Hội thảo trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên”, các đạo diễn và nhà sản xuất phim cho rằng, nhiều vấn đề lớn tồn tại của Luật Điện ảnh (ra đời năm 2006) vẫn chưa được giải quyết trong dự thảo Luật Điện ảnh (mới). Bởi vậy, các nhà làm phim cùng ký vào bản kiến nghị gửi tới Quốc hội xoay quanh những vấn đề cần sửa đổi.
Từ chuyện phim Việt “nhập tịch” nước khác
Vào tháng 7/2021, phim “Vị” của đạo diễn Lê Bảo bị cấm phổ biến trong nước vì cảnh nude dài khoảng 30 phút, chiếm một phần ba thời lượng phim. Trước đó vào tháng 5, ê-kíp làm phim từng bị phạt 35 triệu đồng sau khi đoạt giải tại Liên hoan phim Berlin vì lý do chưa xin phép phát hành.
Năm 2016, bản phim ngắn demo của “Vị” giúp đạo diễn Lê Bảo đoạt giải “Dự án triển vọng nhất” tại Silver Screen Awards ở Singapore. Sau đó, đạo diễn lên kế hoạch phát triển thành phim đầu tay, hợp tác với một số nhà sản xuất Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức và Đài Loan.
Theo lãnh đạo Cục Điện ảnh, phim “Vị” mô tả cuộc sống của bốn phụ nữ lao động trung niên và một cầu thủ bóng đá người Nigeria, với các cảnh nấu nướng, ăn uống, sinh hoạt trong một căn nhà. Mỗi khi về đến nhà, cả năm người cùng nude, có nhiều cảnh trực diện.
Phim “Vị” bị quyết định cấm phổ biến vì không phù hợp với văn hóa Việt Nam, bởi trường đoạn nude trực diện quá dài.
Nhận định này của hội đồng duyệt phim cũng trở thành đề tài thảo luận trong hội thảo trực tuyến “Ai góp ý giơ tay lên”. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, thành viên Hội đồng thẩm định và cấp phép phổ biến phim, cho rằng cảnh quay đó không có gì là dài, song với người khác lại là vậy.
Trong khi đó, luật lại không có quy định cụ thể về việc một cảnh quay nude trực diện kéo dài bao lâu là được phép. Điều này không giống với pháp luật ở nhiều nước có nền điện ảnh phát triển, chẳng hạn có cả quy định một nụ hôn có thể kéo dài bao lâu?.
Nhà sản xuất phim “Vị” - bà Đồng Phương Thảo cho biết, vô cùng đau lòng vì hiện tại công ty ở Singapore nắm quyền sở hữu chính của phim “Vị”. Phim này không còn “mang quốc tịch” Việt Nam mà “nhập tịch” Singapore.
“Đoàn phim đã nhiều lần mang dự án đó ra quốc tế, được ghi nhận từ các quỹ điện ảnh Pháp, Đức, Thái Lan. Sau 7 năm khó khăn, chúng tôi đã hoàn thành phim. Sẽ không một ai bỏ 7 năm cuộc đời để làm phim dung tục. Không một quỹ hay liên hoan phim nào cho tiền để thực hiện bộ phim mà họ biết không có giá trị nghệ thuật”, Bà Thảo cho hay.
Để phim được đi tiếp, đạo diễn Lê Bảo chấp nhận từ bỏ quyền tác giả, nhà sản xuất từ bỏ quyền sở hữu phim. Phim “Vị” được “nhập tịch” Singapore khi họ ký một văn bản với các công ty đồng sản xuất.
Đến những quy định gây khó nhà làm phim
Trước những vấn đề còn nan giải liên quan đến việc kiểm duyệt, các nhà làm phim trong cuộc hội thảo trực tuyến nói rằng, hầu hết những ý kiến yêu cầu chỉnh sửa, cắt gọt phim thường không ở dạng văn bản chính thức. Tuy nhiên, đa số đều phải chấp hành nếu muốn phim được ra rạp.
Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết, nếu không cắt thì chắc chắn không được duyệt. Phim “Ròm” của anh là một ví dụ khi bị quy chụp có những thông tin “tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị”. Và bằng cách không theo đường văn bản, thành viên hội đồng duyệt phim đã gọi điện cho anh, yêu cầu cắt chỉnh sửa.
Là thành viên Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện, nhưng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp không thể lý giải được vì sao hai bộ phim “Miền ký ức” và “Vị” lại có số phận hoàn toàn khác nhau. Trong khi “Miền ký ức” được cấp phép để tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc), thì “Vị” không còn cơ hội bởi lệnh cấm phổ biến.
Bảng tiêu chí phân loại phim theo độ tuổi của Bộ VH-TT&DL (có hiệu lực từ 1/1/2017), mức C18 không chấp nhận khỏa thân toàn phần trừ khi “phù hợp với nội dung phim, không kéo dài hoặc lặp lại quá đà”. Tuy nhiên, các nhà làm phim đặt câu hỏi, cảnh khỏa thân bao lâu thì được coi là quá dài? Quy định hiện không nêu rõ về vấn đề này.
Một điều cấm khác gây nhiều khó khăn cho các nhà làm phim, là “tiết lộ bí mật đời tư cá nhân”. Điều này ảnh hưởng lớn đến dòng phim tiểu sử, dựa trên nhân vật có thật. “Đời tư cá nhân hay chỉ những cá nhân nổi tiếng? Tôi đang làm phim tiểu sử có nhiều nhân vật có thật, chẳng lẽ phải đi xin phép tất cả những người xuất hiện trong phim?”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh băn khoăn.
Có những điều rất vô lý mà theo đạo diễn này là khi trong bộ phim có tên Thanh Vân thì phải đi xin phép nữ diễn viên Ngô Thanh Vân để dùng cái tên đó: “Rồi phim nhắc đến tên Ngọc Trinh thì bắt chúng tôi đi xin phép cô Ngọc Trinh mới được phát hành phim. Chuyện này quá vô lý và luật cũng không có chỗ nào quy định rõ”.
Trước những khó hiểu trong câu chuyện kiểm duyệt, nhiều nhà làm phim cho rằng cần trao quyền cho khán giả như các quốc gia có nền điện ảnh phát triển trên thế giới đã làm. “Việc trao quyền cho khán giả không chỉ là sự tôn trọng, mà đó còn là quyền công dân”, đạo diễn Phan Đăng Di cho biết.