Hàng loạt trường hợp ngộ độc
Mới đây, 98 học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (Quận 2, TP Hồ Chí Minh) bị nghi ngộ độc thực phẩm. 32 trường hợp phải nhập viện gồm 30 học sinh, một giáo viên và một bảo mẫu. Các bệnh nhân đều có một trong các triệu chứng sốt, ói, tiêu chảy, đau bụng…
Trưa 11/9, học sinh tại Trường Tiểu học Bình Trưng Đông ăn trưa với bánh canh tôm và bữa chiều là bánh su kem. Sau khi ăn, các em không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, ngày 12/9, một số em có biểu hiện sốt, nôn ói, tiêu chảy nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Quận 2 khám và điều trị.
Đến ngày 13/9, có thêm các học sinh khác cùng một giáo viên và bảo mẫu cũng nhập viện với biểu hiện tương tự.
Trước đó, một số học sinh tại Trường Tiểu học Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội) đã phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Trưa ngày 9/9, nhà trường tổ chức bữa ăn cho học sinh bán trú, 15h chiều cùng ngày có thêm bữa phụ là sữa học đường.
Tuy nhiên, đến 21h ngày 9/9, một học sinh có biểu hiện đau bụng, sốt, đi ngoài và được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cấp cứu. Sau khi thăm khám và điều trị, học sinh này được bệnh viện cho về và theo dõi tại nhà. Một ngày sau, 58 học sinh của trường không đến lớp, trong đó 48 em gặp triệu chứng buồn nôn, sốt và đi ngoài.
Cũng tại TPHCM, ngày 10/9 qua, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 26 trẻ được nuôi dưỡng ở chùa Kỳ Quang 2, bị ngộ độc thực phẩm. Những trường hợp này nhập viện trong tình trạng buồn nôn, ói, đau bụng, da xanh và tiêu chảy.
Người của nhà chùa cho biết, khoảng 11h trưa cùng ngày, 50 trẻ em đã ăn cơm với món thịt kho trứng và canh bầu. Trong đó, món thịt kho trứng nấu từ hôm trước được đun nóng lại.
Khoảng 4 tiếng sau ăn, nhiều trẻ có triệu chứng đau bụng, buồn nôn và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu.
Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm
TS.BS Mai Thị Hội - Trưởng khoa Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội), cho biết: “Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hoặc trúng thực, là tình trạng người bệnh bị trúng độc.
Ngộ độc bị gây ra do ăn uống phải những thực phẩm, nước nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, vượt quá liều lượng cho phép các chất bảo quản, chất phụ gia…”.
Nếu ngộ độc ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khỏe lại sau vài ngày. Tuy nhiên, trường hợp nặng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Chuyên gia lý giải, ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể từ 1 - 2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết thực phẩm. Một số trường hợp người bệnh có thể nghĩ đến ngộ độc khi: Có những biểu hiện khác thường sau khi ăn uống một thực phẩm nào đó;
Những người cùng ăn chung một loại thực phẩm có biểu hiện giống nhau, trong khi những người không ăn loại thực phẩm đó không có biểu hiện gì; Gặp phải những triệu chứng ngộ độc thực phẩm đặc trưng như đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy; Thực phẩm vừa ăn uống có mùi vị lạ, ôi thiu, thậm chí có thể có giun sán.
Bên cạnh đó, TS Mai Thị Hội cho biết, tùy từng trường hợp, người bệnh có thể ngộ độc do vi sinh vật, do thực phẩm nhiễm hóa chất hoặc chứa độc tố tự nhiên, hay các thực phẩm vốn chứa sẵn độc tố.
“Ngộ độc thức ăn nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch và ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, sức đề kháng giảm sút”, chuyên gia cảnh báo.
TS Mai Thị Hội nhấn mạnh, khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng biện pháp sơ cứu để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe người bệnh.
Đối với những người có triệu chứng nôn mửa ngay sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, hoặc còn tỉnh táo, chưa có triệu chứng ngộ độc, cần dùng mọi biện pháp kích thích để nôn hết những thức ăn ra khỏi dạ dày.
“Có thể dùng ngón trỏ (đã được rửa sạch) để ép vào góc lưỡi người bệnh, hoặc pha nước muối hòa tan trong nước ấm để kích thích người bệnh nôn càng nhiều càng tốt, hạn chế các loại độc tố ngấm vào cơ thể người bệnh”, chuyên gia chia sẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình gây nôn cần chú ý để người bệnh nằm nghiêng, kê cao phần đầu, giúp chất độc không bị trào ngược vào phổi. Cần hạn chế nguy cơ người bệnh tử vong do sặc hoặc ngạt thở. Đối với trẻ em, cần khéo léo tránh gây xước cổ họng trẻ.
Ngoài ra, mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc hoặc mẫu thức ăn người bệnh vừa nôn cũng có thể được giữ lại để xác định chính xác nguyên nhân.
Theo TS Hội, người ngộ độc thực phẩm có thể nôn và tiêu chảy nhiều lần, khiến cơ thể mất nước. Do đó, người bệnh cần uống nhiều nước và nghỉ ngơi hoặc bù nước bằng dung dịch oresol.
“Cần đọc kỹ hướng dẫn nếu sử dụng dung dịch oresol. Dùng đúng liều lượng chỉ định, không pha quá ít hoặc nhiều nước, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch… Nếu nhiều người ngộ độc thức ăn cùng một lúc, cần chia dung dịch oresol riêng biệt, không cho uống chung vì có thể khiến tình trạng của người bệnh nhẹ trở nên nghiêm trọng hơn”, chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên, người bệnh gặp những triệu chứng bất thường như co giật, rối loạn ý thức, suy hô hấp, việc gây nôn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế.
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Để phòng ngừa ngộ độc thức ăn cũng như các biến chứng nguy hiểm, TS Hội khuyến cáo người bệnh chọn lựa thực phẩm an toàn. Ngoài ra, cần bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc “ăn chín uống sôi”.
Cụ thể, người dùng cần chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng. Tuyệt đối không chọn những thực phẩm nhiễm chất độc hóa học, hoặc chứa độc như nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc…
Bảo quản thực phẩm cũng là một yếu tố quan trọng trong phòng, tránh ngộ độc. Vì vậy, cần bảo quan thức ăn trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp ở khoảng thời gian cho phép. Không để thức ăn ở ngoài quá hai giờ. Đặc biệt, vào mùa hè, không để thực phẩm ở ngoài quá một giờ vì có thể gây hư hỏng, ôi thiu.
“Rửa tay trước khi tiếp xúc thực phẩm, trong và sau khi chế biến món ăn để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống. Ngoài ra, cần làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến món ăn. Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nấu nướng, ăn uống, rửa sạch bằng xà phòng và nên rửa bằng nước ấm”, chuyên gia nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người dân được khuyến cáo chỉ ăn ở những nơi bảo đảm vệ sinh, tránh những nơi bụi bẩn, ẩm thấp; Bảo quản, chế biến thức ăn đúng cách tránh nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây ngộ độc…