Tri âm của làng điện ảnh Việt Nam

GD&TĐ - Văn học vốn được xem là mỏ quặng quý của điện ảnh. Từ lâu, các nhà làm phim đã biết tận dụng, khai thác từ văn học những chất liệu cho ý tưởng điện ảnh của mình.

“Tướng về hưu” - một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới. Ảnh: ITN.
“Tướng về hưu” - một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới. Ảnh: ITN.

Nhiều tác phẩm văn học được công chúng biết đến nhiều hơn nhờ hiệu ứng đại chúng của điện ảnh, cũng như nhiều bộ phim được nâng tầm tư tưởng, nhân bản nhờ ý tưởng, độ sâu của văn học.

Tác phẩm điện ảnh xuất sắc giai đoạn đầu đổi mới

Tướng về hưu (1987) là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Tác phẩm này với góc nhìn văn chương “độc nhất vô nhị” vào thời điểm đó đã đưa Nguyễn Huy Thiệp thành “của hiếm”, được xếp vào vị trí không phải ai cũng có được.

Những ẩn dụ văn học của Nguyễn Huy Thiệp được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đưa lên màn ảnh, theo cách đời nhất và gai góc nhất. Đó là câu chuyện về một vị thiếu tướng tên Thuấn, niềm tự hào của gia đình, dòng họ Nguyễn và xóm làng. Sau nhiều năm xông pha chiến trường, tự tay chôn 3 nghìn đồng đội, lính tráng, tướng Thuấn về hưu ở tuổi 70.

Tình cảnh gia đình ông dường như rất phổ biến trong xã hội Việt Nam lúc giao thời, khi đồng tiền len lỏi và chi phối trong mọi mối quan hệ. Ông như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình trước cô con dâu sắc sảo, người con trai nhu nhược và một bà vợ lẩn thẩn.

Tướng về hưu trở thành một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới. Khi chuyển thể, Nguyễn Khắc Lợi đã có những thay đổi về tình tiết để phù hợp, kịch tính hơn và đáp ứng được ngôn ngữ điện ảnh cần có. Những sáng tạo này tỏ ra hợp lý và không làm sai mạch thông điệp văn học.

Nguyễn Khắc Lợi cho thấy ông không chỉ hiểu và khai thác được chữ của Nguyễn Huy Thiệp mà đã biến chữ nghĩa ấy trở nên sinh động, cuốn hút trên màn ảnh. Thành công của phim khiến công chúng càng ghi nhận mức độ lan tỏa của tác phẩm truyện ngắn được chấp bút bởi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Văn chương giàu tính điện ảnh

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bên gia đình. Ảnh: ITN.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bên gia đình. Ảnh: ITN.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16 giờ 45 phút ngày 20/3/2021 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi. Đây là mất mát lớn của văn đàn Việt Nam, và cũng là sự thương tiếc của những người yêu điện ảnh.

Truyện của Nguyễn Huy Thiệp thường có nhiều lớp ý nghĩa với chiều sâu của ngôn từ, lời thoại ngắn gọn nhưng đắt giá và các chi tiết có ý nghĩa biểu đạt lớn. Có lẽ vì thế mà tác phẩm của ông thường lọt vào tầm ngắm của các đạo diễn phim. Tuy nhiên, chuyển tải được chất văn học mạnh mẽ trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp lên màn ảnh lớn là điều không hề đơn giản.

Truyện ngắn Thương nhớ đồng quê được Nguyễn Huy Thiệp sáng tác năm 1992, được chuyển thể thành phim năm 1995.

Bức tranh làng quê đa sắc, xen lẫn bao điều trái ngược nhau: Vẻ đẹp thuần phác của cảnh quan chung đụng với cảnh sống tàn tạ; tình cảm chân thật, nồng sâu của những tấm lòng ngay thẳng kết đan cùng cảnh tất bật lam lũ; những tia hy vọng xa vời hòa trong nỗi buồn trầm lắng triền miên…

Phim sử dụng lời độc thoại của nhân vật như một thủ pháp đa năng nhằm xác định không gian, thời gian và diễn đạt hoàn cảnh câu chuyện.

Đúng như tên gọi mượt mà,Thương nhớ đồng quê nhẹ nhàng dẫn người xem bước vào thế giới hiện thực, lãng mạn, cảm thông, phẫn nộ… Dường như đó là những chất liệu vô hình không thể thiếu trong quá trình kết tạo nên hình tượng tác phẩm này.

Lý giải về việc vì sao lựa chọn truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để chuyển thể thành phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh từng chia sẻ: “Thoạt tiên tôi thấy ở truyện ngắn này một không gian điện ảnh đầy gợi cảm. Các nhân vật chỉ được phác họa vài nét về tính cách, còn thoại thì hầu như không có. Tôi mời tác giả văn học lại nhà trình bày ý định về mối quan hệ giữa 3 nhân vật Quyên, Nhâm, Ngữ để tạo ra cái lõi kịch tính của bộ phim.

Trong truyện ngắn không có mối quan hệ tay ba này, nhưng tôi thấy nó rất cần thiết. Khi tôi vẽ ra trên giấy sơ đồ tay ba của mối quan hệ đó thì anh Thiệp thốt lên: Ông thắng rồi. Bộ phim nhất định thành công. Thiệp cũng gợi ý cho tôi nên kết hợp thêm truyện ngắn Những bài học nông thôn. Tôi nhất trí”.

Quả thật, Thương nhớ đồng quê đã tạo được dấu ấn khó quên trong làng điện ảnh Việt. Thậm chí, phim đã được công chiếu tại Lausanne trong khuôn khổ “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Thụy Sĩ”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp là một tác phẩm ít sự kiện, nhân vật, ít cao trào, biến cố.

Với nhiều người là một thách thức, song với Đặng Nhật Minh, ông lại cho rằng đây là truyện ngắn giàu tính điện ảnh nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Đạo diễn thấy được ở đó chất thẩm mỹ, một yếu tố quan trọng để ông có thể chuyển thể.

Cốt truyện đơn giản mở ra bối cảnh rộng

Phim “Những người thợ xẻ” được sản xuất năm 1998. Ảnh: ITN.

Phim “Những người thợ xẻ” được sản xuất năm 1998. Ảnh: ITN.

Sau thành công của Thương nhớ đồng quê, truyện ngắn Những người thợ xẻ của Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục lọt mắt xanh của đạo diễn Vương Đức. Đây cũng là một tác phẩm chuyển thể gây tiếng vang lớn trong làng phim Việt.

Nhớ lại quyết tâm của mình khi đưa Những người thợ xẻ lên phim, đạo diễn Vương Đức tâm sự: “Tôi là người hay đọc các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, và trong một lần đọc truyện Những người thợ xẻ, tôi đã ấp ủ dự định cho một kịch bản phim.

Phim có nhiều cảnh rộng xen lẫn với những cảnh đặc tả. Có lẽ, những cảnh quay này đã góp phần giúp phim truyền tải được nhiều chủ đề lớn nhỏ đan cài như cái thiện và ác, luật nhân quả, hiện thực vô cùng nghiệt ngã trong cuộc vất vả mưu sinh, tình yêu và những rung cảm đầu đời trong sáng… thông qua một cốt truyện tưởng như tương đối đơn giản”.

Văn học đã khẳng định được vị thế, giá trị của nó trong đời sống tinh thần nhân loại. Điện ảnh mặc dù sinh sau, song phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của công chúng, không ngừng phát triển, xâm lấn, trở thành lĩnh vực văn hóa đại chúng được chú ý hàng đầu hiện nay.

Vì vậy, hai lĩnh vực này chia sẻ với nhau nhiều điểm chung thuộc về bản thể nghệ thuật, đồng thời có những giá trị tự thân, khác biệt do ngôn ngữ thể hiện, tư duy biểu đạt.

Mỗi nhà làm phim khi quyết định lựa chọn tác phẩm chuyển thể đều có quan niệm, dụng ý riêng của mình. Thế giới ngôn từ tạo nên văn bản văn học vô cùng kỳ diệu, luôn vẫy gọi, quyến rũ họ.

Một ý tưởng, một hình ảnh, một mẫu hình nhân vật, một chi tiết, hay bất kỳ điều gì có thể gợi cảm hứng đều được nhà làm phim lựa chọn, đưa lên màn ảnh. Tiềm năng từ văn học là vô tận, mỗi nhà làm phim từ quan niệm và cái nhìn chủ quan của mình sẽ có những cách thế lựa chọn, khai thác riêng.

Năm 2011, lấy ý tưởng từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ những năm 80, bộ phim Tâm hồn mẹ của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã đưa ra được những thực tại của xã hội, thông qua cuộc sống bần cùng của người dân lao động nghèo khó quanh cây cầu Long Biên.

Không chỉ có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành kịch như Quỷ ở với người, Đến bờ bên kia, Nhà có 5 anh em (được chuyển thể từ truyện ngắn Không có vua).

Khi còn khỏe mạnh, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Nhiều tác phẩm của tôi đã được chuyển thể thành phim hay kịch. Tôi thấy vui vì có những câu chuyện tôi viết vẫn được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào được dựng tôi cũng hài lòng, nhưng chỉ cần đạt 70% là tốt lắm rồi vì mỗi đạo diễn khai thác mỗi người một kiểu, một cách khác nhau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ