Điểm số không chỉ là những con số
Đa số các GV đều cho rằng, trong các công đoạn soạn bài, giảng bài, đánh giá và cho điểm học sinh, vất vả nhất vẫn là khâu chấm. Cũng như “năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài”, trong một lớp học, năng lực học sinh thường không đồng đều như nhau, có đủ các đối tượng giỏi, khá, trung bình, yếu. Bài làm ở dạng tự luận của học sinh khá, giỏi thường đem đến cho GV cảm giác dễ chịu khi chấm.
Ngược lại, những bài làm của học sinh yếu, kém, thường là khó đọc, khi là cách trình bày, chữ viết không rõ ràng, khi thì cách diễn đạt dễ gây hiểu lầm. Với bài làm trắc nghiệm ở các môn khoa học tự nhiên, việc chấm có dễ dàng hơn, tuy nhiên cũng phải mất thời giờ ở những câu có nhiều ý được đánh giá bằng điểm lẻ tới 0,25 điểm.
Có nhiều hình thức chấm điểm - đánh giá học sinh: GV chấm điểm miệng, chấm bài tập cho về nhà khi kiểm tra bài cũ; chấm trong quá trình tổ chức phát vấn theo tiến trình bài giảng; chấm kiểm tra 15 phút, cả tiết học định kỳ theo từng tháng, học kỳ, cuối năm.
Một học sinh ở Cam Lộ - Quảng Trị nay đã trở thành một doanh nhân thành đạt tâm sự, ngày còn học ở phổ thông, bản thân em đã từng có vài lần bị điểm kém ở môn Tập làm văn, một lần ở môn Sử, đều do chữ viết xấu, giáo viên không đọc kỹ bài. “Suốt những năm học cấp một, gia đình em quá nghèo, không có lấy chiếc bàn học để ngồi viết bài cũng như không có điều kiện để rèn chữ viết.
Đến một lần nhà trường tổ chức chấm chéo bài kiểm tra Văn học kỳ, nhờ đó lần đầu tiên em được 8 điểm, em cảm thấy phấn chấn vô cùng”, anh kể lại. Hiện tượng nhìn chữ chấm bài hay chấm điểm theo cảm tính không phải là hi hữu trong giáo viên.
Có người thường nói đùa “đo gang tay dài, ngắn để chấm” là vì thế. Đa phần những học sinh viết chữ đẹp, sạch sẽ thường ít khi bị điểm dưới trung bình, ngược lại, học sinh bị điểm xấu hay có cá tính nghịch ngợm lại khó lòng được điểm cao. Nhất là với môn Tập làm văn thường còn tùy thuộc ở năng lực cảm thụ của cá nhân người thầy.
Điểm số là thước đo năng lực học tập của học sinh, vì vậy, chỉ cần chấm chệch đi sẽ dẫn đến sự thiếu công bằng, gây bất ổn cho tư tưởng học sinh, vô tình làm chậm sự tiến bộ của các em.
Để đảm bảo tính công tâm, công bằng, GV cần chuẩn bị cho mình một tâm thế thoải mái khi chấm bài, cho điểm; bám sát đáp án đã định trước; tập trung cao độ vào bài làm của học sinh. Nhất là ở khâu kiểm tra miệng bài cũ, GV cần phải tránh sự phân tâm bởi những khúc mắc riêng tư hoặc định kiến với những học sinh lười học mà không có sự động viên về điểm số khi các em có dấu hiệu tiến bộ…
Riêng với GV dạy Ngữ văn phải dạy nhiều khối lớp, không nên dồn bài chấm ở thời điểm gần trả bài, cần phân ra thành nhiều đợt, mỗi đợt chấm chỉ một lượng bài nhất định, tránh tâm lý chấm đuổi cho kịp thời gian trả, như thế tạo áp lực căng thẳng sẽ không thể nào cho điểm chính xác được.
Cái tâm trong mỗi lời phê
Đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh không chỉ để đảm bảo sự công bằng mà còn giúp học sinh định hướng được sự rèn luyện. Cho điểm học sinh thôi không đủ mà GV luôn phải kèm theo lời phê (nhận xét). Lời phê phải đảm bảo tính chính xác, tương đồng với điểm số và cả sự chuẩn mực. Chuẩn mực từng dấu chấm, phẩy câu, từ, cú pháp, diễn đạt.
Cô Phan Thị Thanh Hằng - một GV giàu kinh nghiệm ở Quảng Nam tâm sự: “Tôi nhớ thời còn đi học, có lúc reo vui, nhảy cẫng lên khi cô cho điểm 10, còn kèm theo lời phê “Em giỏi lắm, đáng khen”; có lúc lại hụt hẫng khi bài làm bị điểm thấp không như mong đợi. Vì vậy, mỗi khi ngồi trước bài làm của học sinh, tôi luôn thận trọng đến từng dấu mực đỏ gạch chân, những ghi chú bên lề trang giấy.
Những lời phê chi tiết cả khi nêu ưu điểm và nhược điểm; chẳng hạn như “Rất đáng khen, cần phát huy em nhé”; hoặc là “Cố gắng hơn ở lần sau em nhé”. Và tôi cho rằng, sự trưởng thành của học sinh là từ những lời phê như thế”.
Có một thực trạng rất phổ biến là khi chấm bài ở các môn Khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa hầu như GV chỉ chấm điểm, không bao giờ phê vào bài kiểm tra của HS. Thầy cô nào cẩn thận lắm thì chấm điểm thành phần từng câu. Môn tiếng Anh nếu gặp bài HS làm tốt thì thầy giáo phê “Good!” (tốt), không nói rõ “Good” như thế nào! Ngay cả các môn xã hội như Sử, Địa, GDCD cũng rất ít có lời phê. Nếu bài làm quá tệ thì có thể được… phê “Bài làm quá yếu”!
Hầu hết GV đều nghĩ lời phê chỉ dành cho kiểm tra môn Văn. Lời phê trong kiểm tra môn Văn hay hay dở, chính xác hay không chính xác còn phụ thuộc vào thái độ, tâm huyết và trình độ người chấm Văn. Và quả thực môn Văn là môn vừa dễ chấm lại vừa khó chấm nhất trong các môn vì nó không có một khuôn mẫu, một công thức nào định sẵn.
Nếu GV tích cực có thể thấy lời phê ở từng đoạn nhỏ, chỉ lỗi cụ thể trên bài Văn. Còn trong thời hiện nay cũng ít khi gặp một lời phê tâm huyết, do bản thân HS cũng không còn chí thú lắm với môn Văn và GV môn Văn cũng không bận tâm nhiều với những lỗi thường gặp ở HS. Bài Văn nào tàm tạm, nằm trong khung từ 5 - 6,5 điểm thì được đánh giá chung chung là “Hiểu đề nhưng diễn đạt chưa tốt”.
Bài Văn dưới 5 thì đại đa số nhận được lời phê “Diễn đạt yếu, ý mơ hồ, dẫn dắt kém”. Còn những bài Văn trên 8 vì số lượng ít nên được chú ý phê hơn một chút, ví dụ như “Xác định đề tốt, diễn đạt mạch lạc”. Cá biệt nhiều thầy cô môn Văn còn chưa nắm vững ngữ pháp đoạn văn, chưa rành mạch mạch Văn nên lúng túng không xác định rõ lỗi của HS và không biết nên phê như thế nào.
Ví dụ bài Văn của HS viết nhiều câu sai logic, nhưng GV phê là “Câu mơ hồ”, hay câu thiếu thành phần ngữ pháp thì phê là “Câu sai quy chiếu”… Nhiều GV chỉ xem lướt qua bài làm của HS thấy có mở bài, thân bài, kết bài là cho áng áng 5 - 6 điểm rồi phê “Tạm”, “Được, bố cục đầy đủ”…
Muôn hình vạn trạng lời phê bài kiểm tra của học sinh, nhưng dần dần sự thiếu vắng lời phê hoặc phê quá kiệm lời vô tình làm mờ nhạt đi cái tâm của người GV. HS cũng không còn cảm giác hồi hộp chờ đợi trả bài kiểm tra nữa vì “rồi mình cũng lại được 6 điểm như lần trước” mà không hiểu vì sao mà được 6. Điều này dẫn đến kết quả, học sinh phó mặc cho may rủi, thiếu sự phấn khích để nỗ lực vươn lên. Vì vậy, mỗi thầy cô giáo khi đặt bút phê cần dốc tâm huyết, tình thương và trách nhiệm vào đó.