Thực hiện đồng bộ các giải pháp…
Ðể thống nhất trong triển khai thực hiện từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự phối hợp nhịp nhàng trong thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Điện Biên với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, đơn vị này đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo. Tham mưu giúp chính quyền cụ thể hóa 8 chính sách giảm nghèo tại địa phương.
“Trong quá trình thực hiện, Sở chủ động đôn đốc UBND cấp huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG. Hướng dẫn cách thức triển khai thực hiện, thường xuyên tham mưu cho tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các chính sách, dự án tại cơ sở để kịp thời phát hiện tồn tại, vướng mắc”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, những địa bàn khó khăn, người nghèo có điều kiện sản xuất, chủ động vươn lên. Ðến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề mang lại hiệu quả thiết thực.
Các chương trình, dự án về giảm nghèo đã được triển khai tích cực, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các chương trình, dự án khác. Cơ sở hạ tầng tại các xã và địa bàn khó khăn được cải thiện rõ rệt. Bộ mặt đô thị nhiều vùng dân cư nông thôn thay đổi đáng kể. Hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được phát triển và mở rộng. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục từ tỉnh đến huyện, xã và các điểm bản được tăng cường đầu tư, góp phần đưa tỉnh hoàn thành Ðề án “Ðầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên” và Ðề án “Ðầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú dân nuôi”.
Khi nguồn vốn phát huy hiệu quả…
Thực hiện các chính sách hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo, người nghèo, các chính sách an sinh xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Điện Biên đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong đào tạo, dạy nghề và việc làm.
Ðịa phương này đã triển khai thực hiện toàn diện Ðề án 1956, đào tạo nghề cho 40.650 lao động (bình quân đạt 8.130 lao động/năm), nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 57%. Với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a, Điện Biên đã đầu tư xây dựng 106 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, cấp điện nông thôn cho 5 huyện nghèo nhóm 1; 32 công trình cho 2 huyện nghèo nhóm 2 là Mường Chà và Tuần Giáo. Cũng từ nguồn vốn này, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ 1.293 lượt hộ, cộng đồng dân cư khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất. Thực hiện hỗ trợ 1.483 lượt hộ khai hoang, phục hóa và tạo ruộng bậc thang. Hỗ trợ 10.347 hộ tiền mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Riêng chương trình 135, tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng 259 công trình. Hỗ trợ 5.774 con trâu, bò cho hơn 8.000 hộ gia đình nghèo. Hỗ trợ 53.366 con gia cầm cho 692 hộ; hỗ trợ giống cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, cây lâm nghiệp cho 771 hộ; hỗ trợ 1.035 máy móc, thiết bị cho 981 hộ, hỗ trợ 3 hợp tác xã liên kết tiêu thụ dứa, dong riềng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo...
Ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo và đã mang lại hiệu quả tích cực. Đơn cử như ở huyện Mường Chà, sau thời gian thực hiện các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một thay đổi. Trong giai đoạn 2016 - 2019, huyện có hơn 600 hộ được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo. Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững.
Ðiển hình về hiệu quả của việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và bỏ qua thế độc canh về cây lương thực đó là mô hình trồng dứa tại các xã: Na Sang, Sa Lông, Mường Mươn đã đem lại hiệu quả cao so với những cây trồng khác.
Trước đây, người dân trồng dứa tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế mà cây dứa mang lại, huyện đã triển khai trồng dứa trên diện rộng theo hướng liên kết chuỗi, thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả. Hiện nay, cây dứa đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, mang lại lợi nhuận cao, từng bước giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Để cây dứa có chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người biết đến, huyện Mường Chà đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho dứa. Đồng thời, phối hợp cùng với các hợp tác xã tìm thị trường tiêu thụ ổn định, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Ðể phát triển bền vững từ việc trồng cây dứa, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến dứa tại địa phương, tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao hơn, góp phần nâng cao thương hiệu, tăng thu nhập cho người dân.
Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông