Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Bộ GD&ĐT; Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Làm việc với Đoàn khảo có lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, Ban, ngành của tỉnh Lào Cai.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, sau khi có Nghị quyết 29, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt, triển khai. Tỉnh ủy Lào Cai cũng chỉ đạo tổ chức triển khai quán triệt Nghị quyết tới các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Qua đó, tạo được sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị, quyết tâm đổi mới GD-ĐT.
Trong 10 năm qua, để cụ thể hóa Nghị quyết số 29, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành 177 văn bản về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong đó, có một số văn bản chỉ đạo quan trọng mang tính chiến lược chỉ đạo trung và dài hạn.
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: “Sau 10 năm, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Lào Cai đã có bước tiến bộ vững chắc, đồng bộ từ vùng thấp đến vùng cao. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục tiểu học, THCS, THPT vững chắc hơn. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao. Thứ bậc về chất lượng giáo dục của tỉnh từng bước được cải thiện”.
Bà Dương Bích Nguyệt phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo đó, tỷ lệ trẻ đi học so với dân số trung bình tăng dần. Năm 2013, tỷ lệ học sinh/ tổng dân số đạt 26,3%. Đến năm 2022, tỷ lệ này đạt 29,1%.
Lào Cai chỉ đạo quy hoạch và đầu tư cơ bản hoàn thiện mạng lưới trường lớp, nhất là ở vùng cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số. Gắn xây dựng trường chuẩn quốc gia với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2022, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 66,1%.
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng. Từng bước thay đổi tư duy theo hướng chủ động, sáng tạo, tâm huyết và trách nhiệm.
Trong 10 năm qua, tỉnh Lào Cai có nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thi nghiên cứu khoa học. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng tiệm cận được với yêu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Học sinh được bồi dưỡng kỹ năng sống, chất lượng các môn học đạt được ở mức khá so với trung bình chung của cả nước. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Lào Cai nhận định: Xuyên suốt quá trình triển khai, 9 nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29 được tỉnh Lào Cai chú trọng triển khai với nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.
Ông Vũ Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. |
“Tỉnh Lào Cai luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển đổi mới giáo dục gắn với nhu cầu, định hướng phát triển của địa phương. Từ đó, ngành giáo dục đặt mục tiêu “thực dạy, thực học, thực nghiệm và “dạy tốt, học tốt”. Hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Để đạt được mục tiêu đó, mỗi nhiệm kỳ Lào Cai có từng Đề án, mỗi giai đoạn có những Nghị quyết chuyên đề, Chỉ thị để tập trung nguồn lực phát triển, đổi mới GD&ĐT” – ông Vũ Xuân Cường cho biết.
Phải đảm bảo tính hệ thống
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh Lào Cai cũng còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học nhất là những môn chuyên biệt. Có thời điểm giáo viên xin nghỉ việc nhiều (2 năm 2022 và 2023 có 212 giáo viên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác).
Ông Vũ Xuân Cường cho biết: Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, một số nơi vừa thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Điều đó dẫn đến một giáo viên phải dạy nhiều trường, dạy không đúng chuyên môn. Mặc dù địa phương đã có chỉ tiêu tuyển dụng bổ sung nhưng chưa kịp thời.
Ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc. |
Theo đó, tính đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai còn thiếu 1.106 biên chế. Trong năm học 2023 – 2024, tỉnh Lào Cai xây dựng kế hoạch tuyển dụng 608 biến. Tuy nhiên, do nguồn tuyển khó, không thu hút được nhiều đối tượng dự tuyển nên chưa bù lấp được khoảng trống thiếu giáo viên.
Để giảm gánh nặng thiếu giáo viên, tỉnh Lào Cai tiếp tục quy hoạch mạng lưới trường lớp giữa vùng cao, vùng khó khăn và vùng thuận lợi. Ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo. Cùng với đó, thu hút đối với giáo viên Tiếng Anh, Tin học... bằng chính sách hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ ngoài lương.
Ngoài ra, Lào Cai cũng xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên theo địa chỉ. Chưa thực hiện cắt giảm biên chế đối với ngành Giáo dục.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao kết quả mà Lào Cai đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai. |
Thứ trưởng nhận định: “Lào Cai triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 một cách bài bản, có chiều sâu và khoa học. Công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về đổi mới được địa phương, toàn ngành đẩy mạnh và đạt kết quả rõ nét. Nhiều mô hình của Lào Cai thể hiện tính sáng tạo, đổi mới, nhiều điển hình có thể nhân rộng ra cả nước. Vai trò tham mưu và tính quyết liệt rất rõ ràng, trách nhiệm, hiệu quả. Việc chú trọng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số luôn được địa phương đẩy mạnh”.
Từ kết quả đó, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị Lào Cai thực hiện đổi mới phải đảm bảo tính hệ thống. Tiếp tục nắm bắt để quan tâm hỗ trợ đến quyền học tập và phát triển của người học, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số, học sinh yếu thế. Coi trọng vấn đề an toàn trường học, vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư các công trình vệ sinh khi dồn ghép các điểm trường về trung tâm.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong muốn Lào Cai tiếp tục đầu tư có chiều sâu về đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên. Đầu tư phát triển chương trình giáo dục theo các cấp học, chương trình giáo dục địa phương. Chuẩn hoá cơ sở vật chất, phát triển quy mô trường lớp phù hợp với từng vùng miền, địa phương.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh Lào Cai cần có chính sách đặc thù với vùng miền, thu hút đối với đội ngũ giáo viên. Về phía Bộ GD&ĐT sẽ ghi nhận ý kiến, tiếp tục kiến nghị để Luật Nhà giáo sớm được ban hành. Qua đó, đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ nhà giáo, thu hút nhân lực có chất lượng cống hiến cho ngành GD&ĐT.