Điểm danh hy vọng vàng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 19

GD&TĐ - Đại hội thể thao châu Á - ASIAD lần thứ 19 sẽ diễn ra từ 23/9 đến 8/10 tại Hàng Châu (Trung Quốc) với 483 nội dung thi đấu ở 40 môn và 61 phân môn.

Nữ xạ thủ Phí Thanh Thảo.
Nữ xạ thủ Phí Thanh Thảo.

Thể thao Việt Nam tham dự với trên 400 thành viên, mục tiêu dự kiến giành từ 3 - 5 Huy chương Vàng.

Nhận diện khó khăn

Tất cả vận động viên Việt Nam tham dự ASIAD 19 đều phải đăng ký lớp học trực tuyến về kiến thức phòng chống doping do Cơ quan chống doping quốc tế tổ chức và cấp chứng chỉ.

Trung tâm doping và y học thể thao đã tiến hành dịch chương trình sang tiếng Việt để triển khai tổ chức đào tạo cho vận động viên Việt Nam.

Trước ngày 15/7, các vận động viên Việt Nam dự kiến tham dự ASIAD 19 đều phải có chứng chỉ doping theo yêu cầu của Cơ quan chống doping thế giới.

Thể thao Việt Nam vừa giành vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 32, trong đó các vận động viên đoạt 136 Huy chương Vàng, bỏ rất xa những đội xếp sau trên bảng tổng sắp huy chương.

Thế nhưng, ASIAD 19 lại là câu chuyện khác, từ khâu đặt chỉ tiêu huy chương được cho là “khiêm tốn” cho đến khả năng trên thực địa chúng ta có hoàn thành được không?

Tại ASIAD 18 diễn ra năm 2018 ở Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 523 thành viên, trong đó có 352 vận động viên, thi đấu ở 32 môn. Kết thúc đại hội, thể thao Việt Nam đoạt 4 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc, 18 Huy chương Đồng, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

4 Huy chương Vàng của thể thao Việt Nam khi đó thuộc về các bộ môn: Pencak silat (2), đua thuyền rowing (1), điền kinh (1). Đáng chú ý, lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành được Huy chương Vàng ở môn điền kinh tại đấu trường ASIAD do công của vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo với thành tích 6,55m.

Để chuẩn bị cho ASIAD 19, ngay sau khi SEA Games 32 kết thúc, các đội tuyển đã trở lại tập luyện theo kế hoạch. Lãnh đạo Bộ VH,TTDL và Tổng cục TDTT đã nhóm họp bàn về công tác chuẩn bị tham dự ASIAD 19.

Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, chuẩn bị cho ASIAD 19 là một quá trình lâu dài, rất kĩ càng về chuyên môn. Các bộ môn cần có cái nhìn tổng thể, định hướng rõ ràng cho môn thể thao mà mình phụ trách để nỗ lực đổi màu huy chương. Trải qua một quá trình xuyên suốt, cần rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho ASIAD lần này.

Tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VH,TTDL Hoàng Đạo Cương đánh giá cao một số môn đã mạnh dạn đặt chỉ tiêu để phấn đấu tại ASIAD 19. Muốn đạt được chỉ tiêu này, cần tập trung ưu tiên cho các vận động viên tiềm năng, xây dựng kế hoạch tập huấn, đầu tư trang thiết bị, điều kiện hỗ trợ đi kèm...

ASIAD là đấu trường khắc nghiệt hơn SEA Games rất nhiều với sự tham dự của 45 quốc gia châu Á, vì vậy thể thao Việt Nam phải có giải pháp để thực hiện mục tiêu giành Huy chương Vàng.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, qua SEA Games 31 và SEA Games 32, thể thao Việt Nam có những môn giành được thành tích tốt về số lượng Huy chương Vàng. Tuy nhiên, nội dung quan trọng để đạt được Huy chương Vàng tại ASIAD vẫn còn rất ít, nếu không muốn nói là khó khăn.

Chúng ta có thể chờ đợi một số kết quả tốt từ bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ hay đua thuyền rowing, nhưng tất cả phải theo sự đầu tư và sự chuẩn bị chuyên môn, phong độ thi đấu của các tuyển thủ.

Thực tế, đấu trường SEA Games chưa hẳn đã là thước đo chuẩn mực nhất về chuyên môn, nếu như chúng ta đặt sân chơi khu vực trong lộ trình phát triển cùng với những nấc thang cao hơn như ASIAD hay Olympic.

Trong 2 kỳ SEA Games gần đây (trong vòng hơn 1 năm), thể thao Việt Nam đều giành ngôi nhất toàn đoàn, chỉ tính riêng số Huy chương Vàng lên đến 341 chiếc. Vấn đề đặt ra, từ 341 tấm Huy chương Vàng ấy, những gương mặt hay nội dung nào đủ sức bật lên để giành Huy chương Vàng tại ASIAD 19?

Tại những kỳ SEA Games gần đây, chúng ta luôn vượt Thái Lan và Malaysia về tổng sắp huy chương nhưng trên các đấu trường của châu lục, thể thao Việt Nam vẫn chưa có được kết quả thành tích Huy chương Vàng như những quốc gia trong nhóm đầu khu vực Đông Nam Á.

Đơn cử như ở ASIAD 2018, thể thao Thái Lan giành được 11 Huy chương Vàng, Malaysia có 7 Huy chương Vàng và cùng xếp trên Việt Nam. Điều đó luôn đặt chúng ta ở tình thế số 1 khu vực nhưng đến sân chơi châu lục vẫn phải “dè dặt, khiêm tốn”, và chỉ tiêu ở Hàng Châu vào tháng 9 tới của thể thao Việt Nam vẫn quanh quẩn con số cũ 3 - 5 Huy chương Vàng.

Kết thúc SEA Games 32, xét riêng nhóm môn thi đấu Olympic, thể thao Việt Nam đã có Huy chương Vàng ở 16 môn, giành 69/136 Huy chương Vàng. Điều đó cho thấy các môn Olympic đã mang về số lượng Huy chương Vàng nhiều hơn nhóm các môn ngoài Olympic.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể, hoặc chưa muốn chữa dứt điểm căn bệnh cũ, đó là đầu tư dàn trải. Trong khi đó, nếu muốn có thành tích cao và ổn định tại những đại hội thể thao lớn như ASIAD hay Olympic thì thể thao Việt Nam cần đầu tư trọng điểm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Trần Đức Phấn cho biết: Trong năm 2023 chúng ta đồng thời chuẩn bị cho vận động viên song song ở cả ba mục tiêu quan trọng trong năm lần lượt là SEA Games 32, ASIAD 19 và vòng loại Olympic Paris 2024.

Nhìn vào thực tế, thể thao Việt Nam dự đấu trường ASIAD có thể giành được từ 20 đến 30 tấm Huy chương Bạc hoặc cũng con số ấy Huy chương Đồng. Thế nhưng chuyển từ mầu bạc sang mầu vàng là rất khó. ASIAD là đấu trường của châu Á, các tuyển thủ mạnh nhất châu lục đều tham dự ở đây.

Hy vọng vàng ở đâu?

Kì thủ Lê Quang Liêm.

Kì thủ Lê Quang Liêm.

Ngày 31/5 vừa qua, ba kình ngư hàng đầu Việt Nam là Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên đã trở lại Hungary tập huấn để chuẩn bị cho ASIAD 19. Trước đó, Huy Hoàng đã giành Huy chương Bạc đầu tiên cho bơi Việt Nam tại ASIAD 18 ở cự ly 1.500m tự do.

Tuy nhiên, cơ hội đổi màu huy chương của Hoàng tại Hàng Châu là cực kỳ khó khăn, bởi thông số chuyên môn của anh trong gần 2 năm qua có chiều hướng đi xuống.

Thành tích mới nhất của Huy Hoàng tại SEA Games 32 đã cho thấy điều đó. Hai kỷ lục tại SEA Games 32 của Phạm Thanh Bảo cũng rất đáng trân trọng, song để có huy chương châu lục kình ngư Việt Nam vẫn cần nỗ lực rất nhiều và cả sự may mắn nào đó.

Điền kinh Việt Nam giành 12 Huy chương Vàng SEA Games 32 nhưng cơ hội giành vàng ASIAD không nhiều. Trước đó, Bùi Thị Thu Thảo giành Huy chương Vàng ASIAD 18 với thông số 6,55m.

Dù vậy, mới đây tại SEA Games, Thảo chỉ đạt mức 6,13m và giành Huy chương Bạc. Phong độ sa sút và chấn thương khiến Thảo không còn ở đỉnh cao phong độ.

Ngoài ra, mục tiêu của Nguyễn Thị Oanh (4 Huy chương Vàng SEA Games 32) là đổi màu huy chương tại Á vận hội. Gần nhất tại ASIAD 18, thành tích của Oanh là tấm Huy chương Đồng nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ và về vị trí thứ 5 nội dung chạy 1.500m nữ.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, đội tuyển điền kinh Việt Nam đang xây dựng kế hoạch đưa các vận động viên đi tập huấn tại Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc Nhật Bản.

Trước mắt, các vận động viên sẽ tập trung chuẩn bị cho giải vô địch châu Á sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 17/7 tại Thái Lan. Hy vọng của điền kinh tại ASIAD 19 được đặt lên vai Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền và tổ tiếp sức 4x400m nữ. Mục tiêu của điền kinh Việt Nam là giành 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng tại đại hội.

Đội tuyển bắn súng Việt Nam đang đối mặt với nhiều bài toán khó, trong khi mục tiêu đặt ra là hướng tới là tranh chấp Huy chương Vàng tại ASIAD 19 và giành vé đến Olympic Paris 2024. Tuy là môn thể thao trọng điểm Olympic nhưng tại SEA Games 32, bắn súng không có trong chương trình thi đấu.

Các xạ thủ Việt Nam mất đi cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. Ngoài ra, các vận động viên của đội tuyển bắn súng vẫn tập luyện triền miên trong tình trạng thiếu đạn. Tháng 7 tới, đội tuyển bắn súng Việt Nam sẽ tham dự giải vô địch thế giới và đồng thời là vòng loại Olympic Paris 2024. Sau giải đấu, các tay súng trọng điểm sẽ tiếp tục đi Hàn Quốc tập huấn cho đến ASIAD 19.

Thể thao Việt Nam từng thành danh ở ASIAD bằng các tấm Huy chương Vàng của nhóm môn võ thuật. Tại kỳ đại hội châu lục năm 2014, Dương Thúy Vi là người giành tấm Huy chương Vàng duy nhất cho wushu Việt Nam cũng như đoàn thể thao Việt Nam. 5 năm trước tại ASIAD 18, wushu Việt Nam đã giành 2 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng.

Dương Thúy Vi được kỳ vọng sẽ giành Huy chương Vàng tại ASIAD 19.

Dương Thúy Vi được kỳ vọng sẽ giành Huy chương Vàng tại ASIAD 19.

Theo kế hoạch, trong tháng 8 tới, nhóm võ sĩ trọng điểm wushu Việt Nam sẽ có chuyến tập huấn tại Trung Quốc. Dương Thúy Vy vẫn là hy vọng vàng lớn nhất của wushu Việt Nam. Ngoài ra, thể thao Việt Nam còn hy vọng từ nhà vô địch karate châu Á Mỹ Tâm, nhà vô địch taekwondo châu Á Kim Tuyền và kỳ vọng sự đột biến từ boxing, kurash.

Việc chủ nhà Trung Quốc đưa cờ vua, cờ tướng vào tranh tài ở ASIAD 19 cũng mở ra cơ hội cạnh tranh cho các kỳ thủ Việt Nam. Mới đây, Tổng cục TDTT vừa ra quyết định triệu tập đội tuyển cờ tướng Việt Nam với sự “thay máu” mạnh mẽ.

Đáng chú ý, toàn bộ thành viên ban huấn luyện đội tuyển cờ tướng Việt Nam vừa tham dự SEA Games 32 đều không có tên. Ngoài ra, trong số 13 kỳ thủ được triệu tập, có sự trở lại của Nguyễn Hoàng Yến (nữ) và Nguyễn Minh Nhật Quang (nam) đều của đơn vị TPHCM.

Đây là 2 kỳ thủ tài năng nhưng không được gọi lên đội tuyển cờ tướng Việt Nam tham dự SEA Games 32 gây bức xúc cho giới chuyên môn lẫn người hâm mộ cờ tướng Việt Nam.

Huấn luyện trưởng Hoàng Đình Hồng cho biết: Từ nay đến hết năm 2023 đội tuyển cờ tướng Việt Nam có 3 giải quốc tế lớn là giải đồng đội châu Á vào tháng 8 tại Thái Lan, giải ASIAD vào tháng 9 tại Trung Quốc và vô địch thế giới vào tháng 11 tại Mỹ.

ASIAD là giải đấu khác xa hoàn toàn so với SEA Games khi sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Tôi kỳ vọng các thách thức lớn thì anh em càng đồng lòng vượt qua nhằm để lại dấu ấn gì đó.

Ở môn cờ vua, Việt Nam có các kỳ thủ trong tốp đầu châu lục như Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Tuấn Minh (nam); Võ Thị Kim Phụng, Nguyễn Thị Mai Hưng (nữ) đủ khả năng tranh chấp Huy chương Vàng.

Cử tạ Việt Nam có 2 đương kim á quân ASIAD là Thạch Kim Tuấn, Trịnh Văn Vinh nhưng lực lượng hiện tại vẫn khó cạnh tranh vàng với các đối thủ của Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Indonesia…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.