Điện Biên: Đổ tiền tỷ xây mới bến xe thành… “chùa bà đanh”

GD&TĐ - Đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới sang trọng, hiện đại hơn, song bến xe có quy mô lớn nhất Điện Biên lại rơi vào cảnh vắng như “chùa bà đanh”.

Bến xe khách Điện Biên Phủ mới xây dựng với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.
Bến xe khách Điện Biên Phủ mới xây dựng với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng.

Bến sang lại vắng xe, thưa khách

Sau hơn 1 năm thi công, ngày 31/12/2021, Bến xe trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) đã hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác. Đây được xem là mô hình “bến xe thông minh” hiện đại đầu tiên tại tỉnh Điện Biên, với thiết kế xây dựng đạt quy chuẩn loại I.

Theo quy hoạch được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt, bến xe đặt tại phường Thanh Trường, trên diện tích trên 15.000m2. Với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, bến đạt công suất 1.000 phương tiện xe khách ra vào/ngày, đêm. Khu vực bãi đỗ ô tô khách công suất 50 vị trí. Bến được thiết kế 2 cổng ra vào riêng biệt, mỗi cổng 2 làn xe có công suất thông qua đạt 54 phương tiện xe khách/1 giờ…

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) bến xe, cho biết: Việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động bến xe mới hiện đại hơn sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các đơn vị vận tải địa phương, cũng như tỉnh bạn. Đồng thời góp phần giảm ùn tắc giao thông trong khu vực đô thị.

Đặc biệt, vị trí đặt bến mới thuận lợi cho việc kết nối phương thức vận tải đường bộ bằng xe khách và đường hàng không, nhất là việc đi lại của hành khách. Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng, sau khi được đầu tư hiện đại, bến xe lại rơi vào tình cảnh “vắng khách” đến lạ thường.

Có mặt tại bến vào dịp sau Tết Nguyên đán – thời gian được cho là “cao điểm” vận chuyển khách hàng năm, song phóng viên ghi nhận chỉ lác đác vài nhân viên và lái xe. Trong suốt gần 1 giờ lưu lại tại bến, không có hành khách nào tới mua vé.

Vì không có khách nên chỉ có 1 nhân viên ngồi không tại quầy. Hàng ghế chờ phía trong trở nên lạnh lẽo. Phía ngoài bãi đậu xe khách cũng không kém phần ảm đạm, với vài ba chiếc xe đậu, đỗ chờ khách.

Mặc dù chỉ còn hơn chục phút nữa là đến giờ xuất bến, song anh Tòng Văn Hải, nhà xe Hải Anh vẫn sẵn sàng tiếp chuyện phóng viên. Anh Hải chia sẻ: “Nếu vào thời điểm trước đây thì không có thời gian để trò chuyện thế này. Nhưng bây giờ thì anh chị thấy đấy, xe không 1 mống khách. Không chạy không được, mà chạy cũng chẳng xong”.

Bên cạnh nguyên nhân chung do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh suốt 2 năm qua, thì theo anh Hải còn một nguyên nhân chủ quan khác mới phát sinh từ khi bến được đầu tư xây dựng về địa điểm mới.

“Hầu như người dân bây giờ họ ngại vào bến. Vì bến xây dựng ở địa điểm xa hơn, hiện đại hơn nên hành khách chưa quen. Đơn giản như muốn gửi một bao hàng thôi trước kia họ cứ quen chở cả xe máy đến tận cửa xe gửi khách. Bây giờ thì phải vào bến, khai báo y tế, gửi xe… nhiều người lại thấy bất tiện nên cứ gọi nhà xe hẹn chỗ nọ, chỗ kia”, anh Hải nói. 

Phía ngoài bãi đậu xe khách cũng không kém phần ảm đạm, với vài ba chiếc xe đậu, đỗ chờ khách.
Phía ngoài bãi đậu xe khách cũng không kém phần ảm đạm, với vài ba chiếc xe đậu, đỗ chờ khách. 

Trong “lạnh” ngoài “nóng”

Trao đổi thêm với một số lái xe có mặt tại bến thì đây là thực trạng chung mà nhiều nhà xe gặp phải từ khi bến chuyển về địa điểm mới. Không những vậy, theo chia sẻ thêm của anh Hải thì hiện nay còn có cả tình trạng xe dù, không đăng ký mà chạy tự do sẵn sàng chiều theo ý khách nên những xe trong bến như anh gặp khó.

“Thậm chí, những xe này còn treo biển chạy cùng tuyến ở phía trước, rồi đậu đỗ dọc đường đón khách. Họ chỉ chạy trước lốp xe chính vài phút thôi là đã “đón lõng” hết khách của xe trong bến rồi”, anh Hải cho hay.

Còn theo Giám đốc BQL bến xe, thì từ sau Tết Nguyên đán, Chính phủ quyết định “mở cửa” thì hoạt động vận tải hành khách đã dần khởi sắc hơn. Song cũng chỉ mới khôi phục được một phần. Trên thực tế, hoạt động bến xe vẫn gặp khó. Một phần nguyên nhân do người dân chưa quen với bến mới.

Ông Nam phân tích: Từ ngày chuyển sang bến xe mới thì hình ảnh nhốn nháo, cò kéo đã không còn. Song, cảnh nhà xe nhộn nhịp lên xuống cũng giảm hẳn. Nếu như trước kia bến đặt trong nội thị, người dân thuận tiện đi lại và ra vào cũng nhanh gọn hơn. Nay khi di chuyển ra ngoài trung tâm, xa hơn, hiện đại hơn người dân lại chưa quen, ngại vào bến.

“Để khắc phục vấn đề này thì cần có thời gian để người dân quen. Hiện nay, bến xe đã bố trí lực lượng bảo vệ ở phía ngoài hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình ra – vào bến thuận tiện, dễ dàng”, ông Nam cho hay.

Một nguyên nhân khác theo ông Nam là do ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng “xe dù, bến cóc” đón khách dọc đường. Đặc biệt là trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (chạy dọc trung tâm thành phố) và tuyến Quốc lộ 12 (từ sân bay về bến xe cũ) có rất nhiều điểm tự phát, người dân dừng đón, chờ xe. Thực trạng này không chỉ mất trật tự đô thị, mà còn gây nhiều khó khăn, thách thức cho hoạt động của bến xe.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay tỉnh Điện Biên đang có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Thanh Minh – Độc Lập. Khi hoàn thành, đơn vị sẽ tham mưu với tỉnh và ngành giao thông điều chỉnh lộ trình di chuyển của xe khách liên tỉnh theo tuyến này. Như vậy, xe khách không đi vào đô thị nữa. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm thực trạng trên.

“Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi rất mong ngành giao thông và các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Chỉ có tuần tra, kiểm soát thường xuyên mới thắt chặt và ngăn chặn hoạt động của “xe dù”, “bến cóc” đậu, đỗ đón khách sai quy định để hoạt động ổn định hơn”, ông Nam nói.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 1 tháng phục vụ Tết (từ 18/1 – 16/2), có tổng số 3.151 xe xuất bến, đạt 57,2% năm 2020. Trong khi đó, sản lượng khách thông qua bến chỉ đạt 11.379 (tương đương 17,92% năm 2020).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ