“Truyền lửa” để học sinh ham học

GD&TĐ - “Để thực sự lôi cuốn học sinh vào những bài giảng của mình, bên cạnh sự tâm huyết, mỗi người thầy đều phải luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy và học. Điều quan trọng người giáo viên cần biết cách gợi mở cho học sinh, biết truyền lửa để các em phát huy sự sáng tạo trong môn học” - đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Hiểu, giáo viên Trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Thầy Nguyễn Văn Hiểu cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý
Thầy Nguyễn Văn Hiểu cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý

Luôn trăn trở với nghề

Tốt nghiệp trường sư phạm năm 2002 - 2008 thầy giáo Nguyễn Văn Hiểu chính thức bước vào nghề dạy học. Những năm trước đó, thầy đã từng đi dạy hợp đồng ở rất nhiều trường. Thầy tâm sự: Thời gian đó thật sự khó khăn đối với tôi bởi thu nhập ít ỏi, trường học cách xa nhà tới hơn chục km. Tuy nhiên, tôi thật sự gắn bó và yêu nghề mà mình đã lựa chọn. Với tôi, đây không đơn thuần là một công việc mà tôi thực sự yêu quý những thế hệ học trò của mình. Nghề dạy học cũng chính là mong ước và tâm nguyện mà cha tôi, một thầy giáo dày tâm huyết đã đặt niềm hy vọng vào con trai của mình.

Trong quá trình giảng dạy bộ môn Vật lý, thầy giáo Nguyễn Văn Hiểu đã đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm nhằm củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn cho bản thân mình. “Những năm đầu khi mới ra trường, tôi chỉ tập trung nhiều vào việc dạy kiến thức cho học sinh, giúp cho các em có thể hiểu bài, biết cách vận dụng kiến thức để thực hành làm bài tập. Tôi nhận thấy, mặc dù giảng dạy rất nhiệt tình, nhưng kết quả học tập của học sinh chưa cao.

Một số học sinh còn tỏ ra không có hứng thú khi học bộ môn này. Nhận thức rõ thực trạng của việc dạy và học môn Vật lý trong nhà trường, bản thân tôi đã phải băn khoăn, trăn trở rất nhiều. Làm thế nào để chất lượng dạy và học đi lên? Làm thế nào để các em học sinh có sự say mê đối với môn học? Từ những suy nghĩ đó, tôi đã không ngừng nỗ lực học tập, trao đổi về các phương pháp dạy học mới để đáp ứng yêu cầu môn học” - thầy Nguyễn Văn Hiểu đã chia sẻ về điều này.

Vật lý là một bộ môn mang tính ứng dụng cao, nó rất thiết thực với đời sống của con người. Chính vì vậy mà trong quá trình giảng dạy, thầy thường đưa ra những vấn đề từ thực tiễn đời sống trước, sau đó mới dẫn dắt vào nội dung bài học nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Trong mỗi bài giảng, thầy không chỉ dạy kiến thức cho học sinh mà còn hướng dẫn các em các kĩ năng và phương pháp học tập tốt nhất. Nhờ vậy, học sinh có thể lĩnh hội kiến thức bài học, để từ đó thực hành, ứng dụng vào đời sống.

 

Khuyến khích học sinh phát huy sáng tạo

Để đảm bảo chất lượng giảng dạy đối với tất cả học sinh, thầy Hiểu đã đặc biệt chú ý tới việc phân chia đối tượng học sinh trong từng lớp. Đối với những em sức học còn yếu kém, thầy đã đưa ra được những biện pháp cụ thể nhằm giúp các em tiến bộ hơn trong học tập. Còn đối với các em có học lực giỏi, thầy đã mạnh dạn đề nghị Ban giám hiệu nhà trường thành lập Câu lạc bộ nhằm bồi dưỡng năng khiếu học tập bộ môn cho các em.

Điều này giúp các em có điều kiện và cơ hội học hỏi và sáng tạo nhiều hơn. Với những việc làm đó, kết quả học tập bộ môn hàng năm của học sinh trong nhà trường tăng lên rõ rệt. Số lượng học sinh yếu ngày càng giảm và số lượng học sinh giỏi ngày càng tăng. Năm nào thầy Nguyễn Văn Hiểu cũng có học sinh đạt giải thành phố môn Vật lý. Đặc biệt trong năm học 2016 - 2017, thầy đã có học sinh đạt Huy chương Bạc cấp quốc gia.

“Để có được kết quả đó theo tôi chỉ có sự nhiệt tình thôi thì chưa đủ, mà bản thân mỗi người còn cần đến lòng tâm huyết đối với nghề. Mỗi người cần phải chủ động, sáng tạo, biết vận dụng những kinh nghiệm của bản thân, cũng như những gì mà mình học tập từ bạn bè, đồng nghiệp vào giảng dạy. Trong quá trình dạy học, tôi đã đưa ra được các sáng kiến kinh nghiệm mang lại hiệu quả. Một số sáng kiến kinh nghiệm mà tôi đề ra đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng bằng khen và giấy chứng nhận”.

 

Thầy tâm sự: Điều quan trọng của người thầy khi đứng lớp đó là luôn biết gợi mở và truyền lửa tới học sinh của mình. Điều mà tôi luôn cảm thấy vui nhất đó là các em học sinh ngày càng tỏ ra yêu thích bộ môn này, các em luôn say mê, tìm tòi và có những sáng tạo trong quá trình học tập. Với tinh thần tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ, tôi luôn tham gia đầy đủ các lớp học do các cấp tổ chức để vận dụng vào công việc giảng dạy của mình. Mặt khác, tôi cũng tích cực tham gia có hiệu quả và có những giải pháp phù hợp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học trong nhóm, tổ chuyên môn của nhà trường. Tôi thường xuyên chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp trong trường cũng như trong quận về những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy học.

Chính vì luôn đặt tâm huyết và nỗ lực trau dồi về chuyên môn và nghiệp vụ mà thầy Nguyễn văn Hiểu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được học sinh yêu quý, phụ huynh tin tưởng và đồng nghiệp tín nhiệm. Thầy đã đạt giải nhì trong hội thi “Giáo viên dạy giỏi môn Vật lý quận Hai Bà Trưng”, là một những gương mặt tiêu biểu của ngành Giáo dục Thủ đô trong phong trào đổi mới sáng tạo của toàn ngành. Điều đó cũng được thể hiện qua sự đánh giá của nhà trường cũng như UBND quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Thầy đã được nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” trong 7 năm liên tiếp.

“Là một Đảng viên, một người giáo viên trong thời đại mới, tôi tự nhận thấy những kết quả mà bản thân đạt được vẫn chưa có gì đáng kể. Vì vậy, trong những năm học tiếp theo tôi đã tự đặt ra cho mình các mục tiêu phấn đấu cụ thể. Điều quan trọng là phải giữ được ngọn lửa tâm huyết với nghề, không ngừng học hỏi, sáng tạo nhằm tìm ra được những giải pháp phù hợp để đáp ứng được những yêu cầu mới của ngành Giáo dục nói riêng và của đất nước nói chung” - Đó là những trải lòng của thầy giáo trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ