Điềm Phùng Thị & những bức tượng phụ nữ bí ẩn

GD&TĐ - Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị sau khi dời đến địa chỉ mới (17 Lê Lợi, TP Huế) đã thu hút rất đông du khách. Vườn cảnh nơi đây rất đẹp với những bức tượng lắp ghép 7 modul đầy bí ẩn.

Vườn tượng dưới bóng những cây cổ thụ tĩnh lặng
Vườn tượng dưới bóng những cây cổ thụ tĩnh lặng

Nghệ thuật trong ngôi nhà tĩnh lặng

Hoa cỏ tươi xanh, hàng cổ thụ bên đường Nguyễn Đình Chiểu (phố đi bộ) dường như muốn vươn ra che chở cho căn nhà có lối ra vườn mới được rải sỏi. Những cánh cửa sổ trong nhà rộng mở. Chủ nhân Điềm Phùng Thị (1920-2002) đã đi vào cõi vĩnh hằng. Khi trở về Huế, bà Điềm đã mang theo toàn bộ số tác phẩm còn giữ lại ở Pháp với số lượng gần 300 tác phẩm lớn nhỏ, đa số là tượng.

Những năm cuối đời, số lượng tác phẩm bà sáng tác ở Huế và TPHCM cũng lên đến hàng trăm và đều đã được đưa về Huế. Trong ngôi nhà tĩnh lặng hiện trưng bày khoảng 30 tác phẩm điêu khắc, tranh thêu và những đồ trang sức tinh xảo bằng kim loại quý hoặc gỗ, chỉ giới thiệu được một phần nhỏ trong suốt cuộc đời sáng tác khá dài của bà. Bà tâm sự trong một buổi hội thảo văn hóa quốc tế năm 1995 tại Đà Nẵng: “Khi sáng tác, tôi đã hạnh phúc, đã đau khổ. Các tác phẩm điêu khắc đó bây giờ không còn thuộc về tôi, tôi trao chúng cho các bạn”.

Bà đã có một số tượng đài xây dựng trên đất Pháp và được trưng bày ở các bảo tàng lớn. Những đóng góp to lớn ấy đã đem lại cho bà danh hiệu viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật châu Âu và tên tuổi bà được ghi vào Từ điển Larousse về tranh và tượng của thế kỷ XX.

Tượng người phụ nữ đội thúng

Điềm Phùng Thị lựa chọn cho mình góc nhìn đậm chất nữ tính. Mảng sáng tác này mang quan điểm thẩm mỹ về sự hài hòa, gợi cảm từ thân thể người phụ nữ, cảm thức tươi mát, trinh nguyên và tinh tế được thể hiện bằng các hình thể đã đơn giản hóa đến mức cao độ. Những khối hình và đường nét uyển chuyển mềm mại, mô phỏng các hình tượng thường thấy trong đời sống hay đề tài chân dung như tác phẩm Chân dung người bạn có nụ cười với khóe môi cong; bí ẩn tựa nụ cười nàng Monalisa thời Phục hưng, hay Trầm tư, Cau trầu, đôi chỗ có sự cường điệu hóa mà đều ẩn chứa sự gợi cảm, phảng phất nét huyền bí Đông phương.

Đợi chờ - tác phẩm ngập tràn nữ tính

Đặt trong sự uyển chuyển bố cục, những tác phẩm của Điềm Phùng Thị, đặc biệt là các tượng đài đều có chung một đặc điểm khác biệt về cấu trúc không gian. Với những modul giản lược rất hiện đại như tinh thần duy lý phương Tây, các tác phẩm nổi bật cùng không gian thiên nhiên, biến không gian thiên nhiên trở thành một thế giới riêng biệt của người nghệ sĩ. Mặt khác, điều làm cho tác phẩm của Điềm Phùng Thị không xa lạ với tư duy cảm tính phương Đông, thuần Việt, đó là sự thể hiện những dạng thức hướng nội như tác phẩm Im lặng, Cầu nguyện, Vách mảy. Nhìn tượng Les deux soeurs (Hai chị em), ai cũng thấy được cái đẹp của sự thơ ngây hay bức tượng L’ attente (Đợi chờ) người mẹ bồng con trên tay, ngước nhìn ra xa xăm.

Tác phẩm Khuôn mặt - người phụ nữ thuần Việt
Tác phẩm Khuôn mặt - người phụ nữ thuần Việt

Người phụ nữ của tranh và tượng

Nghệ thuật Điềm Phùng Thị không đứng ở điểm phản ảnh và miêu tả. Những bức tượng tạo nên bởi sự sắp xếp theo “ngôn ngữ Điềm Phùng Thị” của 7 modul cần phải có trình độ, tư duy nghệ thuật mới hiểu được; người xem thấy đấy là một cái cửa nhưng là cửa siêu hình của hư vô (La Porte du Néant); xem tác phẩm La Marche du Temps (Bước thời gian) cần trình độ tư duy, liên tưởng siêu hình mới hiểu sự giải thích đó.

Người phụ nữ Việt Nam trong tác phẩm của Điềm Phùng Thị thuộc về tầng lớp lao động bình dân; thường có khuôn mặt đầy đặn hiền hậu, tóc dày mượt, mày rậm, mắt to, thân thể tròn trịa, cơ bắp rắn chắc. Người phụ nữ của tranh, tượng Điềm Phùng Thị không đẹp ở bề ngoài mà ở nội tâm; thành công của tác phẩm chính là thể hiện điều đó, đề cao tâm tính bằng cách gọt đẽo khóe mắt, bờ môi.

Những điều thực sự làm nên nét hấp dẫn và lôi cuốn của phụ nữ toát ra từ tác phẩm là thiện lương, giúp họ loại bỏ những thiếu sót về hình thức, khởi nguồn cho tình yêu trong mỗi con người. Thành công thứ hai trên tác phẩm Điềm Phùng Thị là sự nữ tính - bản tính bẩm sinh mà Thượng đế ban tặng cho nữ giới; đây cũng là mỹ đức thiên bẩm dành cho phái đẹp; nữ tính thể hiện được tối đa sự hấp dẫn, song không có nghĩa là điệu đà quá mức để cho đàn ông ngắm nhìn. Thành công thứ ba ở đây là nét duyên của người phụ nữ, duy trì sự hấp dẫn bất kể thời gian, tuổi tác; tuy xinh đẹp không quá xuất sắc, song lại có sức cuốn hút, mê đắm.

Về địa chỉ mới, toàn bộ không gian hai tầng của nhà trưng bày Điềm Phùng Thị xây dựng theo lối kiến trúc Pháp được cải tạo lại phần bên trong, hệ thống sân vườn phù hợp với cảnh quan xung quanh, không gian quanh trung tâm thông thoáng, đẹp mắt. Tòa nhà đón khách từ cuối tháng 4/2018. Người dân Huế và khách du lịch có thêm một điểm tham quan, góp phần hình thành văn hóa Huế đương đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.