Điện Biên nỗ lực thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

GD&TĐ - Đời sống đồng bào DTTS tỉnh Điện Biên ngày càng nâng cao, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Nhiều lớp học xóa mù chữ, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật được mở ra.
Nhiều lớp học xóa mù chữ, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật được mở ra.

Để chính sách đi vào cuộc sống

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các địa phương vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc, chính sách dân tộc gắn với mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa vùng đồng bào DTTS được xác định là một trong những nội dung trọng điểm và được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Theo ông Vũ Văn Công - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, qua 5 năm (2019 – 2024) thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Điện Biên lần thứ III, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Các địa phương thường xuyên chú trọng công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung tuyên truyền bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Vũ Văn Công chia sẻ: “Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua, được phát động để tăng cường nguồn lực xã hội hóa góp phần giúp đồng bào DTTS thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế, xóa nhà tạm… Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở”.

z5598470678091-aa8c0880eed2d0c4c0e100f28c79bb23-4345.jpg
Đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên nhờ các chính sách dân tộc.

Cùng với đó, triển khai các biện pháp thích ứng an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, tập trung huy động các nguồn lực và thực hiện lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó, thu được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội trong cộng đồng đồng bào DTTS.

Nhờ đẩy mạnh triển khai đồng bộ giải pháp, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Điện Biên bình quân giai đoạn 2019-2024 đạt khoảng 9,3%/năm. Tổng GRDP 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 11.400 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2023 (xếp thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 5/63 tỉnh thành). Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 46,51 triệu đồng. Thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2023 đạt 4.875 tỷ đồng.

Cụ thể hóa Nghị quyết về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Điện Biên đã triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực năm 2023 đạt 285.519 tấn (tăng hơn 7,9% so với năm 2018), lương thực bình quân đầu người năm 2023 đạt 442kg/người/năm.

Điện Biên cũng đã hình thành 72 sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, bảo đảm quy trình sản xuất, chế biến và có truy xuất nguồn gốc, được đánh giá phân hạng sản phẩm. Cùng với đó, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong xây dựng NTM, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều Quyết định về tiêu chí nông thôn mới (NTM) phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Toàn tỉnh hiện có 54 xã đạt chuẩn và cơ bản chuẩn NTM. Trong đó có 23 xã đạt chuẩn NTM và 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay), 1 xã NTM kiểu mẫu, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM.

Trên cơ sở các định hướng về cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo hướng đa dạng, với quy mô lớn hơn.

Tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn giai đoạn năm 2023-2025, định hướng phát triển 2030. Cơ sở hạ tầng du lịch và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội đã và đang được chú trọng triển khai.

Bên cạnh những kết quả đạt trong lĩnh vực kinh tế, trong nhiệm kỳ 5 năm, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, du lịch và thông tin truyền thông cũng ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chính sách an sinh xã hội cho đồng bào DTTS được quan tâm đặc biệt; cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục, y tế và các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS ngày càng được đầu tư khang trang, hiện đại và chất lượng được nâng cao.

Các thiết chế văn hóa tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gắn với du lịch cộng đồng ngày càng phát triển.

An ninh chính trị, trật tự an toàn vùng đồng bào DTTS bảo đảm, ổn định. Niềm tin của đồng bào các DTTS với Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng đồng bào DTTS được củng cố vững chắc.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả của chính sách

Với những kết quả đã đạt được sau nhiệm kỳ 5 năm, tỉnh Điện Biên đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm với những giải pháp thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc.

Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS số toàn diện, nhanh, bền vững. Đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc. Giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS. Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Cùng với đó, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng... nhằm mục đích cao nhất là củng cố và tăng cường sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

4-2-3961-4120.jpg
Công tác bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được chú trọng.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong thời gian tới tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Tăng cường huy động mọi nguồn lực, kêu gọi nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và vốn xã hội hoá từ các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng DTTS miền núi.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn thể xã hội về vị trí, nhiệm vụ của công tác dân tộc cũng như chính sách dân tộc trong tình hình mới. Xem việc thực hiện tốt chính sách Đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, nhân dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng trong công tác bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng và phát huy tốt các thiết chế văn hoá ở cơ sở…

“Với niềm tin vào sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, đồng bào các DTTS tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết ra sức lao động, sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng phát triển, góp phần cùng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” – ông Lò Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.