Điện Biên: Phát triển BHYT học sinh, sinh viên bền vững

GD&TĐ - Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Xác định rõ, bảo hiểm y tế học sinh sinh viên là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, trong những năm qua, BHXH tỉnh Điện Biên trên cơ sở những quy định của luật đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển BHYT học sinh, sinh viên một cách bền vững.

Điện Biên: Phát triển BHYT học sinh, sinh viên bền vững

 BHYT là một chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Học sinh, sinh viên là một trong những nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc đặc biệt được quan tâm. Khi tham gia BHYT, học sinh, sinh viên được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi như được quản lý về sức khoẻ, được chăm sóc bảo vệ, hướng dẫn phòng chống các bệnh học đường, các bệnh lây truyền, tệ nạn xã hội ngay tại trường học thông qua y tế trường học. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, BHYT học sinh, sinh viên có bước phát triển vượt bậc.

Đối với Điện Biên do điều kiện đặc thù nên chính sách BHYT đối với học sinh, sinh viên có điểm khác biệt. Theo quy định, mức đóng BHYT học sinh, sinh viên hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó, ngân sách TƯ hỗ trợ 30%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 20% nên các em chỉ phải nộp 50% giá trị thẻ BHYT.
Bà Lưu Thị Quý, PGĐ BHXH tỉnh Điện Biên cho biết: “Mỗi học sinh sẽ được cấp một mã số riêng theo quy định để quản lý đối tượng. Về đối tượng học sinh thì quyền lợi được hưởng như bình thường theo quy định của luật. Mặc dù mức đóng thấp hơn những vẫn được hưởng đầy đủ như cán bộ, công chức và các đối tượng khác khi đi khám chữa bệnh. Mặt khác lại còn được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học”.

Nhờ tham gia BHYT nên nhiều học sinh, sinh viên đã được chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ trường học. Có những trường hợp không may mắc trọng bệnh, chi phí điều trị quá lớn vượt quá khả năng chi trả của gia đình nhưng nhờ có tấm thẻ BHYT nên phần lớn chi phí điều trị đã được quỹ BHYT chi trả. Qua đó, giảm bớt gánh nặng, áp lực tài chính cho gia đình góp phần giúp các em yên tâm điều trị, phục hồi sức khỏe tiếp tục quá trình học tập.

Em Trần Thị Thanh Xuân từng là học sinh trường THPT Tp Điện Biên Phủ là một điển hình. Mấy năm gần đây, em bị suy thận cấp. Quá trình cấp cứu, điều trị khắp các bệnh viện quá tốn kém. Bản thân em thường xuyên phải chạy thận nhân tạo. Khoản chi phí đó đã vượt quá khả năng tài chính của gia đình bởi cả bố và mẹ em đều là lao động thủ công, thu nhập thấp. Tấm thẻ BHYT đã trở thành lá “bùa hộ mệnh” không thể thiếu đối với em và gia đình. Ông Trần Văn Diện trú tại tổ 11, P. Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ (Bố của em Xuân) cho biết: “Từ khi cháu bị bệnh thì cấp cứu rồi xuống BV Bạch Mai không có bảo hiểm thì riêng giai đoạn ấy nhà đã không đủ điều kiện rồi. Tôi thì rơi vào hoàn cảnh này thì tôi biết, mình mua bảo hiểm không mong gì bị ốm nhưng bây giờ có bảo hiểm thì nó giúp mình nhiều”.

Trường hợp tương tự, đó là em Ngô Thanh Tùng học sinh trường TH. Hà Nội - Điện Biên Phủ. Với căn bệnh viêm phổi thùy, Tùng phải trải qua đợt điều trị dài gần 20 ngày với chi phí khám, chữa bệnh, thuốc men lên đến 30 - 40 triệu đồng. Nhờ tham gia BHYT nên gia đình em được toán hầu hết chi phí này. Đối với bất cứ gia đình nào đây cũng là khoản tiền khá lớn nên được quỹ bảo hiểm chi trả đã giảm bớt áp lực về tài chính. Chị Nguyễn Thị Hải, Tổ 4, P. Noong Bua (mẹ của em Tùng) tâm sự: “Tôi thiết nghĩ mua bảo hiểm cho các cháu thì rất cần thiết vì mình mua không phải mong muôn con mình bị ốm, phải năm viện hay vì mục đích gì khác. Khi mua bảo hiểm nói đắt thì là đắt rẻ thì nó là rẻ thực ra không đáng là gì cả, khi nằm viện rồi mới thấy ý nghĩa của tấm thẻ bảo hiểm y tế là rất lớn.

Lợi ích của việc tham gia BHYT đã được khẳng định. Tuy nhiên, đâu đó nhận thức của một bộ phận người dân về BHYT học sinh, sinh viên vẫn còn hạn chế. Một số cở sở giáo dục, trường học chưa thấy rõ hoặc chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong triển khai BHYT chỉ tập trung thực hiện công tác thu mà thiếu đi công tác tuyên truyền, giải thích nêu rõ mục đích ý nghĩa cũng như nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh về việc tham gia BHYT.

Trước tình hình trên, BHXH Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên vào đầu năm học tại các trường học trên địa bàn. Trong đó tập trung nêu rõ mục đích, ý nghĩa cũng như mức đóng, phương thức đóng và các điểm cần lưu ý về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên. Trường THPT Phan Đình Giót có trên 800 học sinh. Trừ các em thuộc diện chính sách, các đối tượng khác được hưởng hỗ trợ, ưu tiên của nhà nước, còn lại nhà trường thông báo nội dung cụ thể đến giáo viên, phụ huynh và học sinh để tiến hành kê khai, lập danh sách và tổ chức thu tiền theo đúng quy định của ngành bảo hiểm. Về cơ bản hàng năm tỷ lệ học sinh của nhà trường tham gia bảo hiểm y tế đều đạt 100%.

Thầy Phí Văn Sốp, PHT Trường THPT Phan Đình Giót, Tp Điện Biên Phủ cho biết: “Như các trường khác các khoản đóng góp tương đối là nặng nề đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo bởi vậy trong tuyên truyền nhà trường để nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh về bảo hiểm thì nhà trường cũng giãn các khoản thu không bắt buộc thành nhiều kỳ để các em bớt khó khăn, nhờ vậy sựt ham gia khá tốt”.

Để phấn đấu đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT theo mục tiêu của BHXH Việt Nam đề ra, BHXH Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và triển khai đúng, đầy đủ các quy định trong thu BHYT học sinh, sinh viên; Phối hợp với các trường học trên địa bàn duy trì hiệu quả hoạt động của y tế học đường; Phối hợp với sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ đối với bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT nói chung và nhóm đối tượng học sinh, sinh viên nói riêng.

Qua thực tế triển khai có thể khẳng định: BHYT đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Tin tưởng rằng, với những quy định của pháp luật ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn, việc phát triển BHYT học sinh sinh viên sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra. Từ đó, không chỉ đảm bảo chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em mà còn đóng góp cùng cộng đồng xã hội san sẻ với các trường hợp gặp rủi ro, ốm đau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.