Theo đó, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 16% năm 2012 xuống còn hơn 9% năm 2016; có 6 triệu người thoát nghèo trong giai đoạn này. Trong đó, tỷ lệ nghèo cùng cực (thu nhập dưới 1,9 USD mỗi ngày) giảm còn 2% trong năm 2016. Thành tích giảm nghèo giúp Việt Nam đứng thứ 57 trong tổng số 193 nước thành viên Liên Hợp Quốc về chỉ số phát triển bền vững (SDGs) năm 2018, tăng 9 bậc so với năm trước.
Báo cáo nêu nhận định, chỉ số tiếp cận y tế ở Việt Nam đã cải thiện đáng kể do chính sách bảo hiểm y tế toàn dân được đẩy mạnh; tỷ lệ thiếu hụt thông tin giảm mạnh do sự phát triển của điện thoại thông minh và internet. Tuy nhiên, điều kiện nhà ở và vệ sinh chưa được cải thiện nhiều… Cũng theo nhóm nghiên cứu, tình trạng tái nghèo ở Việt Nam chủ yếu do thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng.
Bên cạnh kết quả đạt được, sự chênh lệch trong giảm nghèo giữa các nhóm dân tộc vẫn còn rất lớn. Năm 2016, nhóm dân tộc thiểu số có thu nhập và chi tiêu chỉ bằng một nửa người Kinh và Hoa; 44% người dân tộc thiểu số không có bằng cấp, cao gấp đôi người Kinh và Hoa. Người Kinh và Hoa có 75% được tiếp cận nhà vệ sinh hợp vệ sinh thì nhóm dân tộc thiểu số chỉ 24%.