Điện Biên: Để nhà vệ sinh trường học không còn là nỗi ám ảnh

Khu vực rửa tay được duy tu thường xuyên với hình ảnh hướng dẫn về rửa tay với xà phòng.
Khu vực rửa tay được duy tu thường xuyên với hình ảnh hướng dẫn về rửa tay với xà phòng.

Nhu cầu bức thiết...

Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ có hơn 40 trường học ở các cấp học: Mầm Non, Tiểu học và Trung học Cơ sở (THCS). Đã có những thời điểm trong nhiều năm liền, tình trạng nhà vệ sinh thiếu về số lượng, không hợp vệ sinh, nhà vệ sinh trong tình trạng xuống cấp, bảo quản và sử dụng chưa đúng dẫn đến tình trạng mất vệ sinh còn phổ biến. Điều đó đã khiến cho thầy trò các trường luôn cảm thấy ám ảnh.

Đối với các em học sinh, nhất là học sinh tiểu học, lứa tuổi nghịch ngợm và chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh như người lớn, điều kiện vệ sinh sạch sẽ là rất quan trọng, giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong lứa tuổi học trò cũng như giúp các bậc phụ huynh an tâm hơn khi con em đến lớp.

Trước thực trạng trên, nhiều cuộc họp đã được triển khai, không ít các giải pháp đã được đưa ra. Tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục, cơ sở vật chất trường học vẫn còn nhiều khó khăn. Việc huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các nguồn lực khác cho các công trình vệ sinh trường học lại không dễ dàng và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Để xây dựng các công trình dù nhỏ nhất cũng chịu giá cả cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi vùng xuôi bởi giá vật liệu, cước vận chuyển, nhân công đắt hơn rất nhiều. Ngoài ra, ở các đơn vị trường học, quỹ đất còn hạn hẹp nên để tìm được mặt bằng xây dựng các công trình trên địa hình chủ yếu là đồi núi dốc hết sức khó khăn.

Ông Đào Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ
 Ông Đào Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ

“Thực ra gọi là thành phố nhưng trong thành phố chưa có một trường nào có công trình vệ sinh hiện đại. Khả năng đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của học sinh trong môi trường của các nhà trường vẫn còn có những hạn chế. Các công trình chủ yếu xây dựng đã lâu, xuống cấp, trong khi quy mô học sinh thì tăng lên, dẫn đến tình trạng quá tải đã xảy ra. Trước thực trạng trên, Phòng GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo các trường thường xuyên quan tâm, duy tu, bảo dưỡng những công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu của học sinh trong điều kiện còn nhiều khó khăn”, ông Đào Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ cho biết.

Cái khó “ló” cái khôn...

Trên thực tế, tình trạng quá tải mỗi khi học sinh đồng loạt có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh đã xảy ra ở các trường do số lượng nhà vệ sinh thiếu. Để giải quyết vấn đề trên, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các trường thường xuyên quan tâm dành kinh phí để sửa chữa, duy tu những khu vệ sinh đã xuống cấp, đáp ứng nhu cầu tối đa của học sinh.

Trường Mầm Non 7/5 có 470 học sinh theo học ở 12 lớp. Ở đây chỉ có một khu vệ sinh riêng biệt ngoài trời, dành cho 263 học sinh thuộc các lớp từ độ tuổi 3-5 tuổi. Để giải quyết tình trạng quá tải mỗi khi cho trẻ đi vệ sinh, nhà trường đã xây dựng lịch giải lao hàng ngày cho từng lớp lệch nhau. Ngoài ra cũng linh hoạt giải quyết cho những học sinh có nhu cầu vệ sinh cao. Từ đó đã dần dần “hóa giải” được tình trạng quá tải từ nhiều năm nay.

Cô Dương Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết thêm, nhà trường thường xuyên rèn luyện cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khu vực nhà vệ sinh được thiết kế những hình ảnh ngộ nghĩnh của bé trai, bé gái để làm dấu hiệu giúp trẻ nhận biết được đâu là vị trí của các bạn nam và đâu là vị trí của các bạn nữ. Từ đó đã rèn luyện ý thức cho trẻ trong quá trình thực hiện vệ sinh cá nhân trong trường cũng như nơi công cộng.

Hình ảnh “bé trai”, “bé gái” ngộ nghĩnh giúp trẻ nhận biết khu vực dành riêng cho con trai, con gái
Hình ảnh “bé trai”, “bé gái” ngộ nghĩnh giúp trẻ nhận biết khu vực dành riêng cho con trai, con gái

Trường Mầm Non 20/10 xây dựng cách đây 10 năm, trong khuôn viên chật hẹp chừng 3.000m2. Toàn trường có 4 khu nhà vệ sinh dành cho cả học sinh và cán bộ giáo viên đã xuống cấp từ lâu. Song do chủ động kêu gọi bằng nguồn xã hội hóa nên các dãy nhà vệ sinh được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng.

“Ngoài việc phân lịch đi vệ sinh hàng ngày theo từng nhóm lớp, chúng tôi cũng giao cho giáo viên đứng lớp trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các cháu vệ sinh cá nhân. Mỗi 1 tháng, chúng tôi cho đổ hóa chất để xử lý bồn cầu; 1 lần/năm tiến hành hút bể phốt định kỳ để đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên phối hợp với cán bộ Trạm y tế phường định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá môi trường của trường, lớp học để có các biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời, giúp cho các con có môi trường học tập tốt nhất”, cô giáo Phạm Thị Lợi, Hiệu trưởng Trường Mầm Non 20/10 chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.