Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024-Thách thức và cơ hội của báo chí

GD&TĐ - Chiều 15/3, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TTTT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và UBND TP HCM tổ chức khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024 diễn ra tại TP HCM, còn có Diễn đàn báo chí toàn quốc. Diễn đàn gồm 12 phiên, trong đó có 2 phiên toàn thể (khai mạc và bế mạc) cùng 10 phiên thảo luận, với 10 chủ đề thời sự, nóng bỏng về xu hướng báo chí hiện đại.

Phát biểu chào mừng diễn đàn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ vui mừng vì đây là lần đầu tiên UBND TP cùng phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam để đăng cai Hội Báo toàn quốc, là ngày hội lớn nhất trong năm của những người làm báo.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, hiện nay tại TPHCM có đầy đủ các cơ quan đại diện của các báo, tạp chí, báo nói, báo hình của trung ương, địa phương; đồng thời, TPHCM cũng đang có nhiều cơ quan báo chí, truyền thông của thành phố hoạt động báo chí rất sôi nổi, góp phần đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phát biểu chào mừng Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phát biểu chào mừng Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024.

Chủ tịch UBND TP HCM cũng chia sẻ về nhiều cơ hội, thách thức của TPHCM, với tư cách là một cực tăng trưởng và là “đầu tàu” của cả nước trong chuyển động của kinh tế khu vực và toàn cầu.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng “đặt hàng” các cơ quan báo chí ở trung ương, địa phương và TP HCM tạo các chuyên mục, diễn đàn chuyên đề để góp ý, hiến kế cho quá trình triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo Nghị quyết 98 trong thời gian tới.

Tham luận tại diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra đánh giá tổng quan về báo chí đương đại và những dự báo trong xu hướng chuyển đổi số của báo chí hiện đại.

Ông Lê Quốc Minh cho biết, kết quả khảo sát cho thấy tình hình phát hành báo in đang sụt giảm không chỉ ở phạm vi toàn cầu, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đối với nhiều cơ quan báo chí trong nước.

“Đối với xu hướng báo chí toàn cầu, khảo sát về tổng doanh thu từ độc giả chiếm khoảng 83%, kế đến là nguồn thu từ phát triển sản phẩm và tìm kiếm doanh thu khác, vốn là những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư hiện nay”, ông Lê Quốc Minh cho biết cho hay.

Ông Lê Quốc Minh chia sẻ tại sự kiện.

Ông Lê Quốc Minh chia sẻ tại sự kiện.

Chia sẻ tại diễn đàn báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhìn nhận, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vài năm trở lại đây, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là “Ai, cái gì, khi nào và ở đâu”, tức là rộng hơn việc đưa tin.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về và giữ vững những giá trị cốt lõi và sứ mệnh ban đầu của báo chí cách mạng. Giữ cái bất biến này để ứng vạn biến. Cái vạn biến này chính là cách mà chúng ta làm báo. Không gian sáng tạo vô hạn của chúng ta là ở đây. Công cụ để thực hiện sự sáng tạo vô hạn đó chủ yếu là công nghệ số.

Sau lễ khai mạc, Diễn đàn báo chí toàn quốc tổ chức 3 phiên thảo luận chuyên đề, với các chủ đề: “Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí”; “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí’ và ‘Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ