Thể thao Việt Nam sau SEA Games 32: Chặng đường nhiều thách thức

GD&TĐ - Đoàn thể thao Việt Nam giành 136 Huy chương Vàng, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32.

Nguyễn Thị Huyền đã giành tổng cộng 13 Huy chương Vàng SEA Games. Ảnh: INT
Nguyễn Thị Huyền đã giành tổng cộng 13 Huy chương Vàng SEA Games. Ảnh: INT

Tuy nhiên, thành tích các môn thể thao Olympic chưa cao khiến cho chúng ta đứng trước nhiều thách thức ở những sân chơi tầm châu lục và thế giới.

Những điểm sáng

Sau khi bị hoãn vì ảnh hưởng của Covid-19, ASIAD 19 vẫn được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 23/9 đến ngày 8/10/2023. Theo Ban tổ chức, ASIAD 19 sẽ gồm 40 môn với 66 phân môn và 502 nội dung. Hàng Châu, Ninh Ba, Ôn Châu, Thiệu Hưng, Kim Hoa và Hồ Châu là các địa điểm mà Trung Quốc chọn tổ chức ASIAD 19. Khẩu hiệu của ASIAD là “Từ trái tim đến trái tim, đến tương lai”. Mục tiêu của thể thao Việt Nam là giành từ 3 - 5 Huy chương Vàng tại đại hội châu lục diễn ra ở Trung Quốc. Trước đó, thể thao Việt Nam từng giành 4 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng tại ASIAD 18.

Ở SEA Games 32, chủ nhà Campuchia đưa vào chương trình thi đấu đến 48 môn và phân môn với 608 nội dung, là đại hội có số lượng môn và nội dung lớn nhất trong lịch sử.

Theo thống kê, đoàn Việt Nam đã giành 69 Huy chương Vàng từ các môn Olympic. Các môn mang về nhiều Huy chương Vàng nhất gồm: Điền kinh (12), bơi (7), judo (8), vật (13), karatedo (6), taekwondo (4)...

Ngoài ra, bóng bàn, hai môn phối hợp, bóng đá nữ, thể thao Việt Nam cũng xuất sắc có được mỗi môn 1 Huy chương Vàng. Các môn bóng rổ 3x3, judo, vật, karate, thể dục dụng cụ cùng giữ vị trí số 1. Đặc biệt, judo đã giành đến 8/13 Huy chương Vàng tại SEA Games 32. Trước đó tại SEA Games 31, judo đã giành đến 9 Huy chương Vàng và là điểm sáng trong số các môn võ Olympic của Việt Nam.

Trong số 67 Huy chương Vàng của môn ngoài Olympic, các môn mang về nhiều huy chương vẫn là những môn võ, môn truyền thống của Việt Nam và Campuchia. Đó là vovinam (7), wushu (6), kun Khmer (5), kun Bokator (6)... Đặc biệt, môn lặn mang về đến 14 Huy chương Vàng, thể dục aerobic giành cả 5/5 Huy chương Vàng.

Bên cạnh đó, thể thao Việt Nam còn giành được nhiều Huy chương Vàng bất ngờ, thậm chí mang tính lịch sử. Như ở môn golf, chúng ta đi sau các nước Đông Nam Á khoảng 20, 30 năm. Thậm chí, golf Thái Lan còn vươn tầm thế giới.

Nhưng ở nội dung đơn nam, vận động viên Lê Khánh Hưng, người mới 15 tuổi, đã giành được Huy chương Vàng. Đến nội dung đồng đội nam, Khánh Hưng và các đồng đội cũng đã chơi ấn tượng để có được Huy chương Bạc.

Ngoài ra, cũng phải dành nhiều lời khen cho đội tuyển bóng đá nữ với lần thứ tư liên tiếp lên ngôi vô địch. Nguyễn Thị Oanh giành 4 Huy chương Vàng cá nhân môn điền kinh, Nguyễn Thị Huyền giành đến tấm Huy chương Vàng thứ 13 qua 4 kỳ đại hội. Bộ đôi tay vợt trẻ Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc giành Huy chương Vàng bóng bàn nội dung đôi nam nữ sau 26 năm, Huy chương Vàng bóng rổ 3x3 nữ (Huy chương Vàng đầu tiên của môn bóng rổ).

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Đặng Hà Việt, người giữ cương vị Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, cho biết: “Thể thao Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong các nền thể thao mạnh nhất khu vực.

Tại SEA Games lần này, ban tổ chức bỏ qua nhiều môn Olympic thế mạnh của chúng ta như bắn súng, rowing, canoeing… trong khi những môn võ, chúng ta chỉ được đăng ký thi đấu 70% số lượng nội dung thi”.

Đánh giá về đội tuyển điền kinh và bơi không hoàn thành chỉ tiêu, ông Đặng Hà Việt cho biết: Thời gian qua, các nước thay nhau nhập tịch ngoại binh, tác động mạnh đến kết quả sau cùng. Điền kinh Việt Nam chỉ giành 12 Huy chương Vàng, hụt 2 so với chỉ tiêu và mất ngôi đầu vào tay Thái Lan.

Còn về bơi, điểm rơi và đích ngắm của đội tuyển Việt Nam là ở ASIAD nên SEA Games 32 là giai đoạn chuẩn bị cho mục tiêu châu lục. Dù chỉ giành 7 Huy chương Vàng so với mục tiêu là 8 nhưng bơi Việt Nam vẫn có 2 kỷ lục đại hội, chưa kể “trình làng” những gương mặt còn rất trẻ như Thúy Hiền và Mỹ Tiên với 2 Huy chương Đồng.

Theo ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT), ngoài việc đạt được những thành tích đề ra, Đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã lan tỏa, truyền cảm hứng về lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm, không lùi bước, không từ bỏ trước mọi khó khăn.

Vận động viên ở các môn thể thao đối kháng, võ thuật đã thi đấu thật kiên cường, thể hiện được truyền thống thượng võ, sự dũng cảm của người Việt Nam. Trong đó, vai trò của các nữ vận động viên rất lớn, như đội tuyển bóng đá nữ bảo vệ thành công ngôi vô địch hay các nữ vận động viên môn vật đã giành trọn bộ 6 tấm Huy chương Vàng.

Nguyễn Huy Hoàng được kỳ vọng sẽ giành huy chương tại ASIAD 19. Ảnh: TTXVN

Nguyễn Huy Hoàng được kỳ vọng sẽ giành huy chương tại ASIAD 19. Ảnh: TTXVN

Những điều đọng lại

Các vận động viên đạt thành tích ở SEA Games, ASIAD, Olympic là những con người có tố chất cực kỳ đặc biệt. Những người như vậy họ có nhiều chọn lựa nghề nghiệp. Họ có thể chọn nghề thể thao hay những ngành nghề khác để đảm bảo cuộc sống sau này. Nếu như thể thao chúng ta không đảm bảo cuộc sống, thu nhập cho vận động viên thì càng ngày chúng ta càng khó tuyển chọn vận động viên. Đó là vấn đề cực kỳ nan giải. Vấn đề tăng thêm thu nhập, tăng thêm nguồn lực cho các vận động viên là cần thiết. Để giải quyết vấn đề đó thì chúng ta phải làm thế nào? Đây là điều phức tạp. Ông ĐẶNG HÀ VIỆT (Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT)

Việc giành đến 136 Huy chương Vàng, Đoàn Thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu khi ban đầu chúng ta xác định mức phấn đấu chỉ từ 85 - 120 Huy chương Vàng. Tuy nhiên, ở môn bóng đá, đội tuyển U22 Việt Nam không bảo vệ thành công chức vô địch và thể hiện sự sút kém về nhiều mặt so với các đối thủ trong nhóm đầu khu vực. Điều đó buộc lãnh đạo ngành Thể thao phải tính toán lại, và cần xây dựng một kế hoạch mới cho môn thể thao vua.

Đoàn Thể thao Việt Nam cũng chỉ giành được 48 Huy chương Vàng ở các nội dung có trong chương trình thi đấu Olympic 2024, đạt tỷ lệ 35,29%. Các vận động viên Việt Nam đã xác lập 16 kỷ lục tại SEA Games 32, nhưng trong đó có đến 10 kỷ lục ở “mỏ vàng” môn lặn, môn chưa nằm trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic.

4 lần xô đổ thành tích cũ ở môn cử tạ của Quốc Toàn (hạng 89 kg) và Minh Trí (hạng 67 kg), 2 kỷ lục bơi của Phạm Thanh Bảo ở 100m ếch và 200m ếch dù đáng chú ý nhưng thông số thành tích của những vận động viên này còn kém rất xa chỉ số có khả năng giành huy chương ASIAD.

Nguyễn Huy Hoàng sẽ là niềm hy vọng lớn nhất trong việc tranh huy chương cho thể thao Việt Nam tại ASIAD 19, song thành tích giành Huy chương Vàng cự ly 1.500m với 15 phút 11 giây 24 của anh tại SEA Games 32 không thể so sánh với thông số 15 phút 01 giây 63 từng giúp Hoàng giành Huy chương Bạc tại ASIAD 2018.

Tại ASIAD 19 diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 9 tới, các thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam vừa lo thành tích vừa phải tính toán giành chuẩn để có suất tham dự Olympic 2024, không dễ để thể thao Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ “kép” ở sân chơi tầm châu lục.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, thể thao Việt Nam phát triển và đi lên từ vùng “trũng nhất, thấp nhất” của khu vực và thế giới, cộng với cách thức tổ chức của các nước chủ nhà hay thay đổi lịch thi đấu, chương trình thi đấu trong một khoảng thời gian dài tới hơn 20 năm qua. Thực tế này khiến việc đánh giá thành tích của các vận động viên là chưa thật chuẩn xác. Đó cũng là yếu tố khiến cho trình độ thể thao khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng chưa thể bứt xa.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Đặng Hà Việt cho biết thêm: Thể thao Việt Nam luôn có nhiều toan tính khi tham dự SEA Games 32. Từ vấn đề xếp hạng, chuyện đào tạo vận động viên trẻ để có sự kế thừa, chuẩn bị lực lượng cho các giải đấu sau.

Đối với các môn Olympic, thành tích của Việt Nam tại SEA Games chưa thể đánh giá chính xác liệu có sự đột phá về thành tích hay không? Bởi vì lúc này đánh giá vẫn còn tương đối khập khiễng, trong giai đoạn hiện nay các môn đang trong thời điểm chuẩn bị cho ASIAD và vòng loại Olympic.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh, về mặt định hướng chiến lược phát triển thể thao, Việt Nam không nên lệ thuộc vào đấu trường SEA Games, mà cần tập trung tìm kiếm, đào tạo các tài năng trẻ, vận động viên trẻ để tìm cơ hội đua tranh nhiều hơn tại đấu trường ASIAD.

Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc giành Huy chương Vàng bóng bàn nội dung đôi nam nữ. Ảnh: INT

Đinh Anh Hoàng - Trần Mai Ngọc giành Huy chương Vàng bóng bàn nội dung đôi nam nữ. Ảnh: INT

Cách đây 2 năm, Bộ VH-TT&DL chỉ đạo Tổng cục Thể dục Thể thao xây dựng chiến lược mới về thể thao cho tới năm 2030 - 2045, trong đó không nhắc tới chỉ tiêu đạt top 3 SEA Games, mà đấu trường chính là ASIAD, nhưng chiến lược này chưa được Chính phủ phê duyệt.

“Chúng ta cần nhìn về SEA Games 28 diễn ra năm 2015 tại Singapore. Khi đó, thể thao Việt Nam giành nhiều Huy chương Vàng ở các môn điền kinh, bơi lội, đua thuyền... 75% số huy chương đến từ những nội dung được đưa vào tranh tài ở Olympic. Đó mới chính là thành tích đáng mừng”, ông Minh chia sẻ, đồng thời nêu quan điểm, vấn đề đãi ngộ vận động viên thành tích cao cũng là việc cần xem xét lại.

Rất nhiều năm tháng chúng ta vẫn vận hành một cơ chế thể thao “bao cấp”, và những đãi ngộ hiện nay, dù đã được nâng lên, nhưng cũng vẫn chưa đủ bảo đảm tập trung nâng cao thành tích của vận động viên.

Kể từ kỳ SEA Games 2003 lần đầu đăng cai và cũng lần đầu bước lên ngôi cao nhất, thể thao Việt Nam đã luôn giữ vững một vị trí trong top 3 toàn đoàn. Tuy nhiên, so với Thái Lan, Việt Nam vẫn ở thế bám đuổi và thua sút, cả ở cuộc đua thứ hạng toàn đoàn lẫn các môn hàng đầu, rõ nhất với bóng đá nam, bóng chuyền nam nữ, điền kinh, cử tạ. Người Thái đã thực sự trở thành đối trọng chính, một hình mẫu và động lực để thể thao Việt Nam phấn đấu vươn lên.

Sau SEA Games 32, thể thao Việt Nam sẽ bắt tay ngay vào chuẩn bị cho ASIAD 19 và đặc biệt là cuộc đua đến Olympic Paris 2024. Mặc dù đứng đầu SEA Games 32 nhưng chỉ tiêu của thể thao Việt Nam ở sân chơi châu lục sắp tới rất khiêm tốn, trong khi mục tiêu huy chương Olympic 2024 lúc này được xem là không khả thi.

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nếp quen đầu tư dàn trải, chạy theo thành tích trước mắt thì hãy còn đè nặng. Vấn đề cốt yếu với thể thao Việt Nam là phải có sự tập trung cao độ cho các môn Olympic và ASIAD, đầu tư thực sự đặc biệt cho những vận động viên xuất sắc ở một số môn “mũi nhọn” có thể tranh chấp ở tầm châu lục và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ