Theo các nhà quản lý, để giải được bài toán này vấn đề tiên quyết là cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách bảo đảm cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.
Nhiều quy định lỗi thời
Có thể thấy, trong 10 năm qua, điện ảnh nước nhà đã có bước phát triển và thay đổi, đặc biệt về mặt doanh thu phòng vé. Bắt đầu từ năm 2010 đánh dấu bước khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh nước nhà.
Một số bộ phim được khán giả đón nhận và đạt doanh thu tốt như: “Cánh đồng bất tận”, “Giao lộ định mệnh” hay “Để Mai tính”. Từ hơn 18 tỷ đồng của “Để Mai tính”, “Để Mai tính 2” (2014) xác lập kỷ lục khi lần đầu tiên có phim cán mốc 100 tỷ đồng.
Danh hiệu phim Việt ăn khách nhất liên tục bị phá vỡ trong năm 2019 khi “Cua lại vợ bầu” đạt 191,8 tỷ đồng, “Hai Phượng” thu 200 tỷ đồng từ cả trong và ngoài nước.
Dòng phim chuyển thể cũng ngày càng được ưa chuộng. Manh nha từ năm 2010 với “Cánh đồng bất tận” nhưng phải đến “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015) các tác phẩm chuyển thể văn học bắt đầu được ưa chuộng hơn. “Cô gái đến từ hôm qua” đạt doanh thu 70 tỷ đồng, “Mắt biếc” cũng vượt qua cột mốc 100 tỷ đồng.
Sắp tới, bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt” sẽ bước lên màn ảnh rộng với tựa đề “Trạng Tí” (2020) hứa hẹn sẽ được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, chất lượng điện ảnh Việt vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.
Nhìn vào danh sách những tác phẩm Việt vượt mốc 100 tỷ đồng, có thể thấy không ít tác phẩm chỉ có nội dung ở mức trung bình. Kịch bản vẫn là điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt trước thềm thập kỷ mới.
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, TS Ngô Phương Lan nhìn nhận, mặc dù đã có những thành tựu nhưng nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh. Đội ngũ làm điện ảnh tại các cơ sở điện ảnh của Nhà nước thiếu trầm trọng và ngày càng mai một.
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân thì cho rằng, do mất dần sự hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất phim, điện ảnh, thời gian qua có lúc thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội... có khả năng định diện điện ảnh Việt Nam.
Ở nước ta điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất được điều chỉnh bằng văn bản luật và được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy khá đầy đủ để hoạt động và phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông thì đến năm 2019, nhiều chỉ tiêu trong Luật Điện ảnh đã được thực hiện và vượt mức đặt ra. Ví dụ như doanh thu ngành điện ảnh đạt 4.000 tỷ đồng, một năm sản xuất gần 50 phim điện ảnh, có hơn 500 cơ sở sản xuất phim, 228 đội chiếu phim lưu động phục vụ hơn 9 triệu lượt khán giả mỗi năm...
Thế nhưng, sau 14 năm thực thi, Luật Điện ảnh đã và đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tế. Một trong những bất cập đó là quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà sản xuất phim có sử dụng ngân sách Nhà nước, quy định phải có rạp mới được nhập phim hay khai thác, phổ biến phim trên môi trường Internet...
Không chỉ vậy, một số quy định trong Luật Điện ảnh đã bị các luật khác phủ định... Ngoài ra, một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh chưa được thực thi nghiêm túc, như chính sách ưu đãi về thuế đối với hoạt động điện ảnh, quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...
Vai trò còn mờ nhạt
Mới đây, tại buổi làm việc với các bộ, hội, hiệp hội liên quan đến hoạt động điện ảnh, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: Điện ảnh thời gian qua đã có bước phát triển phù hợp với xu thế kinh tế thị trường, có dấu ấn với nhiều bộ phim thu hút đông đảo công chúng, được đánh giá cao, có doanh thu lớn trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao điện ảnh vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính hiện đại? Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, văn hóa, trong đó điện ảnh là ngành đi đầu, được các quốc gia đặc biệt coi trọng, thậm chí có quốc gia đặt hàng sản xuất phim nhằm quảng bá văn hóa ra nước ngoài. Do đó, cần có chính sách mở để các tổ chức, cá nhân tham gia lĩnh vực này.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, trong công nghiệp văn hóa, điện ảnh giữ vai trò quan trọng để quảng bá văn hóa, đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế. Trong khi đó, vai trò của điện ảnh Việt còn mờ nhạt, đóng góp chưa sâu.
Để phát triển công nghiệp điện ảnh, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành phối hợp thực hiện các giải pháp cho điện ảnh Việt trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển và làm rõ các cơ chế, chính sách về tài chính, thu hút trọng dụng nhân tài…
Một số ý kiến cũng cho rằng, ngành điện ảnh phát triển chưa tương xứng với lịch sử truyền thống, cách mạng, văn hóa. Phim đặt hàng ngày càng ít, phim giá trị chưa nhiều. Do vậy, cần xác định rõ vai trò Nhà nước đối với điện ảnh, đưa ra những chính sách khả thi, xếp thứ tự ưu tiên, không dàn trải...
Cho rằng kinh phí đặt hàng cho điện ảnh còn eo hẹp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành dẫn chứng: Hiện nay, một năm Nhà nước đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, cả phim truyện, tài liệu khoa học, hoạt hình. Trong đó, mỗi năm duy trì đặt hàng khoảng 20 phim tài liệu và 20 phim hoạt hình. Phim truyện có năm vài ba phim, nhưng giai đoạn 2014 - 2017 không có phim nào được đặt hàng.
Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa bày tỏ quan điểm, muốn có nền điện ảnh phát triển đột phá, phải nói đến đầu tư ban đầu của Nhà nước. Từ sự đầu tư của Nhà nước tạo tiền đề để huy động các thành phần khác tham gia sản xuất những bộ phim hay, đem lại doanh thu lớn.
Quan trọng hơn, bên cạnh doanh thu còn là câu chuyện phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, nhân văn, đậm bản sắc dân tộc, hướng khán giả tới chân - thiện - mỹ, quảng bá văn hóa, thương hiệu quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.