.

Để thực hiện mô hình này, BGH nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT. Đồng thời, nhà trường tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và toàn thể nhân dân địa phương nhằm tạo sự thống nhất cao trong dư luận xã hội.

Trải qua hơn ba năm thực hiện mô hình trường học gắn liền với thực tiễn, Trường THPT số 4 Văn Bàn đã trở thành mô hình điểm của ngành giáo dục Lào Cai. Mục tiêu phấn đấu của thầy và trò đặt ra đó là: Sẽ xây dựng trường thành mô hình điểm của cả nước trong việc xây dựng mô hình trường học gắn liền với thực tiễn.

Trong những năm qua, cùng với sự cố gắng của thầy và trò, nhà trường đã đạt được những kết quả khá cao trong các cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh cũng như cấp quốc gia (giải ba quốc gia thi KHKT năm học 2015 - 2016, giải nhất quốc gia cuộc thi “Sáng tạo xanh” năm 2016...).

Tại trường hiện có những sản phẩm đang được ứng dụng rất hiệu quả: Để đảm bảo giờ giấc các tiết học, tránh việc đánh trống sai giờ, quên trống, Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học nhà trường đã tìm tòi học hỏi, nghiên cứu và đưa vào sử dụng máy đánh trống điện tử tự động, giải phóng được một lao động chuyên trực trống. Hay để tránh việc quên tắt điện ở những khu vực chung, các em học sinh dưới sự hướng dẫn của thầy cô đã nghiên cứu, lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống chiếu sáng tự động.

Hệ thống chiếu sáng sẽ tự động bật khi trời tối và tự động tắt khi trời sáng. Xuất phát từ ý tưởng: diện tích nhà trường rất rộng mà chỉ có một bảo vệ, việc bảo vệ an ninh trật tự vào ban đêm gặp nhiều khó khăn, vì thế Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học đã tiến hành nghiên cứu, lắp đặt hệ thống chống trộm tự động ở những khu vực xung yếu với tính năng tự động tắt vào ban ngày; tự động hoạt động khi trời tối (khi có người lạ vào khu vực đó, máy sẽ tự động phát sáng và báo chuông) giúp bảo vệ kịp thời nắm bắt và xử lý.

Tại Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà, cô Lưu Thị Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết: Từ thực tế chăm sóc đàn gà với mô hình VAC, các em HS đã nảy sinh ý tưởng làm máy dọn phân gà. Dự án nghiên cứu khoa học này đã tham dự vòng thi ý tưởng, được lựa chọn tiếp tục tham dự vòng thi cấp tỉnh năm 2016 và đạt giải ba cấp tỉnh.

Ngoài ra, các em học sinh khối 10 đã tham gia cuộc thi “Nuôi tinh thể - Thắp sáng ước mơ” đạt giải khuyến khích. Dự án Liên môn: làm máy sấy quần áo cho học sinh nội trú – dự án đạt giải nhì cấp tỉnh.

Tiếp nối, năm học 2016 - 2017 đã có 7 dự án đăng ký dự thi cấp tỉnh. Trong đó có các dự án “Máy tự động dọn rác trên mặt nước” của lớp 11B, Dự án “Ứng dụng trồng rau mầm cho các trường thực hiện mô hình: Trường học nông trại” của học sinh khối 8; Dự án “máy lọc nước cho người nghèo” của học sinh lớp 11B; Dự án “Bảo tồn phát huy lễ hội nhảy lửa của người Dao”- của học sinh lớp 11A.

Các dự án đã được đánh giá là có tính khả thi cao, có khả năng áp dụng vào thực tiễn và đặc biệt khẳng định hiệu quả của mô hình “Trường học gắn với thực tiễn”. Điều này đã lan tỏa tới toàn thể CBGV và học sinh trong toàn trường, thúc đẩy tinh thần nghiên cứu, khám phá của học sinh dân tộc nội trú.

Công tác xây dựng mô hình “trường học nông trại ”

Thầy Nguyễn Minh Tuân, Hiệu trưởng Trường THPT số 4 Văn Bàn (Lào Cai) chia sẻ: Để giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách trực quan nhất, hướng tới các kiến thức mà các em học được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, nhà trường đã lựa chọn xây dựng mô hình trường học: Trường học nông trại (V-A-C-R) với hệ thống vườn - ao - chuồng - rừng. Mỗi hoạt động của mô hình đều giúp kiến thức học được trở nên thực tế hơn, cụ thể và dễ hiểu hơn.

Tiếp nối “Chương trình 100 luống rau sạch” do Công đoàn nhà trường phát động, hiện nay nhà trường đã cho quy hoạch lại vườn rau với mục tiêu “mỗi học sinh bán trú trồng một luống rau và nuôi một con gà”. Các em trồng rau, nuôi gà, chăm sóc bồ câu bằng những kiến thức tiếp thu được từ sách vở, từ học hỏi bạn bè, từ tìm hiểu trên internet, đồng thời hoạt động này cũng góp phần cải thiện cho bữa ăn bán trú hàng ngày, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.

Đối với mô hình ao cá, thông qua việc học tập kiến thức sinh học, học sinh sẽ biết được ao của trường mình phù hợp với việc nuôi những loại cá nào. Qua việc chăm sóc, dọn ao, cho cá ăn hàng ngày, học sinh sẽ ghi nhớ được kiến thức môn học một cách trực quan, sinh động.

Còn với mô hình “rừng”, từ khi chuyển sang địa điểm mới, nhà trường đã chủ trương trồng cây keo, loại cây dễ sống, chịu được thời tiết khắc nghiệt và phát triển nhanh. Đến nay, nhà trường đã có một rừng keo khoảng 5.000 cây, bước đầu cho khai thác. Liên quan đến việc duy trì và phát triển mô hình rừng, nhà trường cũng giao cho giáo viên, sinh học xây dựng bộ tài liệu học nghề trồng keo và đang từng bước đưa vào giảng dạy bộ môn nghề Lâm sinh.

Từ việc xây dựng mô hình trường học gắn liền với thực tiễn, nhà trường đang từng bước xây dựng cảnh quan trường lớp xanh - sạch - đẹp gắn với các hoạt động học tập, sinh hoạt hàng ngày của học sinh, giúp học sinh biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Các hoạt động này luôn gắn với chủ trương đổi mới giáo dục, đổi mới dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo.

Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Bắc Hà cũng là điểm sáng tích cực của mô hình Trường học nông trại. Qua ba năm thực hiện, nhà trường đã tổ chức các hoạt động thực tiễn gắn với mô hình trường: đó là các hoạt động: Muối dưa, làm lạp sườn, thịt hun khói, trồng và chăm sóc rau tại vườn rau nhà trường, chăm sóc lợn, gà, chim và hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Nhìn lại thành quả công tác chăn nuôi và trồng trọt của nhà trường liên tục duy trì với 6 chuồng gồm 45 đến 50 con. Đặc biệt nhà trường vẫn tiếp tục chú trọng phát triển đàn lợn đen bản địa Bắc Hà. Khu vực trồng rau xanh cũng được liên tiếp, luân phiên với tổng số diện tích đất trồng rau duy trì khoảng 500m2 với nhiều loại rau phù hợp theo mùa. Nguồn thu hoạch rau xanh hàng năm ước tính cũng lên tới hàng chục triệu đồng.

Cô Lưu Thị Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hiệu quả đem lại từ mô hình là nguồn thực phẩm sạch được tăng cường trong các bữa ăn của học sinh. Ngoài ra, các em còn được giáo dục kỹ năng sống, tình yêu lao động, ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tự lập, tích cực và đặc biệt là lòng tự hào về mái trường nội trú thân yêu.

Trước những thành công này, Tổ nghiên cứu của trường đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá; bước đầu tập hợp tài liệu nhằm biên soạn thành bộ tài liệu phục vụ dạy học gồm có: Tài liệu về trồng rau, chăn nuôi.

Các nội dung về trồng trọt, chăn nuôi đã được tích hợp trong nhiều môn học của nhà trường như: Công nghệ, Sinh, Hóa, Địa, Lý, Toán, Văn… Điểm mới trong công tác mô hình gắn với thực tiễn của nhà trường là đã thúc đẩy, định hướng cho học sinh tích cực trong công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Gắn kết với mô hình “Trường học đa văn hóa”

Thầy Nguyễn Xuân Toàn, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Nhằm phát huy và bảo vệ văn hóa dân tộc tại địa phương, nhà trường đã tìm ra các giải pháp để tuyên truyền phát triển văn hóa các dân tộc trong cộng đồng. Để triển khai có hiệu quả, BGH trường đã rà soát chương trình hiện hành với môn học/các hoạt động giáo dục có liên quan đến việc xây dựng mô hình trường học đa văn hóa, từ đó tuyên truyền về các lễ hội của các dân tộc sinh sống trong huyện Bắc Hà.

Thông qua việc khảo sát thực tế, các giáo viên đã tiến hành lập kế hoạch, xây dựng, biên soạn các bộ tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy. Trong suốt năm học, nhà trường cũng đã tổ chức đổi mới các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học gắn với mô hình nhà trường.

Qua việc khuyến khích học sinh tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, nhà trường đã hướng học sinh biết trân trọng và giữ gìn những vốn quý đó. Những tập tục văn hóa trong các dịp lễ tết cùng những điệu ca lời hát đã được các em học sinh biểu diễn trong những dịp sinh hoạt tại trường cũng như tại cộng đồng.

“Nhà trường cũng đã bố trí một không gian rộng, thoáng đãng để trưng bày các mô hình, dụng cụ sản xuất của các dân tộc, hình ảnh hoạt động của 54 dân tộc Việt nam.

Tại đây, học sinh được tham quan, tìm hiểu về các hoạt động của các dân tộc khác nhau. Vì vậy, các em thấy tự hào và gắn bó hơn với ngôi trường của mình. Việc xây dựng môi trường học tập đa văn hóa không chỉ gắn kết các em ở nhiều dân tộc khác nhau mà còn giáo dục các em biết giữ gìn bảo vệ bản sắc và nguồn cội của mình” – thầy Nguyễn Xuân Toàn tâm sự.

Trên thực tế, các hoạt động xây dựng mô hình “nhà trường đa văn hóa” đã giúp cho cán bộ quản lý, giáo viên hiểu và từng bước có nhận thức mới về đổi mới giáo dục. Thông qua hoạt động trải nghiệm thực tiễn, giáo dục kỹ năng sống, học sinh được học chủ động, sáng tạo và hứng thú hơn trong học tập. Cũng nhờ việc hướng dẫn các em tìm hiểu về cội nguồn văn hóa dân tộc mình, mà các hoạt động văn hóa trong nhà trường càng sôi nổi và phong phú hơn.

Nhà trường đã tổ chức thành công Hội trại 26/3 với nhiều hoạt động, huy động được đông đảo Đoàn viên, thanh niên tham gia; Tổ chức thành công Lễ tri ân và trưởng thành học sinh lớp 12 năm 2017. Các trò chơi dân gian cũng được tổ chức trong Tuần sinh hoạt tập thể.

Điều này đã tác động đến việc xây dựng mô hình đến chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục của nhà trường. Tạo không khí thi đua, học tập sôi nổi, hào hứng trong tập thể giáo dục nhà trường. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của học sinh trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Để triển khai tốt mô hình trường học đa văn hóa, Chi bộ, Ban lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể của trường đã thống nhất trong mục tiêu, phương pháp quản lý cũng như chỉ đạo và điều hành; Tổ chức các hoạt động gắn với từng dân tộc trong địa phương, tìm sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc để học sinh đều có hiểu biết về bản sắc các dân tộc khác nhau, từ đó tiếp tục rèn kĩ năng sống cho học sinh.

Khi được tham gia tìm hiểu về tập tục văn hóa cũng như được biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc mình, các em đã hết sức hào hứng và tự tin. Điều này đã tạo động lực để các em hăng say và tích cực hơn trong những giờ lên lớp.

Với mục đích nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho HS, ngành GD - ĐT đã triển khai có hiệu quả các mô hình trường học gắn liền với thực tiễn:
lBGH tại các trường thường xuyên phối, kết hợp với các tổ chức: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên, tổ chức tốt các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, thường xuyên luyện tập và tham gia thi đấu và biểu diễn nhân các ngày lễ, hội thi của huyện, của ngành và của trường.
lGiáo dục các em tinh thần lao động: tham gia tăng gia sản xuất, nuôi lợn, trồng rau xanh cải thiện đời sống, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn; Phát huy sáng tạo trong học tập và NCKH.
lTiếp tục huy động nguồn ủng hộ từ cha mẹ học sinh, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân;Tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh, học sinh nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.