Phú Thọ mô hình trường học gắn với thực tiễn: Mũi tên trúng nhiều đích

GD&TĐ - Mỗi ngày đến trường trở thành một ngày vui vì HS không chỉ học kiến thức mà còn được tham gia trực tiếp vào quá trình lao động, sáng tạo và trải nghiệm thực tế... thông qua mô hình GD gắn với thực tiễn cuộc sống. 

Mô hình “Trường HS thái gắn với vườn rau sạch...
Mô hình “Trường HS thái gắn với vườn rau sạch...

Mô hình này vừa giúp các em tích lũy thêm nhiều kỹ năng, kiến thức bổ ích từ thực tế đồng thời góp phần tạo môi trường học tập, thực hành tiện lợi nâng cao hơn nữa chất lượng GD toàn diện.

Khi học đi đôi với hành

Mô hình GD gắn với thực tiễn cuộc sống bắt đầu được các trường tiểu học trên địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ triển khai từ năm học 2016-2017 nhằm giúp HS gắn học tập với thực tiễn đời sống.

Chứng kiến một giờ học ngoại khóa của các em HS lớp 5B Trường Tiểu học Cổ Tiết mới cảm nhận sự sôi nổi, hào hứng của bọn trẻ khi được trải nghiệm việc chăn nuôi gà sao và trồng rau sạch tại Khu nông trại của nhà trường.

Em Dương Đỗ Thùy Linh - HS lớp 5B chia sẻ: “Được trực tiếp tham gia làm việc tại Khu nông trại của nhà trường giúp chúng em hiểu rõ hơn về các loại cây trồng, các con vật có ích, công việc của các bác nông dân.

Hơn nữa từ khi có nông trại của nhà trường chúng em cảm thấy có hứng thú hơn với các môn học và về nhà em cũng có thể giúp đỡ bố mẹ được nhiều hơn”.

Mô hình “Trường học gắn với thực tiễn cuộc sống, sản xuất tại địa phương” được triển khai có hiệu quả không chỉ ở các huyện đồng bằng, trung du mà cả các huyện miền núi, vùng cao.

Để triển khai mô hình này cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện, Phòng GD&ĐT Yên Lập đã nghiên cứu nội dung cụ thể của từng mô hình vừa đảm bảo định hướng sát với nhiệm vụ GD tiểu học, đồng thời phù hợp với đặc điểm, địa hình, cuộc sống ở từng địa phương.

Phòng đã chỉ đạo điểm 3 mô hình tại các trường tiểu học Mỹ Lung, Hưng Long và Thượng Long. Dựa vào điều kiện thực tế, mỗi trường lại lựa chọn một mô hình thực hiện riêng:

Nếu như Trường Tiểu học Mỹ Lung chọn “Trường học nông trại chăn nuôi” thì Trường Tiểu học Hưng Long lại chọn “Trường học nông trại trồng trọt” và Tiểu học Thượng Long là “Trường học nông trại rau xanh”.

Qua một năm, các trường đã có được những dấu ấn riêng từ mô hình với hình ảnh chung về cảnh quan là lối đi sạch sẽ, xanh mát, những bồn hoa xen lẫn những khu vườn rau sạch, những luống ngô xanh ngắt, một số chiếc chuồng nhỏ xinh nuôi thả chim bồ câu, gà...

Ngoài thay đổi về cảnh quan, mô hình còn tác động sâu sắc đến nhận thức và tình cảm của cha mẹ HS với những hoạt động mà con em họ được học, được làm và được tự thể hiện.

Nói về hiệu quả của mô hình này, cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Long, huyện Yên Lập cho biết: “Thực hiện mô hình GD mới đã giúp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về đổi mới toàn diện GD.

Từ khi triển khai thực hiện mô hình này, các thầy cô giáo của nhà trường đã áp dụng phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới, thường xuyên gần gũi quan tâm, giúp đỡ HS ngay trong quá trình học tập, đây cũng là hình thức gắn học lý thuyết với thực hành nhờ đó chất lượng GD tại trường trong những năm gần đây được nâng cao rõ rệt”.

Mũi tên trúng nhiều đích

Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, từ năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tất cả các Sở GD&ĐT triển khai thí điểm mô hình GD nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất - kinh doanh của địa phương.

Theo đó Sở GD&ĐT tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường phổ thông có đủ điều kiện triển khai mô hình trường học mới; lựa chọn các đơn vị thực hiện điểm mô hình cấp tỉnh, từ đó các đơn vị tích cực triển khai, nhân rộng mô hình điểm ra các cơ sở GD khác. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm định hướng nghề nghiệp cho HS, giúp các em có thể lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT.

Các mô hình được thực hiện triển khai thí điểm cấp tỉnh như mô hình: “Trường học gắn với di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ”; “Trường học gắn với di sản Hát Xoan”; “Trường học gắn với cây bưởi đặc sản Đoan Hùng”; “Trường học gắn với làng nghề đan lát”; “Trường học gắn với vườn chè”…

Qua một năm thực hiện các mô hình đã tạo ra sự thay đổi lớn về hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Tạo được môi trường, không khí học tập thân thiện, thoải mái, giúp HS hứng thú và phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập;

HS được thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong đời sống nhiều hơn; giảm áp lực trong các giờ học lý thuyết căng thẳng, trừu tượng trên lớp; biết trân quý những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc… góp phần giúp HS phát triển toàn diện, nâng cao kiến thức về kỹ năng sống, giúp các em năng động, sáng tạo, thích nghi tốt với môi trường sống, các em có cơ hội để thể hiện năng lực, phẩm chất qua thực tế, đồng thời góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng GD toàn diện trong các nhà trường phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Phùng Quốc Lập – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Việc thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn sản xuất - kinh doanh góp phần thực hiện đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, gắn học tập với thực hành, gắn lý thuyết với thực tiễn; làm rõ thêm về cơ sở lý luận và thực tiễn để từng bước tiếp cận chương trình GD phổ thông mới, tạo môi trường học tập, thực hành tiện lợi, cảnh quan nhà trường xanh, sạch, đẹp, góp phần làm tốt công tác GD hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS và THPT”.

... và nuôi gà sao” của HS Trường Tiểu học Cổ Tiết, huyện Tam Nông (Phú Thọ)

... và nuôi gà sao” của HS Trường Tiểu học Cổ Tiết, huyện Tam Nông (Phú Thọ) 

Tuy đạt được nhiều lợi ích, song việc triển khai mở rộng mô hình GD mới là không hề dễ do nguồn kinh phí hạn chế, diện tích vườn trường không đủ rộng, các làng nghề, vườn cây, trang trại, di sản phân bố không đều, xa trường, cán bộ, giáo viên thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện, chưa có nhiều mô hình chọn được sự gắn kết đặc thù tiêu biểu để học tập, một số trường chưa thực sự vào cuộc, một bộ phận giáo viên còn ngại khó, ngại quản lý HS khi tham gia mô hình…

Để thực hiện có hiệu quả mô hình trường học gắn với thực tiễn cuộc sống đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm rất lớn từ phía các nhà trường cũng như sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và phụ huynh HS.

Vì thế, các nhà trường cần làm tốt việc tuyên truyền, vận động để chính quyền địa phương, cán bộ, giáo viên, HS, cha mẹ HS và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan quản lý di sản trên địa bàn hiểu, tham gia tích cực; tăng cường GD tư tưởng, chú ý tạo hứng thú cho HS khi tham gia hoạt động, quan tâm đến nguyện vọng và phát huy năng lực sở trường của các em; làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện các nhiệm vụ GD trong đó xã hội hóa GD là một trong những giải pháp quan trọng để huy động xã hội chung tay, góp sức cùng nhà trường thực hiện hiệu quả mô hình.

Đồng thời cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên khi triển khai thực hiện các hoạt động thực tiễn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham quan, học tập kinh nghiệm ở các cơ sở GD đã áp dụng hiệu quả mô hình này…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ