Làm việc với Đoàn khảo sát có ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Buổi làm việc còn có đại diện các Sở, Ban, ngành của tỉnh Điện Biên.
Nhiều kết quả sau 10 năm đổi mới
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã thông qua kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 tại địa phương. Theo đó, chất lượng, hiệu quả GD-ĐT có chuyển biến tích cực. Điện Biên từng bước xây dựng được nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt.
Tỉnh Điện Biên cũng có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập. Bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD-ĐT.
Tính đến nay, tỉnh Điện Biên có 486 cơ sở giáo dục, đào tạo với 7.561 lớp và trên 213 nghìn học sinh, sinh viên. Cụ thể hoá mục tiêu Nghị quyết số 29, toàn ngành đã tích cực đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, tỉnh Điện Biên đã nỗ lực đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục và đào tạo. Chương trình, kế hoạch, đề án triển khai giáo dục, đào tạo được tỉnh đề ra theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Điện Biên tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa theo tinh thần Nghị quyết số 29.
Ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên đã thực hiện xây dựng chương trình theo hướng tinh giản nội dung; phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Cùng với đó, triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo đúng lộ trình.
Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến; triển khai công tác giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình GDPT theo hướng giảm tải. Tập trung đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học đối với giáo viên và học sinh.
Cùng với đó, chú trọng thực hiện cải tiến phương pháp giảng dạy của giảng viên, cập nhật các phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận năng lực của người học, nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên thông qua kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29. |
Công tác dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.
Qua đó, 100% các trường mầm non, tiểu học tham gia tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của Đề án tăng cường tiếng Việt. 100% các trường mầm non, tiểu học tổ chức cho học sinh, giáo viên, phụ huynh tại trung tâm và các điểm trường giao lưu tiếng Việt.
Tiếp tục bám sát mục tiêu Nghị quyết
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 29, tỉnh Điện Biên còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư kiên cố hóa, tăng cường cơ sở vật chất. Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là các môn chuyên biệt nhưng biên chế vẫn phải cắt giảm theo lộ trình. Trẻ nhà trẻ tại các cơ sở giáo dục công lập không được hỗ trợ ăn trưa, mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú và học bổng cho học sinh các trường DTNT chưa đáp ứng nhu cầu.
Cùng với đó, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên là người dân tộc thiểu số thuộc vùng đặc biệt khó khăn không được hưởng hỗ trợ như học sinh bán trú. Cán bộ, giáo viên các trường có học sinh bán trú phải thực hiện những nội dung công việc như bán trú nhưng không có chế độ hỗ trợ...
Tại buổi làm việc, các đại biểu trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề cụ thể trong triển khai, đánh giá kết quả, vướng mắc, giải pháp liên quan đến thực hiện Nghị quyết số 29. Trong đó, tập trung vào vấn đề quy hoạch hệ thống và thực tế cơ sở vật chất trường chuyên biệt DTNT, DTBT; các chính sách, chế độ hỗ trợ của tỉnh để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nguồn lực thực hiện những chỉ tiêu, sự công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với các vùng, các dân tộc.
Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên thông tin thêm về một số vấn đề mà Đoàn khảo sát quan tâm. Đồng thời, kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm đưa các địa phương khó khăn như Điện Biên vào thực hiện những chương trình, đề án về tăng cường cơ sở vật chất giáo dục.
Ông Lê Thành Đô cũng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, ủng hộ địa phương bổ sung quy hoạch hệ thống trường đại học giai đoạn đến năm 2030, thực hiện các lộ trình xây dựng Trường Đại học Điện Biên.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao việc tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết của tỉnh Điện Biên. Cùng với đó, đề nghị Điện Biên bổ sung báo cáo làm rõ những mặt được, chưa được, việc phối hợp các sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong thực hiện Nghị quyết.
Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cần cụ thể hóa, tạo điểm nhấn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng tới đề xuất quy hoạch trường đại học. Tiếp tục tham mưu hiệu quả việc phổ cập giáo dục các cấp học.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Điện Biên tiếp tục bám sát các chỉ đạo, giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 29. Nâng cao trách nhiệm cấp ủy trong kiểm tra, giám sát, xây dựng kỷ cương trong các trường học. Thứ trưởng cũng yêu cầu Điện Biên chú trọng tuyên truyền chủ trương, chính sách, đổi mới trong giáo dục... Từ đó, phát huy điểm tốt, thực hiện Nghị quyết số 29 hiệu quả hơn, tham mưu triển khai phù hợp cho chặng đường mới.