Gìn giữ bản sắc văn hóa Khmer trong trường học

Gìn giữ bản sắc văn hóa Khmer trong trường học

(GD&TĐ) - Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất ở ĐBSCL. Do đặc thù vùng dân tộc nên ngoài công tác nâng cao chất lượng GD, các địa phương còn thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng là gắn GD với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc. Với vốn văn hóa, bản sắc dân tộc được hình thành, lưu giữ hàng trăm năm qua, các địa phương đã vận dụng linh hoạt và phát huy tích cực trong môi trường GD…     

Phát huy giá trị văn hóa sẵn có 

Đến thăm các trường học vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt là các trường Phổ thông dân tộc nội trú (PT DTNT) ở Sóc Trăng và Trà Vinh trong những ngày đầu năm học mới có thể cảm nhận không khí hết sức sôi nổi. Những năm gần đây công tác chăm lo cho GD dân tộc ở những địa phương rất được quan tâm. Trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, trường PT DTNT rộng khắp các địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Theo đó là các công trình như khu ở nội trú cho HS, căng tin, phòng truyền thống, khu thể thao, nơi sinh hoạt văn hóa trong trường PT DTNT đảm bảo nhu cầu học tập của HS dân tộc.

Đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL thường sống tập trung thành những phum, sóc. Từ lâu đồng bào dân tộc sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, trồng lúa, hoa màu và có nhiều nghi lễ liên quan đến vụ mùa, nhiều tập tục thể hiện nếp sống văn hoá nông nghiệp được hình thành và ăn sâu vào tiềm thức. Với vốn văn hóa đặc sắc được duy trì và phát huy, bảo tồn từ bao đời nay nên công tác GD và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Khmer ở các địa phương rất thuận lợi.

Theo thống kê, Sóc Trăng là địa phương có đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất ĐBSCL (khoảng 30% dân số). Hiện nay tỉnh có 9 trường PT DTNT, tính đến cuối năm học 2012 – 2013, HS dân tộc Khmer từ MN đến THPT là 75.121 (chiếm tỉ lệ 29% HS toàn tỉnh). Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, hầu hết HS dân tộc có nhu cầu được tiếp tục học tiếng dân tộc trong các trường phổ thông nhằm bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết dân tộc. Đồng thời, luôn mong muốn được GD những phong tục tập quán, ý nghĩa của những lễ hội, những nét văn hoá truyền thống của đồng bào…

Để phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, ngành GD Sóc Trăng đã quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác giảng dạy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Ngoài ra mỗi trường đều có thư viện, phòng truyền thống trưng bày những trang phục, vật dụng đặc trưng của đồng bào dân tộc. Tỉnh đã trang bị cho mỗi trường 1 bộ Ngũ âm, 1 bộ trống Sadăm (nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Khmer), mỗi bộ trị giá trên 80 triệu đồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc GD các giá trị văn hóa dân tộc, tỉnh bố trí GV hướng dẫn HS sử dụng tốt nhạc Ngũ âm và trống Sadăm.

Sở GD đã phối hợp với Trường Trung cấp Nghệ thuật tỉnh và các nghệ nhân mở lớp đào tạo cho GV và mỗi trường một đội HS sử dụng các loại nhạc cụ này để dạy và tập huấn lại cho các em HS trong trường. Đến nay, hầu hết HS các trường PT DTNT ở Sóc Trăng đều biết sử dụng các loại nhạc cụ và thường xuyên biểu diễn, phục vụ vào các dịp lễ hội… Ngành GD cũng chọn những tác phẩm, bài hát, những điệu múa cơ bản, đặc trưng của dân tộc Khmer, các trò chơi dân gian, các phong tục tập quán để dạy cho HS dân tộc. Bên cạnh đó các trường còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí vào các dịp lễ, hội của đồng bào dân tộc để tuyên truyền GD HS hiểu về những truyền thống văn hoá đặc trưng. 

Trà Vinh là tỉnh có dân số là đồng bào dân tộc Khmer đứng thứ 2 ở ĐBSCL. Để làm tốt công tác GD văn hóa trong vùng dân tộc, tỉnh đã chọn cách phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc sẵn có trên địa bàn để giáo dục HS một cách thiết thực và hiệu quả nhất.

Theo Sở GD&ĐT Trà Vinh, địa phương vốn có giá trị văn hóa, bản sắc rất phong phú và được duy trì phát huy tốt trong thời gian qua. Các di tích lịch sử, danh thắng như: Đền thờ Bác Hồ, Ao Bà Om và đặc biệt tỉnh có 141 ngôi chùa của cộng đồng người Khmer nên vùng đất Trà Vinh có nhiều nét văn hóa mang đậm màu sắc của dân tộc Khmer. Dân tộc Khmer có chữ viết riêng, các lễ hội truyền thống như: Chol Chnam Thmay, Dolta, Ok Om Bok, Dâng bông, Dâng phước và các phong tục tập quán có giá trị văn hoá khác… Đây được xem như kho tàng văn hóa hết sức đặc sắc và là nguồn tư liệu thiết thực để đưa vào giảng dạy, GD trong nhà trường.

Theo ông Nguyễn Thành Nguyện, GĐ Sở GD&ĐT Trà Vinh thì đối với các trường PT DTNT, việc GD văn hóa dân tộc được Sở GD quan tâm chỉ đạo, ngoài giờ học các em HS được tập luyện các bài hát, điệu múa của đồng bào dân tộc Khmer thông qua hướng dẫn của GV hay của các nhà sư trong chùa và các vị phụ huynh. Ngoài ra HS còn thường xuyên được giao lưu văn hóa dân tộc giữa các trường PT DTNT trong và ngoài tỉnh… Các trường học trong tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào dân tộc Khmer trong nhà trường vào các giờ ngoại khóa, các ngày lễ tết của đồng bào dân tộc Khmer gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” như thành lập đội văn nghệ, đội múa trống Sadăm, đấu cờ ốc...

c

Với vốn văn hóa, bản sắc dân tộc được hình thành, lưu giữ hàng trăm năm qua, các địa phương đã vận dụng linh hoạt và phát huy tích cực trong môi trường GD

Khởi sắc giáo dục vùng dân tộc

Việc phát huy, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc đã góp phần làm cho bộ mặt GD ở các địa phương có nhiều khởi sắc. 

Theo Sở GD&ĐT Trà Vinh, số HS dân tộc xếp loại học lực khá, giỏi của tỉnh trong năm học vừa qua chiếm hơn 60%. Ở vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer tiến hành tổ chức học 2 buổi/ngày tạo điều kiện thuận lợi cho HS học tiếng Khmer và tăng cường tiếng Tiếng Việt. Đã có 35% trường vùng dân tộc Khmer thực hiện chương trình tăng cường Tiếng Việt.

Đối với các lớp MG 5 tuổi vùng dân tộc Khmer được tăng cường tiếng Việt bằng 1 câu chuyện tiếng Việt/ngày. Có 8/8 huyện, thành phố triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc dạy và học tiếng nói, chữ viết Khmer theo chương trình của Bộ GD&ĐT quy định được thực hiện tại 94/215 trường TH, 7/7 trường PT DTNT với 13.118 HS học tiếng dân tộc Khmer 2 trình độ (cấp 1 và THCS).

Điều rất thuận lợi là tỉnh Trà Vinh hiện có 141/141 điểm chùa Khmer tổ chức giảng dạy ngữ văn Khmer cho HS phổ thông ngoài giờ học. Các lớp học này chủ yếu do sư sãi trong chùa trực tiếp giảng dạy. Để hỗ trợ, khuyến khích công tác GD dân tộc, thời gian qua Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chi trả hơn 6 tỉ đồng đồng cho 1.050 GV (kể cả nhà sư) đang dạy tiếng Khmer…

Ở tỉnh Sóc Trăng sau nhiều năm đầu tư cơ sở vật chất, thực hiện tốt công tác GD và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc nên GD nói chung và GD vùng đồng bào dân tộc có nhiều khởi sắc. Mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển đến cả các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở phum sóc của đồng bào dân tộc Khmer. GD TH đã tạo được sự chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo đó tỷ lệ HS dân tộc huy động đến lớp đúng độ tuổi cấp TH đạt trên 90%, nhiều nơi đạt 100%. Số lượng HS dân tộc theo học ở các trường THCS và THPT đạt tỷ lệ cao. Hệ thống trường PT DTNT cơ bản phủ kín các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (từ 10.000 người dân tộc trở lên).

Theo thống kê, năm học 2012 - 2013 toàn tỉnh Sóc Trăng có 167 trường vùng đồng bào dân tộc có dạy tiếng Khmer với 1.706 lớp, có 41.768 HS học tiếng dân tộc Khmer ở các cấp. Mạng lưới trường lớp vùng đồng bào dân tộc không ngừng được đầu tư phát triển, chất lượng GD dân tộc được nâng lên đáng kể. Một tín hiệu khả quan là tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông của trường PT DTNT tỉnh liên tiếp 2 năm (2012 – 2013) tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% và hai năm liên tục đều có HS dân tộc Khmer đỗ thủ khoa tốt nghiệp THPT…

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ