Lưu giữ bản sắc văn hóa qua từng tiết học

GD&TĐ - Trong gần 10 năm triển khai việc dạy học tiếng Jrai, Bahnar cho HS tiểu học, các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với mục tiêu thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS nhằm góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum, cùng các cơ sở trường học đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hay, hiệu quả nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy học tiếng Jrai, Bahnar cho HS.

Công tác dạy tiếng dân tộc cho HS tiểu học là người DTTS được ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum nỗ lực triển khai hiệu quả
Công tác dạy tiếng dân tộc cho HS tiểu học là người DTTS được ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum nỗ lực triển khai hiệu quả

Góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương

Từ năm 2000 - 2003, ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum triển khai thí điểm dạy tiếng dân tộc Bahnar cho HS tiểu học tại 3 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Tiểu học 19 tháng 5 và Tiểu học Đăk Rơ Va (thuộc thành phố Kon Tum). Đến năm học 2008 - 2009, tỉnh Kon Tum đã chính thức triển khai việc dạy học tiếng Jrai, Bahnar cho HS tiểu học trên địa bàn, nâng số địa phương tổ chức dạy học tiếng DTTS cho HS tiểu học là người DTTS, gồm có thành phố Kon Tum dạy tiếng Bahnar và Jrai; huyện Kon Rẫy dạy tiếng Bahnar; huyện Sa Thầy dạy tiếng Jrai.

Nói về chương trình, sách giáo khoa dạy, học tiếng dân tộc Bahnar và Jrai tại địa phương, bà Y Việt – Phó Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc (Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum) cho biết: Chương trình, sách giáo khoa dạy, học môn học tiếng Bahnar và Jrai cho HS tiểu học dân tộc Bahnar và Jrai được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT là môn học tự chọn ở trường tiểu học. Bộ sách tiếng Bahnar, Jrai do Bộ GD&ĐT biên soạn. Chương trình học trong 3 năm (bắt đầu từ lớp 3), số tiết học của từng năm là 132 tiết (4 tiết/tuần). Trong đó, mỗi tuần học 2 buổi (ngoài buổi chính khóa), với mỗi buổi học có 2 tiết. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc của tỉnh hầu hết là người Jrai và Bahnar và là giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn đào tạo sư phạm và thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ dạy tiếng DTTS trong nhà trường tiểu học.

Bà Y Việt cho hay: Để nâng cao chất lượng dạy tiếng dân tộc cho HS, ngành GD-ĐT các huyện/thành phố đã thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai việc dạy học tiếng dân tộc tại các trường; thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên đề dạy học tiếng dân tộc theo cụm; tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về việc dạy tiếng dân tộc giữa các trường trên địa bàn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy học tiếng dân tộc. Các trường học chủ động, linh hoạt triển khai các hoạt động chuyên môn, tăng cường việc thao giảng, dạy tốt, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm về dạy học tiếng dân tộc; thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp đối tượng; thường xuyên tổ chức, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên đảm nhận công tác dạy học tiếng dân tộc.

“Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ sở trường học, đội ngũ giáo viên, công tác dạy học tiếng Jrai, Bahnar cho HS còn có sự quan tâm Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Trung ương, chính quyền địa phương đầu tư cho vùng DTTS và các cơ chế chính sách ban hành riêng về công tác dân tộc, công tác bảo tồn văn hóa, tiếng nói, chữ viết các DTTS, nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức học tập tiếng các DTTS. Việc dạy học tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự đồng tình ủng hộ và tham gia của nhân dân, nhất là cộng đồng các DTTS. Chính vì vậy, chất lượng dạy học tiếng Jrai, Bahnar cho HS không ngừng được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc”, bà Y Việt cho biết.

Sau khi môn Tiếng dân tộc trở thành môn học tự chọn, số lượng trường học, phụ huynh đăng ký học môn Tiếng dân tộc ngày càng giảm
  • Sau khi môn Tiếng dân tộc trở thành môn học tự chọn, số lượng trường học, phụ huynh đăng ký học môn Tiếng dân tộc ngày càng giảm

Những bất cập cần giải quyết

Tuy nhiên, trước những yêu cầu, thay đổi nội dung mới của chương trình giáo dục, hiện nay công tác dạy học tiếng dân tộc Bahnar và Jrai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang gặp không ít khó khăn, hạn chế. Theo bà Y Việt, trong những năm đầu triển khai thực hiện dạy học tiếng dân tộc Bahnar và Jrai, số trường, lớp, HS được dạy và học môn Tiếng dân tộc vẫn được duy trì và củng cố hàng năm.

Tuy nhiên, từ năm học 2013 - 2014, Bộ GD&ĐT triển khai việc dạy 3 môn học tự chọn là Anh văn, Tin học và Tiếng dân tộc cho HS khối tiểu học, thì môn Tiếng dân tộc dần dần không được nhiều trường học, phụ huynh lựa chọn. Đối với những trường còn duy trì việc dạy và học tiếng dân tộc hiện nay, hầu hết đều dạy hai môn tự chọn vừa tiếng Anh, vừa môn Tiếng dân tộc. Điều này cũng gây nên nhiều khó khăn trong việc bố trí và sắp xếp thời gian giảng dạy.

Bà Y Việt chia sẻ: Những vấn đề trăn trở và băn khoăn lớn nhất mà các cấp quản lý giáo dục đang phải đối mặt trong việc dạy học tiếng DTTS cho HS tiểu học là: Cùng với xu thế phát triển của thời kỳ hội nhập quốc tế, môn Tiếng Anh và môn Tin học được xem là một trong những môn công cụ giúp các em có cơ hội phát triển sau này, cho nên một số bậc phụ huynh muốn con em mình được học hai môn học này hơn thay vì môn Tiếng dân tộc.

Vì là môn tự chọn, không bắt buộc, một số trường do không có HS đăng ký học nên không tổ chức dạy. Theo đó, việc ban hành chương trình tiếng Jrai và tiếng Bahnar cấp tiểu học dạy 4 tiết/tuần. Điều này rất khó để bố trí thờ khóa biểu cho phù hợp vì hầu hết các trường đều dạy 2 môn học tự chọn là Tiếng Anh và Tiếng dân tộc. 

“Không những vậy, thời gian qua, số lượng định biên giáo viên dạy tiếng dân tộc không có, việc điều động luân chuyển giáo viên còn nhiều bất cập. Đội ngũ giáo viên thiếu hụt và thiếu tính kế thừa. Trong khi đó, các giáo viên dạy tiếng DTTS hiện nay hầu hết đều dạy kiêm nhiệm nên rất khó trong việc mở rộng quy mô lớp học. Cán bộ quản lí một số trường tiểu học biết tiếng dân tộc còn hạn chế, chủ yếu biết ở mức độ giao tiếp nên gặp khó khăn trong việc dự giờ góp ý đối với giáo viên… Đây chính là những khó khăn, thách thức cần tháo gỡ cho công tác dạy học tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian tới” - bà Y Việt bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.