Từ những điều giản dị
Mỗi sáng thứ 2 đầu tuần, học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình lên lớp. Nếp sinh hoạt này được duy trì nhiều năm bằng ý thức tự giác của các em.
Em Lò Văn Quân, lớp 11B3, chia sẻ: Mỗi bạn đều mang theo hai đến vài bộ trang phục truyền thống khi đến trường. Em có 3 bộ để thay đổi thường xuyên. Không chỉ duy trì như lịch đã quy định, Quân và nhiều bạn còn mặc vào các ngày khác trong tuần.
“Ở trường, chúng em được thầy cô giáo dục để hiểu và yêu hơn bộ trang phục của dân tộc mình. Em thấy, trang phục mỗi dân tộc có nét đẹp riêng. Vì thế, các bạn đều tự giác mặc và tự hào về điều đó”, Quân tâm sự.
Theo cô Nguyễn Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, mỗi học sinh từ khi bước chân vào “ngôi nhà chung” đều được giáo dục về niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Để từ đó, các em có ý thức và trách nhiệm trong mỗi việc làm, hành động của mình.
“Nhà trường mong học sinh hiểu được rằng, mỗi em là đại diện văn hóa của một dân tộc, vùng quê. Vì vậy, chúng tôi luôn tạo điều kiện để các em được thể nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp xúc với giá trị văn hóa của các dân tộc khác. Mặc trang phục truyền thống là điều đơn giản nhất nhưng đem lại hiệu quả thiết thực”, cô Huệ cho biết.
Không phải trường nội trú, song Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên) có đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có gần 150 học sinh ở bán trú. Bởi vậy, nhà trường luôn khuyến khích học sinh phát huy các giá trị, nét đẹp văn hóa dân tộc mình trong hoạt động sinh hoạt, học tập.
Cô Lê Thị Kiều Oanh - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Bên cạnh việc xây dựng ý thức tự giác, tổ chức các chương trình ngoại khóa, giao lưu, trải nghiệm văn hóa các dân tộc, nhà trường còn triển khai lồng ghép chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học.
“Trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, các em được truyền đạt về gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc qua hình thức tích hợp các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… Mỗi thầy cô đều xây dựng kế hoạch, bài giảng cụ thể để có những giờ học mang tính thực tế, thông qua trải nghiệm văn hóa bản địa”, cô Oanh cho hay.
Còn tại Trường THPT Nà Tấu (TP Điện Biên Phủ), vai trò của Đoàn Thanh niên được phát huy hiệu quả trong việc quy tụ, xây dựng và hướng học sinh vào các hoạt động giàu bản sắc.
Hàng năm, Đoàn trường đều phối hợp với các tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, phong trào thi đua. Tiêu biểu như phong trào “Mỗi ngày 1 tin tốt, mỗi tuần 1 câu chuyện đẹp”, các chương trình về nguồn gắn với cơ sở.
“Trong mỗi hoạt động, Ban Chấp hành đã khéo léo đưa nội dung, hoạt động giáo dục truyền thống, tình yêu văn hóa dân tộc để kết nối, gắn kết các em lại với nhau. Đặc biệt là chương trình về nguồn, không chỉ nâng cao ý thức trách nhiệm với từng vấn đề cụ thể, mà thông qua những trải nghiệm thực tế, các em cũng thêm hiểu, yêu và tự hào với truyền thống văn hóa địa phương”, cô Đàm Thị Thanh Thảo - Bí thư Đoàn trường thông tin.
Kết nối tình yêu
Mới đây, hoạt động trải nghiệm “Ngày hội văn hóa dân tộc Thái” tại Trường Tiểu học Him Lam (TP Điện Biên Phủ) đã thu hút và để lại nhiều ấn tượng đặc biệt với giáo viên, học sinh, phụ huynh nhà trường.
Sân trường “biến” thành “bảo tàng” văn hóa Thái thu nhỏ, với nhiều góc trưng bày, trải nghiệm độc đáo. 60 học sinh, đại diện cho 30 lớp học tham gia với nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi, phong phú, hấp dẫn: Liên hoan văn nghệ; trình diễn trang phục truyền thống… Ngoài ra, những cô, cậu học trò “nhí” còn bị cuốn hút với gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa và du lịch; các trò chơi ném còn, múa sạp, xòe Thái…
“Đây là hoạt động nhà trường tổ chức gắn với Lễ hội Hoa ban – hoạt động văn hóa truyền thống đặc trưng của địa phương. Hơn cả kỳ vọng, buổi trải nghiệm không chỉ thu hút sự tham gia nhiệt tình, hào hứng của học sinh, mà còn gắn kết học sinh nhà trường cùng hướng đến tình yêu với văn hóa dân tộc địa phương”, cô Nguyễn Thu Huyền chia sẻ.
Còn tại Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, nhiều năm nay, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca - Dân vũ - Nhạc cụ - Trang phục dân tộc là nơi “kết nối” học sinh nhà trường với các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. CLB có khoảng 100 học sinh tham gia và sinh hoạt định kỳ theo từng tháng, với những chủ đề khác nhau.
Tham gia CLB ngay từ khi vào theo học tại trường, em Lò Thị Thu Hoài, lớp 11B5 đã tự tin hơn rất nhiều khi thể hiện tài năng ca hát của mình. Hoài tâm sự: Em rất vui khi được tham gia vào CLB. Đặc biệt là sau những giờ học căng thẳng, chúng em được ngồi lại với nhau để cùng hòa mình vào những bài hát dân tộc.
“Mặc dù chưa thực sự nhuần nhuyễn, song qua mỗi lần sinh hoạt, chúng em được chia sẻ, học hỏi lẫn nhau. Mỗi bạn được tự do thể hiện tình yêu với văn hóa dân tộc mình. Giờ đây, không chỉ hiểu thêm về văn hóa và nghệ thuật trình diễn của dân tộc Thái, em còn được tìm hiểu thêm nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc khác”, Hoài tâm sự.
Còn theo cô Nguyễn Thị Huệ, mỗi buổi sinh hoạt đều do các em xây dựng, thực hiện dựa trên hướng dẫn, quản lý của nhà trường. Nhờ vậy, tạo không khí thoải mái cho các em khi tham gia học tập. Học sinh tham gia câu lạc bộ, sau một thời gian đều tự tin hơn trong mọi hoạt động, sinh hoạt tại trường.