Bảo đảm an toàn cho HS vùng cao: Trách nhiệm nặng nề trên vai thầy cô

GD&TĐ - Với học sinh dân tộc, trường học là gia đình, thầy cô như cha mẹ thứ hai. Chính vì vậy, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, nhà trường và thầy cô cũng có trách nhiệm thay mặt gia đình đảm bảo an toàn cho học sinh, mang đến cho các em những kĩ năng sống cơ bản để có thể thích nghi và tự bảo vệ chính mình.

Tăng cường giáo dục KNS thông qua lồng ghép trong các môn học. Ảnh: Đức Trí
Tăng cường giáo dục KNS thông qua lồng ghép trong các môn học. Ảnh: Đức Trí

Đảm bảo an toàn từ trường lớp

Thầy giáo Phùng Thế Tùng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu (Mường Khương – Lào Cai) chia sẻ: Năm học này, nhà trường có gần 120 HS tham gia bán trú. Từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp bảo đảm an toàn. Tại một số phòng chức năng chung như phòng ăn, phòng tự học buổi tối, thư viện… trường trang bị hệ thống camera giám sát. Thông qua đó BGH nhà trường không chỉ nắm bắt hoạt động chung của HS ở mọi nơi mà còn có thể điều tiết, chỉ đạo kịp thời các vấn đề liên quan khi cần.

Mặt khác, để trang bị kĩ năng ứng phó với các tình huống mất an toàn nảy sinh, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động dạy kĩ năng sống với hình thức sinh động, thiết thực trong các giờ sinh hoạt đầu tuần. Các thầy cô đặt ra tình huống (nhưng đã có thật ngoài cuộc sống) như: Gặp bão lũ, hỏa hoạn, lạc đường, bị bạn bắt nạt, thầy cô giáo xâm phạm thân thể… để giáo dục HS cách phòng vệ, ứng xử.

Thậm chí, để nâng cao tinh thần cảnh giác, cách ứng phó khi gặp nạn nhà trường còn cử GV bịt khẩu trang, che mặt đóng giả người lạ trà trộn vào trường lớp rủ HS nghỉ học, đưa ra ngoài. Với cách làm này GV một mặt đánh giá được kĩ năng sống của HSvà thông qua đó tìm phương pháp giáo dục phù hợp.

Trong công tác kỷ luật, nhà trường thực hiện khóa cổng trường trong suốt giờ học và sau khi tan trường để HS bán trú không trốn ra ngoài. Mặt khác, tăng cường vai trò trách nhiệm của GV làm công tác trực ca. HS muốn nghỉ phải xin phép và được sự đồng ý của GVCN. Sau đó GVCN có trách nhiệm trao đổi và xin phép bộ phận trực ca hàng ngày thì HS mới được rời khỏi trường. Mỗi ca trực được tăng cường 3 GV, cùng trực trường từ 17 giờ chiều hôm trước đến 17 giờ chiều hôm sau. BGH với 1 hiệu trưởng 2 hiệu phó cũng trực trong giờ hành chính, và thay phiên nhau trực ngoài giờ hành chính.

Cũng thuộc trường vùng cao, nhưng tại Trường PTDTBT TH Cán Tỷ xã Cán Tỷ (Quản Bạ - Hà Giang) lại tập trung đảm bảo sự an toàn cho HS theo cách khác. Thầy Nguyễn Thanh Tuyên - Hiệu trưởng cho biết: Trường có 240/675 HS bán trú từ lớp 1 - 5. Vì trường nằm ở khu vực gần sông nên tình trạng HS trốn ra ngoài tắm sông và bị đuối nước đã từng xảy ra những năm học trước. Năm học này, nhà trường xác định đảm bảo an toàn cho HS là nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm để ngăn chặn và chấm dứt.

Bên cạnh đó, trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh học đường, an toàn thân thể, phòng chống đuối nước… đến từng HS từ khi nhập trường. Mặt khác, để chấm dứt tình trạng HS trốn ra ngoài tắm giặt trường khắc phục tối đa tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Thầy cô đã tích cực cải tạo đường dẫn nước được bơm từ nguồn để đảm bảo không mất nước, tăng cường các bể tích nước mưa giúp tăng thêm lượng nước sinh hoạt.

Hàng ngày GV và bộ phận trực ca điểm danh HS trong các hoạt động và sinh hoạt: Ăn sáng, vào lớp, ăn trưa, ngủ trưa, ăn tối, ngủ tối, giờ học buổi tối… Khi phát hiện HS trèo tường đi chơi và trốn về nhà, GV chủ nhiệm có trách nhiệm liên hệ ngay về gia đình để kết hợp cùng tìm kiếm đưa trở lại trường.

Tăng cường giáo dục KNS và trách nhiệm GV

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng bữa ăn bán trú. Ảnh: Đức Trí
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong từng bữa ăn bán trú. 
Ảnh: Đức Trí  
 

Theo thầy Nguyễn Thanh Tuyên, khó khăn đối với công tác an ninh trường học hiện nay tại nhà trường là không có biên chế cho bộ phận bảo vệ và hành chính. GV ngoài giờ lên lớp phải kiêm luôn nhiệm vụ quản lý HS bán trú, tham gia trực ca hàng tuần. Trong năm học này để đảm bảo an toàn cho mỗi HS bán trú, trường PTDTBT Tiểu học Cán Tỷ đã xây dựng phong trào tự quản với thành phần thực hiện chính là những HS. Mỗi lớp cử ra 1 tổ trưởng 2 tổ phó, mỗi phòng ở có 1 trưởng phòng, 2 phó phòng. Tổ tự quản sẽ giúp GV nắm bắt nhanh HS thiếu đủ và diễn biến hoạt động trong ngày.

Cô Nguyễn Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: Nói tới đảm bảo an toàn cho HS bán trú không chỉ dừng lại ở quản lý HS sao cho an toàn thân thể. Mỗi CBQL, GV, NV cần phát huy tinh thần trách nhiệm, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của HS. Hiện nay, tại Trường TH xã Thanh Vân, nhân viên nhà bếp tuân thủ nghiêm ngặt các khâu an toàn thực phẩm đầu vào, mang găng tay và bảo hộ lao động khi chế biến thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu ăn, lưu mẫu thức ăn sau khi nấu. Với GV tham gia quản lý HS bán trú, nhà trường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và báo cáo hàng ngày, hàng giờ. BGH nhà trường đảm bảo lịch trực 100% các hoạt động giáo dục những ngày.

Có thể nói, tới nay công tác đảm bảo an toàn an ninh cho HS đã được các trường học vùng cao tăng cường. Tuy nhiên, theo TS Tâm lý chuyên ngành Giáo dục - Vũ Việt Anh: Ở các nước phát triển, việc đưa kỹ năng sống vào giáo dục là bắt buộc. Được trang bị kỹ năng sớm nên HS các nước tiên tiến không chỉ dễ dàng đáp ứng, thích nghi với điều kiện thay đổi của cuộc sống mà còn có biết bảo vệ mình đúng cách trước những tình huống bất lợi...

Trong khi đó, thực tế không thể phủ nhận là HS dân tộc có đặc tính hiền lành, nhút nhát, cách ứng xử, phản ứng trước các tình huống trong cuộc sống chậm. Khi rơi vào những tình huống xấu các em thường cam chịu, không biết cách phản ứng để bảo vệ bản thân, bạn bè… khiến hậu quả để lại về mặt thể xác, tinh thần khá nặng nề.

Như vậy, việc đảm bảo an toàn cho HS vùng cao cũng đồng nghĩa các nhà trường phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục kĩ năng sống thay vì bảo vệ các em một cách bị động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ