Điểm nhấn trong bồi dưỡng giáo viên, CBQL theo chuẩn

GD&TĐ - Lâu nay, việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL và giáo viên các nhà trường phổ thông thường ít quan tâm đến nhu cầu bồi dưỡng của đối tượng bồi dưỡng, mà chỉ chú trọng, tập trung vào những vấn đề mà cơ sở bồi dưỡng hiện có. Chính vì vậy, hiệu quả bồi dưỡng chưa được như mong muốn.

Điểm nhấn trong bồi dưỡng giáo viên, CBQL theo chuẩn

Phải bồi dưỡng cái giáo viên cần

Ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Trong thời gian tới, khi các Chuẩn nghề nghiệp được ban hành, một trong những chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục là phải triển khai, thực hiện Chuẩn thật nghiêm túc, qua đó nhận diện được năng lực thật của đội ngũ; kết hợp với việc khảo sát nhu cầu bồi dưỡng để xây dựng chương trình bồi dưỡng tập trung vào những năng lực còn yếu, còn thiếu của đội ngũ.

Việc bồi dưỡng theo Chuẩn cần gắn kết chặt chẽ với nhu cầu mỗi cá nhân - hướng tới việc bồi dưỡng theo các nội dung tự chọn của mỗi người một cách thiết thực, hiệu quả qua việc hỗ trợ bằng phương thức bồi dưỡng ứng dụng CNTT. Người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời gian nếu có điều kiện, qua hệ thống tài liệu được thiết kế “treo” trên mạng Internet.

Cùng với đó, cần có tổng kết toàn diện mô hình đào tạo trong các trường, các khoa sư phạm, các cơ sở được giao nhiệm vụ bồi dưỡng CBQL giáo dục đánh giá, rút kinh nghiệm về một số mô hình đào tạo khác.

Việc bồi dưỡng theo Chuẩn cần gắn kết chặt chẽ với nhu cầu mỗi cá nhân - hướng tới việc bồi dưỡng theo các nội dung tự chọn của mỗi người một cách thiết thực, hiệu quả qua việc hỗ trợ bằng phương thức bồi dưỡng ứng dụng CNTT. Người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời gian nếu có điều kiện, qua hệ thống tài liệu được thiết kế “treo” trên mạng Internet.
Ông Hoàng Đức Minh

Quan điểm chung là quan tâm đến sự thay đổi có tính chất bản chất trong phương án đào tạo giáo viên: Thay đổi việc đào tạo giáo viên từ dạy một môn sang đào tạo giáo viên dạy những môn tích hợp; thay đổi việc đào tạo trang bị kiến thức sang trọng tâm đào tạo năng lực sư phạm, trong đó chú ý: các năng lực chẩn đoán, thiết kế, tổ chức, thực hiện và giám sát đánh giá và giải quyết vấn đề nẩy sinh trong thực tiễn dạy học và giáo dục; thay đổi phương pháp dạy sang đào tạo cách dạy phương pháp học.

Ông Hoàng Đức Minh cũng nhấn mạnh việc đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo theo Chuẩn nghề nghiệp và Chuẩn chức danh nhằm gắn kết chặt chẽ với thực tiễn giáo dục của đất nước và thế giới; đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học giáo dục; phát triển năng lực hoạt động trong cộng đồng và khả năng lập nghiệp của nhà giáo tương lai.

Đồng thời, đổi mới sâu sắc phương thức đào tạo theo hướng dạy cho nhà giáo tương lai biết cách tự tìm kiếm kiến thức, rèn kỹ năng sư phạm, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề giáo, có khả năng thích ứng với thực tiễn giáo dục theo tiếp cận của Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Cụ thể: Đổi mới nội dung, chương trình, phương thức bồi dưỡng giáo viên và CBQLGD một cách khoa học, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở từng cấp, bậc học bằng cách: đổi mới Chương trình bồi dưỡng hiện nay cần thiết kế theo dạng thức gồm các hoạt động; tùy theo các hoạt động, giảng viên có thể vận dụng phương pháp tình huống.

Các lí do được đưa ra là: Học viên người lớn họ không phải chú trọng kiến thức, mà chú trọng việc phát triển kỹ năng tham gia vào việc ra quyết định/năng lực vận dụng; tạo môi trường học tập/huấn luyện những tình huống thực tiễn; phù hợp với phương pháp học tập cho học viên là người lớn; phát huy tính tích cực của học viên trong quá trình làm việc nhóm và nêu cao vai trò trách nhiệm của người học đương chức là cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục.

"Cũng cần tổ chức các hội nghị giữa các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục bồi dưỡng CBQL giáo dục với các địa phương. Hàng năm, tổ chức Hội nghị với các giáo viên để xác định các vấn đề cụ thể về phương pháp giảng dạy, đánh giá và các kĩ năng khác; tối thiểu từ 2-3 năm một lần, tổ chức hội nghị các hiệu trưởng để xác định các vấn đề quản lý, chương trình và các nhu cầu cấp cơ sở và từ 3-5 năm một lần tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT để xác định nhu cầu nguồn lực đào tạo, năng lực giáo viên và các điều kiện khác.

Kết quả thu được là các báo cáo nghiên cứu về nhu cầu, văn bản hợp tác, đề xuất và các thông tin thực tiễn giúp các trường sư phạm phát triển chương trình và điều chỉnh các mô hình đào tạo - bồi dưỡng giáo viên và CBQL giáo dục phổ thông" - ông Hoàng Đức Minh lưu ý thêm.

Coi Chuẩn như một tấm gương để “tự soi, tự sửa”

Đối với mỗi CBQL và giáo viên, ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh: việc chuyển nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất, năng lực là chủ trương đổi mới, xuyên suốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Để thực hiện chủ trương này, cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục. Mỗi người CBQL và giáo viên của mỗi nhà trường cần xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng, đào tạo lại chính bản thân mình để có thể đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Vì vậy, mỗi người CBQL và giáo viên phải nhận thức được Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông là hệ thống các yêu cầu cơ bản về phẩm chất và năng lực của đội ngũ hiệu trưởng và giáo viên cần phải đạt được.

Mục đích cốt lõi của Chuẩn là: coi Chuẩn như một tấm gương để mỗi người “tự soi, tự sửa”, tự phấn đấu, rèn luyện theo Chuẩn; Để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo Chuẩn, lấy các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn như là “thước đo” đầu ra của quá trình đào tạo, bồi dưỡng theo Chuẩn; Và cuối cùng, các cơ quan quản lý giáo dục căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại theo Chuẩn để xây dựng các chế độ, chính sách nhằm phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ.

“Bản thân mỗi người CBQL và giáo viên phải nắm vững các tiêu chuẩn, tiêu chí được thể hiện trong các Chuẩn nghề nghiệp giáo viên, Chuẩn hiệu trưởng, từ đó tự bồi dưỡng, hoàn thiện bản thân theo các quy định của Chuẩn. Những giá trị cốt lõi mà năng năng lực này cần định hình đó là: Thái độ/sự tận tậm nghề nghiệp để thực hiện chức năng nghề nghiệp; Chuẩn đạo đức, giá trị văn hoá người giáo viên và CBQLGD biểu hiện lối sống, tác phong, đạo đức nghề nghiệp” – ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh.

“Cũng như các quốc gia khác công tác bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ GV và CBQLGD phổ thông theo Chuẩn GV và Chuẩn hiệu trưởng nhằm hiện thực mục tiêu phát triển năng lực cho đội ngũ GV và CBQLGD phổ thông là hướng đến sự chuẩn hoá, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo.

Đây là hoạt động thường xuyên, giúp họ tự cân bằng giữa năng lực bản thân với yêu cầu nhiệm vụ mới. Một trong những nguyên tắc nền tảng là họ cần được chuẩn bị tốt về năng lực thực thi nhiệm vụ theo Chuẩn năng lực mới để trực tiếp tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ngay tại trường mình. Đồng thời, vừa tham mưu giúp các cấp lãnh đạo, quản lý Ngành thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”
ông Hoàng Đức Minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.