Không hợp với thuần phong mỹ tục?
Những bức tượng 12 con giáp được đặt trang trí trong vườn tượng của resort (Đồ Sơn, Hải Phòng) đã có hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, mới đây một số du khách đến tham quan nghỉ dưỡng có chụp lại các bức tượng và đưa lên mạng xã hội với ý kiến cho rằng không hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.
Trước những bức xúc của dư luận, sáng ngày 27/3, Sở VH-TT Hải Phòng đã làm việc với đơn vị đặt bức tượng và yêu cầu phải khắc phục, sửa chữa để không gây phản cảm với du khách. Sở VHTT Hải Phòng đưa ra 3 yêu cầu khắc phục để lựa chọn: Cất hết những tượng đá, mặc quần áo nghiêm chỉnh cho tượng hoặc gọi thợ đến đục đẽo, chỉnh sửa những chỗ nhạy cảm.
Và ngay trong ngày 27/3, những tượng đá 12 con giáp đã được khoác trên mình bộ “váy” mới. Sự việc trên giống như một giọt nước tràn ly đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người và du khách tham quan.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng, các bức tượng khá dung tục, phản cảm, thì một số ý kiến cũng cho rằng, tượng 12 con giáp này là tác phẩm nghệ thuật theo phong cách phồn thực, độc đáo bởi nghệ thuật vốn trừu tượng.
Và không nên nhìn nhận tác phẩm theo hướng phàm tục, trần trụi. Dù là tả thực hay cách điệu trong bộ tượng đều là để ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết về hình thể và cái đẹp cao thượng về tinh thần của loài người nói chung.
Đã nhiều năm qua, câu chuyện tác phẩm điêu khắc không gian công cộng luôn là vấn đề trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Nghệ thuật công cộng được hiểu là những loại hình nghệ thuật trưng bày ở nơi công cộng, dành cho tất thảy công chúng, mọi người dân đều có thể tiếp cận.
Song, làm thế nào để hoạt động này đúng hướng, hiệu quả, thật sự vì nghệ thuật, hướng đến những giá trị nhân văn chân chính đang là một thử thách không hề dễ dàng.
Cần tìm được mẫu số chung
Chia sẻ về vấn đề này, họa sĩ Nguyễn Lan Hương cho rằng, việc đưa các tác phẩm ra những không gian công cộng là rất quan trọng vì nó tác động đến môi trường thẩm mỹ của cộng đồng. Một tác phẩm điêu khắc ngoài trời, dành cho tất thảy dân chúng.
Vì vậy, chúng phải thỏa mãn được những tiêu chí của nghệ thuật dành cho số đông: Bền vững về chất liệu, gần gũi về tạo hình, dễ dàng tiếp nhận về ý nghĩa nội dung, dễ dàng khơi gợi cảm xúc, và thậm chí có thể sử dụng cho nhu cầu giải trí, thư giãn được.
Vì vậy, tác phẩm khi đem ra cộng đồng cần tìm được mẫu số chung, dung hòa, phù hợp với trình độ và quan điểm của đại chúng. Sáng tạo thì tốt nhưng vẫn phải phù hợp với truyền thống văn hóa.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Trung Vũ, (Viện Văn hóa dân gian), tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, nó ẩn chứa vào các nghi lễ và trò diễn trong các lễ hội của làng xã cổ truyền. Nó thể hiện ước vọng cơm no áo ấm ngàn đời của cư dân làm nông nghiệp.
“Trong nghệ thuật điêu khắc phồn thực từ xưa đến nay đều là những tác phẩm thể hiện được nét đẹp giới tính, hướng người xem đến nhân văn. Tượng 12 con giáp cơ thể đẹp đẽ mà đầu lại là thú vật thì không đúng với thuần phong mỹ tục. Đây là sự cách điệu quá đà đi ngược lại sự tôn vinh vẻ đẹp. Việc đặt biểu tượng ở trong không gian công cộng như vậy là không phù hợp” - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Trung Vũ cho hay.