Mai một làng đá mỹ nghệ Bửu Long

GD&TĐ - Làng đá Bửu Long (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) là một trong những làng nghề nổi tiếng, đã tồn tại trên địa bàn hơn 300 năm. Sản phẩm điêu khắc đá được bán rộng rãi trong và ngoài nước, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng giá trị hàng mỹ nghệ xuất khẩu.

Mai một làng đá mỹ nghệ Bửu Long

Thế nhưng hiện nay, làng nghề đang vấp phải rất nhiều khó khăn và có nguy cơ bị mai một theo thời gian.

Danh tiếng làng nghề xưa

Trong cái nắng gay gắt, chúng tôi tìm đến làng chế tác đá mỹ nghệ Bửu Long. Vừa qua khỏi cổng khu Văn miếu Trấn Biên, chúng tôi đã nghe tiếng đục, đẽo hòa với tiếng cắt đá - những âm thanh đặc trưng của nghề chế tác đá không thể lẫn với bất cứ âm thanh nào khác vọng ra từ một cơ sở đá mỹ nghệ.

Chủ cơ sở là nghệ nhân Lý Hùng Kiệt (53 tuổi), với 38 năm tuổi nghề điêu khắc đá mỹ nghệ, đang miệt mài hoàn chỉnh tác phẩm của mình. Bên cạnh ông là các thợ điêu khắc đang cặm cụi hoàn thành nốt các tượng Phật để kịp giao cho khách hàng.

Theo ông Lý Hùng Kiệt - Chủ nhiệm CLB Chế tác đá Trấn Biên, thì nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Bửu Long hình thành từ năm 1679. Trong số những người dân “lập nghề” có 8 gia đình thuộc các họ Lưu, Đặng, Phạm về làng Tân Lại mở hầm khai thác để phát triển nghề đá của cố hương và hình thành nên làng nghề điêu khắc đá truyền thống Bửu Long duy nhất tại Đồng Nai tồn tại cho đến ngày nay.

Công cụ làm đá lúc bấy giờ chỉ có búa tạ, xà beng, chét lớn để khai thác đá, búa trung, búa nhỏ và đục lớn nhỏ các loại để chế tác đá thành các sản phẩm mỹ thuật. Trong thời hoàng kim của nghề chế tác đá Bửu Long, số hộ tham gia sản xuất có đến cả trăm. Cả làng có không dưới 40 cơ sở với hàng trăm lao động từ nhiều địa phương trong cả nước đổ về đây. Sản phẩm của làng không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn chu du sang tận trời Âu như Pháp, Mỹ, Canada...

Sở dĩ nghề đá ở Bửu Long nổi trội hơn nhiều nơi khác là nhờ vào chất liệu đá đặc biệt ở đây - một loại đá xanh rất mịn, cứng, không có hoa văn, không lấp lánh và không bị phai mờ hay hoen ố theo thời gian. Tuy có nguồn nguyên liệu tại chỗ nhưng những người thợ đá ở Bửu Long cũng phải lên tận núi, tìm những tảng đá phù hợp rồi tự đục, đẽo mang về.

Có đá rồi, người thợ còn phải sử dụng nhiều thủ thuật với nhiều loại công cụ khác nhau như đục nhảy, đục phá, đục láng, đục rãnh, đục khớp, đục vòng… để làm cho khối đá trở nên sinh động và có hồn. Khó nhất là công đoạn tạo hình và đánh bóng - người thợ đá phải làm việc miệt mài, có khi mất cả năm trời mới hoàn thành được một sản phẩm.

Cho dù ngày nay việc khắc chạm được hỗ trợ bởi cơ khí đã giúp công việc dễ dàng và nhanh chóng hơn, nhưng để đạt được độ tinh xảo vẫn cần đến đôi bàn tay khéo léo lành nghề của người thợ.

Nghề đá dần mai một

Dẫn chúng tôi thăm một xưởng chế tác đá, ông Kiệt tâm tư: Nghề điêu khắc đá tuy vất vả nặng nhọc nhưng là nghề được truyền từ cha mình nên không bỏ được. Nhưng hiện số thợ lành nghề đá mỹ nghệ ở Bửu Long giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, khoảng 6 - 7 cơ sở với 20 nghệ nhân. “Lớp lớn như tôi nghỉ nhiều lắm rồi, lớp mới lớn như con tôi 2 đứa không theo nghề nữa, bởi nghề này nặng nhọc, vất vả”, ông Kiệt bùi ngùi.

Để duy trì sản xuất, người dân làm nghề đá phải tìm mua nguyên liệu tận các mỏ đá ở Hóa An, Tân Hạnh (Biên Hòa), Tân Hiệp (Bình Dương)… Với công vận chuyển và tiền nguyên liệu cao, chưa kể đá ở các vùng này chất lượng không tốt, độ mịn và màu xanh không “sắc” bằng đá ở Bửu Long nên việc sản xuất và sản phẩm cũng có những ảnh hưởng nhất định.

Hầu hết cơ sở còn tồn tại đến nay là nhờ làm bia mộ hoặc cầu thang, đèn đá cho các công trình hay công viên, đá lát lề đường… Những bức tượng nghệ thuật như Đức Phật, Phước Lộc Thọ, Tứ linh… họa hoằn lắm mới có người đặt. Sự cạnh tranh do đó càng trở nên gay gắt, chỉ những cơ sở lớn, có uy tín về tay nghề mới có thể tồn tại được. Số phận của những người thợ đá cũng trở nên bấp bênh, đa phần đã phải đầu quân ở các tỉnh, thành khác hoặc phải bỏ nghề truyền thống sang làm các nghề thời vụ, thậm chí phải chuyển nghề.

Theo nghệ nhân Phạm Duy Luân (52 tuổi), người thừa kế nghề đời thứ ba của một gia đình tại làng nghề truyền thống này, thì việc duy trì nghề không chỉ là đam mê, sự mặn mà với các thành phẩm từ đá, mà còn là cả trách nhiệm của thế hệ sau đối với văn hóa làng nghề đã tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm.

Từ bao đời nay, người dân làng Bửu Long đã tham gia chế biến đá mỹ nghệ với nguồn nguyên liệu là loại đá xanh khai thác từ núi Bửu Long tại địa phương. Tuy nhiên sau khi Khu du lịch Bửu Long được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và sau đó thành phố Biên Hòa ban hành quyết định cấm khai thác đá ở hồ Long Ẩn (thuộc quần thể Khu du lịch Bửu Long) để bảo toàn cảnh quan, không làm ảnh hưởng đến du lịch thì người dân làng đá đã bắt đầu gặp khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ